Huyền thoại 'cô gái hái bom' giữa rừng U Minh Hạ

Giữa những cánh rừng bạt ngàn của U Minh Hạ, nơi từng là chiến trường ác liệt trong kháng chiến chống Mỹ, có một phụ nữ kiên cường, được đồng đội và nhân dân trìu mến gọi là 'cô gái hái bom'. Đó là nữ Anh hùng LLVTND Võ Thị Xuân, năm nay 86 tuổi, ngụ P.1, TP.Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu.
Tuổi thơ gian khó và khát vọng hòa bình
Nữ anh hùng Võ Thị Xuân sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo có 9 anh chị em ở giữa cánh rừng U Minh Hạ (ấp Công Điền, xã Phong Lạc, H.Trần Văn Thời, Cà Mau). Bà thứ chín nên thường được gọi là Chín Xuân.
Những tháng ngày chiến tranh ác liệt, nhà của cha mẹ bà Chín Xuân là nơi tổ chức các cuộc họp bí mật của Tỉnh ủy Cà Mau, góp phần quan trọng trong việc duy trì phong trào cách mạng ở vùng địch tạm chiếm. Chín Xuân lúc đó 17 tuổi, được giao nhiệm vụ làm giao liên, tiếp tế cơm nước cho cán bộ cách mạng. Chín Xuân thông minh, giàu nhiệt huyết nên công việc đưa thư, chuyển tài liệu, tiền trạm, dẫn cán bộ đi thực tế... đều bảo đảm bí mật, an toàn, được mọi người tin tưởng.
Cuối năm 1959, Chín Xuân bị địch bắt trong một lần qua sông Ông Đốc, bị giam ở nhà tù Rạch Giá (Kiên Giang). Mỗi ngày, cai tù dùng que sắt nung đỏ để tra tấn nhưng không làm Chín Xuân sợ hãi, hé lộ một thông tin nào. Trong tù, Chín Xuân cùng một số cán bộ bí mật phát động các tù chính trị giữ vững khí tiết, nêu cao ngọn cờ đấu tranh cách mạng. Sau 9 tháng giam cầm không khai thác được gì, địch đành thả Chín Xuân.
Chín Xuân về lại xã Phong Lạc giúp dân bám ấp, xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân, tiếp tục kháng chiến và được giao nhiệm vụ bảo vệ căn cứ Tỉnh ủy Cà Mau. Bà đã vận động quần chúng tạo dựng 15 bãi chiến đấu, cắm cọc ngoài đồng nhằm chống địch càn quét, đổ quân, bảo vệ căn cứ Tỉnh ủy Cà Mau.
Ngày 10.8.1962, Chín Xuân vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Thành tích diệt đồn, giải phóng Phong Lạc ngày ấy làm nức lòng người dân U Minh Hạ. Ngày 15.5.1963, bà dẫn du kích xã phối hợp với C8 của tỉnh Cà Mau đánh tàu địch trên sông Ông Đốc. Trận đó, 1 tàu địch bị đánh chìm, 2 tàu khác bị hỏng, loại khỏi vòng chiến đấu 40 người, thu 6 khẩu súng và bắt sống 6 người phía địch.
"Cô gái hái bom", biểu tượng của lòng dũng cảm
Tháng 4.1965, quân địch rải nhiều loại bom dọc hai bờ sông Ông Đốc, như: bom nổ chậm, bom napal, bom bi, bom bươm bướm... để ngăn quân ta áp sát, bao vây căn cứ của chúng.
Đây là những loại bom hiện đại, trong đó nguy hiểm nhất là những quả bom nhỏ (bom bươm bướm) sau khi rời bom mẹ, rơi vãi trên cành cây, mặt đất nằm yên đợi nổ. Khi có người, vật va chạm, bom sẽ bị kích nổ tạo sức công phá lớn. Nhiều hộ dân đã phải bỏ nhà đi nơi khác vì mối nguy hiểm này, làng xóm trở nên hoang tàn. Xã Phong Lạc chủ trương phải tháo gỡ bom để dân trở về bám đất.
Trước tình hình đó, Chín Xuân được cấp trên điều đi học lớp tháo gỡ bom, mìn. Chín Xuân nghĩ tháo loại bom mới này phải chấp nhận khả năng hy sinh mới được. Sau đó, biết Chín Xuân đang mang thai 6 tháng, cấp trên can ngăn bà đi gỡ bom, nhưng bà một mực xin đi. Sau khi tháo thử một số quả bom thành công, một mình Chín Xuân bắt đầu lần lượt tháo gỡ, vô hiệu hóa 367 quả bom trong 5 ngày. Quả nào gỡ được thì gỡ, quả nào lớn quá thì tháo ngòi nổ, rồi báo công binh khiêng về lấy thuốc nổ.
Khi ấy, hai bàn tay của Chín Xuân bầm dập, tứa máu, song cả bãi bom đã được dọn sạch. Bà con hân hoan trở về Phong Lạc, nhiều người dân quý mến, cảm phục đặt cho Chín Xuân biệt danh "cô gái hái bom".
Ngày 25.1.1971, Chín Xuân được trao quyết định làm Huyện đội phó Huyện đội Trần Văn Thời. Cũng chính ngày hôm đó, chồng bà là ông Nguyễn Văn Buối hy sinh ở tuổi 34, khi đang giữ chức Đại đội phó Đại đội thông tin Tỉnh đội Kiên Giang. Nỗi đau mất mát người thân càng hun đúc ý chí quyết tâm đánh giặc của Chín Xuân. Bà tiếp tục lãnh đạo du kích các xã lập những chiến công vang dội, giải phóng toàn bộ địa bàn H.Trần Văn Thời.
Người phụ nữ kiên cường, gan dạ
Thượng tá Lê Quang Tâm, nguyên Chỉ huy phó Chính trị Ban Chỉ huy Quân sự H.Đông Hải (Bạc Liêu), từng công tác cùng nữ Anh hùng LLVTND Võ Thị Xuân, kể: "Cà Mau thời kháng chiến ai mà không biết "cô gái hái bom" Chín Xuân, một mình chị có ngày gỡ cả trăm trái bom lớn nhỏ".
Sau ngày đất nước thống nhất, bà Võ Thị Xuân tiếp tục phục vụ trong quân đội, giữ chức Huyện đội phó H.Trần Văn Thời. Tiếp đó, bà được điều động về Tỉnh đội Cà Mau và sau một thời gian thì chuyển sang làm công tác kinh tế cho đến năm 1991 nghỉ hưu. Với những đóng góp to lớn, bà được nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND, là thương binh hạng 4/4, vợ liệt sĩ và được trao tặng Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng.
Hiện bà Võ Thị Xuân sống cùng con trai là đại tá Nguyễn Quốc Việt, Chánh văn phòng Hội Cựu chiến binh tỉnh Bạc Liêu (nguyên Trưởng ban Bảo vệ - An ninh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bạc Liêu). Đại tá Việt chính là người con trong bụng cùng theo bà Xuân đi gỡ bom năm xưa.
Chiến tranh lùi xa, "cô gái hái bom" nay đã 86 tuổi, đang hưởng cuộc sống an nhàn với con cháu. Những cống hiến, đóng góp to lớn của bà đã góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, là tấm gương sáng về lòng yêu nước và tinh thần cống hiến cho thế hệ trẻ noi theo và cũng là biểu tượng bất khuất của tinh thần cách mạng miền Nam.