Nhảy đến nội dung
 

Huawei hâm nóng cuộc đua pin xe điện: Mỗi lần sạc đi được 3.000km

(Dân trí) - Bằng sáng chế pin thể rắn mà Huawei vừa công bố chắc chắn sẽ khiến các đối thủ cạnh tranh "đứng ngồi không yên".

Huawei vừa công bố một bằng sáng chế pin thể rắn sử dụng chất điện phân sunfua, hứa hẹn mang lại cho xe điện phạm vi hoạt động lên tới 3.000km, cùng khả năng sạc siêu nhanh - chỉ 5 phút. Việc này đánh dấu bước tiến lớn của “gã khổng lồ” công nghệ trong cuộc đua trên thị trường pin thể rắn đang phát triển nhanh chóng.

Bằng sáng chế của Huawei mô tả cấu trúc pin thể rắn có mật độ năng lượng từ 400 đến 500Wh/kg, tức là cao gấp 2-3 lần so với pin lithium-ion truyền thống. Tài liệu cũng nêu chi tiết một phương pháp cải thiện độ ổn định điện hóa bằng cách pha nitơ vào chất điện phân sunfua nhằm khắc phục các phản ứng phụ tại điểm tiếp xúc với lithium vốn là trở ngại lớn trong việc thương mại hóa pin thể rắn sử dụng sunfua.

Thiết kế của Huawei nhằm tăng cường độ an toàn và tuổi thọ chu kỳ bằng cách giảm thiểu sự suy giảm tại điểm giao tiếp quan trọng này.

Việc Huawei tham gia vào nghiên cứu pin thể rắn phản ánh xu hướng mới của các công ty công nghệ và ô tô Trung Quốc. Dù không trực tiếp sản xuất pin, Huawei ngày càng thể hiện sự quan tâm đến chuỗi cung ứng vật liệu pin ở đầu chuỗi cung ứng. Hồi đầu năm 2025, công ty đã nộp hồ sơ đăng ký một bằng sáng chế khác về quy trình tổng hợp chất điện phân sunfua - vật liệu có độ dẫn điện cao nhưng chi phí đắt đỏ, đôi khi còn cao hơn cả vàng.

Ngành xe điện và công nghệ của Trung Quốc đang tích cực theo đuổi công nghệ pin thể rắn nhằm giảm phụ thuộc vào các nhà cung ứng truyền thống như CATL và BYD. Các hãng như Xiaomi hay Nio phải dựa vào nhà cung cấp pin, nên đang tìm cách phát triển theo chiều dọc để giành thế chủ động đối với linh kiện có thể chiếm hơn một nửa chi phí sản xuất xe điện.

Gần đây, Xiaomi cũng đã nộp hồ sơ đăng ký bằng sáng chế liên quan đến cấu trúc điện cực tổng hợp nhằm tối ưu hóa quá trình vận chuyển ion. Việc này cho thấy các công ty công nghệ Trung Quốc ngày càng coi trọng đổi mới trong lĩnh vực pin, không chỉ cho ô tô mà còn cho các thiết bị điện tử di động.

Tuyên bố của Huawei về tầm hoạt động 3.000 km và thời gian sạc 5 phút đang thu hút nhiều sự chú ý, nhưng các chuyên gia cảnh báo rằng những con số này vẫn mang tính lý thuyết và đòi hỏi hệ thống hạ tầng sạc mà hiện tại vẫn chưa được triển khai.

Dù vậy, tiềm năng kỹ thuật và sự tham gia của Huawei vào lĩnh vực này đã khơi lại sự quan tâm và lo ngại từ các đối thủ trên toàn cầu. Truyền thông Nhật Bản và Hàn Quốc đã bày tỏ lo ngại về việc Trung Quốc đang tăng tốc dẫn đầu trong công nghệ pin thế hệ mới.

Trên thế giới, các “ông lớn” truyền thống như Toyota, Panasonic và Samsung đã đầu tư vào nghiên cứu pin thể rắn hơn một thập kỷ qua. Toyota từng giới thiệu nguyên mẫu pin thể rắn vào năm 2023 với phạm vi di chuyển được công bố là 1.200 km và thời gian sạc 10 phút, đặt mục tiêu thương mại hóa trong vòng 5 năm.

Tuy nhiên, Trung Quốc đã nhanh chóng bắt kịp. Theo dữ liệu đã được công bố, Trung Quốc đăng ký hơn 7.600 bằng sáng chế pin thể rắn mỗi năm, chiếm 36,7% hoạt động toàn cầu.

Trong khi đó, các nhà sản xuất pin Trung Quốc đang chuẩn bị cho giai đoạn công nghiệp hóa. CATL đặt mục tiêu bắt đầu sản xuất thử nghiệm pin thể rắn lai vào năm 2027. Pin “Jinshi” của công ty Going High-Tech, với mật độ năng lượng 350Wh/kg và mật độ thể tích 800Wh/L, đã bước vào giai đoạn sản xuất quy mô nhỏ. Công ty Beijing WeLion cũng đã bắt đầu sản xuất các thỏi pin thể rắn dung lượng 50Ah đã được cấp chứng nhận quốc gia.

Dẫu vậy, vẫn còn nhiều thách thức lớn. Các chất điện phân thể rắn hiện có độ dẫn ion thấp hơn chất điện phân lỏng, và điện trở tại bề mặt tiếp xúc vẫn cản trở hiệu suất. Chi phí sản xuất cao - 8.000-10.000 NDT/kWh (29-36,5 triệu đồng) - vẫn đang là rào cản cho việc ứng dụng đại trà.

Tuy nhiên, sự gia nhập của Huawei đang tiếp thêm động lực cho nỗ lực dẫn đầu làn sóng đổi mới pin của Trung Quốc. Nếu những đột phá như vậy được thương mại hóa, chúng có thể làm thay đổi cuộc chơi trong lĩnh vực di chuyển điện hóa, từ việc xóa bỏ nỗi lo về phạm vi hoạt động, rút ngắn thời gian sạc, đến việc nâng cao mức độ tự chủ năng lượng cho các hãng xe và công ty công nghệ. Câu hỏi còn lại là: Tốc độ chuyển hóa kết quả trong phòng thí nghiệm thành sản xuất quy mô lớn sẽ nhanh đến đâu.

 
 
 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn