Nhảy đến nội dung
 

Hỗn loạn chuyện nhập tịch cầu thủ: Do 'luật ông bà'?

Nếu ở Indonesia chuyện nhập tịch chỉ mới tạo nên tranh cãi, thì khi sang Malaysia chiến lược này bắt đầu để lại các khoảng tối tạo nên sự nghi ngờ. Mọi chuyện ngày càng trở nên hỗn loạn.

Sơ hở của "luật ông bà"

Khi Malaysia giới thiệu dàn cầu thủ nhập tịch mới toanh 1 tháng trước, người hâm mộ bắt đầu đàm tiếu, nghi ngờ về mối liên hệ huyết thống thực thụ của những ngôi sao này. 

Từ Facundo Garces (người nằm trong vòng xoáy tranh cãi thời gian qua) cho đến Morales, Hevel..., các CĐV bóng đá khu vực bình luận: "Sao những cầu thủ tóc vàng, mắt xanh, da trắng này chẳng có chút gì của... người Malaysia".

Thật ra, đó là một cách nhìn nhận hoàn toàn cảm tính. Đặc điểm ngoại hình phần lớn dựa trên gene di truyền - ngành khoa học cực kỳ phức tạp mà hầu hết người bình thường không thông hiểu.

Lấy ví dụ như Jaylin Williams - VĐV gốc Việt lãnh lương cao nhất thế giới hiện tại. Cầu thủ bóng rổ này có bà ngoại là người Việt Nam nhưng cao đến 2,06m, nặng 109kg, và mang ngoại hình của một người Mỹ gốc Phi điển hình. 

Nếu Liên đoàn Bóng rổ thế giới (FIBA) áp dụng luật nhập tịch như FIFA, Jaylin về lý thuyết có thể khoác áo tuyển bóng rổ Việt Nam. Khi đó người hâm mộ sẽ nghĩ gì?

Nhưng lý thuyết đó không tồn tại bởi về luật lệ, FIBA không chấp nhận cho phép một VĐV nhập tịch nếu huyết thống xa hơn 1 đời. 

Cụ thể hơn, để thi đấu cho một quốc gia, FIBA yêu cầu VĐV hoặc phải có quốc tịch quốc gia đó, hoặc có cha mẹ sinh ra tại quốc gia đó. 

Trong làng thể thao đỉnh cao, những gì FIFA đang áp dụng gọi nôm na là "luật ông bà", cho phép cầu thủ nhập tịch một quốc gia chỉ với điều kiện đơn giản là có ông hoặc bà (nội, ngoại đều được) sinh ra tại quốc gia đó.

Năm 2007, chủ tịch FIFA khi đó là ông Sepp Blatter từng cảnh cáo về làn sóng nhập tịch như sau: "Nếu không ngăn cản trò hề này lại, chúng ta sẽ sớm thấy những đội tuyển toàn người Brazil tại World Cup".

Điều ông Blatter ám chỉ khi đó là sự lỏng lẻo trong việc nhập tịch những cầu thủ không hề có huyết thống liên quan. Quả nhiên không lâu sau đó, FIFA sớm thắt chặt đối tượng này bằng quy định "5 năm sinh sống tại quốc gia muốn nhập tịch".

Bằng quy định này, FIFA đã thành công dựng lên rào cản với các quốc gia giàu có như Trung Quốc, Qatar, UAE... Họ khó lòng dùng tiền để mua "quốc tịch" cho những ngôi sao nước ngoài một cách chóng vánh. Khoảng thời gian 5 năm là rào cản rất lớn. 

Nhưng con đường nhập tịch thứ 2, thông qua "luật ông bà" lại đang bắt đầu tạo nên tranh cãi. 

Không phải ai cũng dễ dãi như FIFA

Đây được xem là một trong những quy định mở nhất trong các liên đoàn thể thao lớn trên thế giới. Chỉ cần chứng minh được mối liên hệ huyết thống cách đến 2 đời, cầu thủ có thể đại diện cho một đất nước mà mình chưa từng sinh sống hay gắn bó.

Quy định tưởng như hợp lý này lại đang tạo ra kẽ hở nghiêm trọng. Bởi lẽ xác minh huyết thống đến thế hệ ông bà không hề đơn giản, đặc biệt với những quốc gia có lịch sử biến động hoặc lưu trữ dân sự yếu kém. 

Những cầu thủ như Garces, Morales có ông bà sinh trưởng từ những năm thập niên 1930-1950, và thật sự không dễ dàng gì để xác thực giấy tờ quãng thời gian gần trăm năm về trước. 

Không có thông tin nào cho thấy FIFA có bộ phận chuyên trách độc lập cho việc xác minh giấy tờ ở cấp độ này. Dễ hiểu vì sao dư luận lại tỏ ra nghi ngờ tính hợp lệ của những ngôi sao nhập tịch Malaysia. 

Trong khi đó, nhiều liên đoàn thể thao khác lại tỏ ra thận trọng hơn. Liên đoàn Bóng rổ thế giới (FIBA) không chấp nhận trường hợp ông bà là căn cứ nhập tịch. 

Cầu thủ chỉ được thi đấu cho một đội tuyển nếu có cha hoặc mẹ là công dân quốc gia đó, và việc nhập tịch sau tuổi 16 chỉ cho phép duy nhất một người ra sân trong cùng thời điểm tại các giải đấu lớn. 

World Aquatics - liên đoàn quản lý các môn thể thao dưới nước và World Athletics - cơ quan phụ trách điền kinh, cũng chỉ công nhận quốc tịch nếu VĐV cư trú thực tế ít nhất ba năm. Những liên đoàn này không sử dụng điều kiện huyết thống đến hai đời, tránh được phần lớn các tranh cãi về xác minh gốc gác.

Với đà nhập tịch của Indonesia và Malaysia, mang về trọn vẹn một đội bóng chỉ trong vòng 1-2 năm, những tranh cãi sẽ ngày càng nhiều, và mọi chuyện có thể rơi vào vòng xoáy hỗn loạn. Đã đến lúc FIFA phải xem xét lại những quy định vốn tưởng chừng hợp lý của mình.

 
 
 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn