Nhảy đến nội dung
 

IMF cắt giảm dự báo tăng trưởng vì thuế quan của ông Trump

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã cắt giảm mạnh dự báo tăng trưởng toàn cầu vào ngày 22.4 do tác động từ các mức thuế của Tổng thống Mỹ Donald Trump, với dự báo sẽ gây tổn hại cho nền kinh tế Mỹ, Trung Quốc và hầu hết các quốc gia khác.

Chuyên gia kinh tế trưởng của IMF Pierre-Olivier Gourinchas cho biết: "Điều chúng tôi đang thấy tất nhiên là tác động rất đáng kể từ những căng thẳng thương mại mới giữa Mỹ và một số quốc gia khác. Chúng tôi đã chứng kiến hàng loạt thông báo áp thuế từ cuối tháng 1 cùng các biện pháp đáp trả từ một số nước. Tất cả những điều đó đang ảnh hưởng rất lớn đến triển vọng kinh tế trong năm nay và năm tới".

IMF hiện dự báo tăng trưởng toàn cầu ở mức 2,8% vào năm 2025, giảm nửa điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng 1, trước khi Mỹ áp dụng hàng loạt thuế quan.

Dự báo của IMF về Mỹ trong năm nay giảm gần một điểm phần trăm xuống còn 1,8% trong khi Trung Quốc giảm từ 4,6% xuống 4%.

IMF dự kiến mức tăng trưởng sẽ duy trì gần các mức này vào năm 2026.

IMF gọi báo cáo này là "dự báo tham chiếu" dựa trên các diễn biến tính đến ngày 4.4, do tình hình hiện tại cực kỳ phức tạp và biến động.

Theo chuyên gia kinh tế trưởng của IMF Pierre-Olivier Gourinchas, tổ chức này không dự báo suy thoái ở Mỹ, nhưng xác suất suy giảm kinh tế đã tăng từ khoảng 25% lên 37%.

Ông cho biết IMF hiện dự báo lạm phát cơ bản của Mỹ sẽ đạt 3% vào năm 2025, cao hơn một điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng 1, do thuế quan và sức mạnh tiềm ẩn của lĩnh vực dịch vụ.

Ông nói rằng sự kết hợp giữa tăng trưởng chậm hơn và giá cả cao hơn sẽ tạo ra thách thức cho Cục Dự trữ Liên bang Mỹ.

"Những gì chúng tôi thấy ở Mỹ là thuế quan hoạt động như một cú sốc ở phía cung. Điều đó làm giảm sản lượng và tăng áp lực giá cả. Đây không phải là tin tốt cho ngân hàng trung ương vì họ phải đối mặt với sự đánh đổi khó khăn và áp lực giá cao hơn là điều họ phải kiểm soát. Nhưng còn có thêm sự không chắc chắn ngày càng tăng, liên quan đến việc không ai có thể biết mọi thứ cuối cùng sẽ ổn định ở đâu, khiến các doanh nghiệp tạm dừng đầu tư hoặc mua sắm, và điều đó đang kìm hãm các hoạt động có thể tiếp tục", Gourinchas cho hay.

Khi được hỏi về tác động nếu Nhà Trắng có động thái cách chức Chủ tịch Fed Jerome Powell, ông Gourinchas nói rằng việc các ngân hàng trung ương có thể duy trì độc lập là "cực kỳ quan trọng" để giữ uy tín trong việc kiểm soát lạm phát.