Hữu Châu làm chúa quỷ

Cuốn bút ký mở ra những bí mật sau bức màn nhung của không chỉ nghệ sĩ Hữu Châu mà còn những bi tráng của một gia tộc cải lương vang bóng một thời, đồng thời tái hiện lại thời kỳ hoàng kim của sân khấu.
Thời gian sau nầy, tôi mới được con nít thương. Khán giả nhỏ mà, cái sự yêu ghét luôn hiện ra rõ ràng trên gương mặt. Màn cuối, các cháu yêu quý chạy ào lên sân khấu, ôm hun Mỹ Duyên công chúa hay hoàng tử nầy kia tới tấp, bỏ tôi với các loại mẹ ghẻ, chúa quỷ, phù thủy hay Thành Lộc Ác Ma, hay cả hai mẹ con Cám đứng chỏng chơ buồn tủi.
Nhưng không có chúng tôi là không được.
Chúng tôi giữ vững cách suy nghĩ của mình về "vai ác". Làm vai ác không được để cho khán giả nhỏ sợ, chỉ làm cho chúng thấy đó là cái ác, cần tránh, không nên làm. Không nên cường điệu hóa, không nên chỉ dọa nạt.
Tôi thấy rõ con nít yêu chúng tôi một kiểu khác, âu yếm một kiếu khác, sợ hãi le lưỡi cũng kiếu rất khác. Chúng tôi thực sự vui, cảm thấy đời nghệ sĩ của mình quá hạnh phúc dưới lăng kính và ánh nhìn của tuổi thơ.
Mỗi năm, tới mùa Ngày xửa ngày xưa ai cũng háo hức. Nghệ sĩ già vẫn nôn nao. Vui từ hậu trường ra tới ngoài màn nhung. Chúng tôi pha trò, chọc ghẹo nhau ầm ĩ, tự cho phép “bung”. Anh Lộc, anh Bạch Long và tôi hay Thanh Thủy... có mặt từ những số đầu tiên, cảm thấy tuổi tác mơ mơ hồ hồ mỗi khi tới mùa hè. Vì cái không khí đặc quánh tươi trẻ. Rồi chúng tôi ra làm trò, nhảy múa, tung tăng như chưa từng bị tuổi tác thổi còi nhắc nhở.
![]() |
"Mỗi năm, tới mùa Ngày xửa ngày xưa chúng tôi ra làm trò, nhảy múa, tung tăng như chưa từng bị tuổi tác thổi còi nhắc nhở". Ảnh: FBNV. |
Những cô bé cậu bé đi với ba mẹ cười nắc nẻ ngày nào đã biến thành phụ huynh, giờ ngồi với con, chỉ trỏ lên sân khấu. Ba mẹ của họ từ trung niên đã thành ông bà. Họ làm một cuộc sum vầy tam đại đồng đường ngay dưới khán phòng, trong khi "group" nghệ sĩ đời đầu của Ngày xửa ngày xưa, thậm chí vẫn "ế", ế bền vững (như Thành Lộc, Bạch Long, Hữu Châu..). Vậy mà còn nhí nhố, chưa thèm hưu, chưa chịu lui vô trong.
Tôi còn được dùng làm ông kẹ mỗi khi phụ huynh cần sự trợ giúp để cho chúng nó nín, chúng nó chịu ăn.
- Coi, chúa quỷ, chúa quỷ kìa, ông Hữu Châu tới kìa, ngoan chưa con.
Tan hát. Hai vợ chồng trẻ thấy tôi bước xuống sân khấu, cầu viện liền:
- Bác Châu ơi bác Châu, cháu nó khóc hổng chịu dìa.
Chúa quỷ tôi giả bộ trừng mắt:
- Đứa bé kia, sao khóc? Đi dìa!
- Dạ nó hổng chịu dìa, đòi ở lại chiều coi tiếp. Mình phải về cho bác nghỉ ngơi chứ.
Chúng tôi áp giải nhóc con ra sân. Người mẹ trẻ nói:
- Anh Châu ơi! Vui lòng cho em xin số phone của anh, em hứa không quấy rầy anh. Khi nó chứng, chỉ cần nhờ anh Châu nói một tiếng trong điện thoại dùm tụi em. Nó nghe lời anh. Nó làm biếng ăn lắm anh Châu ơi!
Tôi cho cô.
Vài ngày sau. Tin nhắn tới.
- Anh Châu, cho phép em gọi anh chút.
Tôi bằng lòng.
- Nè, nè, con, nói chiện với chúa quỷ nè!
Tôi gầm lên:
- Ănnnnn... cơmmmmm.
Một sự im lặng tuyệt đối xảy ra. Tôi tắt máy.
Một lát sau, cô gọi:
- Dạ, dạ, anh Châu ơi! Nó ăn hết rồi. Cảm ơn anh rất nhiều.