Hơn 10.000 học sinh, sinh viên tham gia ngày hội giáo dục nghề nghiệp

TPO - Ngày 11/5, tại Cung thiếu nhi Hà Nội, hơn 10.000 học sinh các trường THCS – THPT đã “đổ” về tham gia chương trình Ngày hội gắn kết giáo dục nghề nghiệp Thủ đô với thị trường lao động năm 2025 do Sở GD&ĐT Hà Nội phối hợp các đơn vị tổ chức.
Từ sáng sớm, học sinh các trường THCS – THPT các huyện ngoại thành đã đến ngày hội vì tránh tắc đường.
56 trường cao đẳng, trung cấp nghề, trung tâm giáo dục nghề nghiệp chuẩn bị các gian hàng, cử thầy cô giáo, cán bộ hỗ trợ tư vấn cho học sinh. Các nhà trường giới thiệu hơn 101.000 chỉ tiêu tuyển sinh các ngành, nghề ở các cấp trình độ đào tạo khác nhau.
Em Phạm Bảo Khánh, học sinh lớp 9, Trường THCS Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) đăng ký học cách pha chế đồ uống tại gian hàng của một trường trung cấp nghề. Nam sinh được giáo viên “cầm tay chỉ việc” hướng dẫn pha một cốc trà quất đảm bảo các tiêu chí đẹp về hình thức, đúng tỉ lệ thành phần. Sau 5 phút, Khánh pha chế thành công cốc nước đầu tay. Đặc biệt, em được thưởng thức luôn thành phẩm của mình.
![]() |
Phạm Bảo Khánh, học sinh lớp 9, Trường THCS Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) đăng ký học cách pha chế đồ uống. |
Sau Bảo Khánh, nhiều học sinh cũng hào hứng đăng ký thử tham gia pha chế đồ uống.
“Em dự định sẽ không thi tuyển lên lớp 10 THPT mà sẽ đăng ký học nghề. Do đó, tham dự chương trình ngày hội em tìm hiểu thông tin các trường để có sự lựa chọn phù hợp nhất”, Khánh nói.
Thầy Nguyễn Văn Trọng, Giám đốc Trung tâm tư vấn tuyển sinh Trường Cao đẳng nghề Cơ Điện (Hà Nội) cho biết, trong năm tới, nhà trường tuyển sinh 1.500 chỉ tiêu hệ cao đẳng, 850 chỉ tiêu hệ trung cấp.
Chỉ trong buổi sáng tại ngày hội, đã có hàng trăm học sinh đến tìm hiểu và được tư vấn về các ngành đào tạo đồng thời được trải nghiệm công nghệ dạy học hiện đại hiện nay công nghệ thực tế ảo AI. Tại nhà trường, ngoài học thực tế trên mô hình thật, các ngành nghề hiện đều áp dụng công nghệ thực tế ảo dạy học để học sinh có hình dung như thật.
“Điều đặc biệt, ngoài học sinh đến tìm hiểu thông tin về ngành nghề cũng có không ít phụ huynh đặt câu hỏi, quan tâm đến chương trình đào tạo và đầu ra”, thầy Trọng nói.
![]() |
Thầy Nguyễn Văn Trọng, Giám đốc Trung tâm tư vấn tuyển sinh Trường Cao đẳng nghề Cơ Điện (Hà Nội) trực tiếp tư vấn cho học sinh. |
Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có hình thức tư vấn, giới thiệu nghề đa dạng nhưng có một điểm chung là tạo cơ hội cho học sinh thực hành.
![]() |
Phụ huynh tìm hiểu các ngành nghề đào tạo của các trường nghề. |
Ví dụ, hướng dẫn cách cắt tỉa hoa quả, trang trí món ăn, hướng dẫn làm bánh, hướng dẫn làm đẹp, giới thiệu công nghệ sơn ô tô, pha chế đồ uống… nhằm góp phần khơi dậy đam mê nghề nghiệp trong mỗi học sinh.
Nhiều học viên chưa ra trường đã có việc làm
Phát biểu tại ngày hội, ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, ngày hội thu hút và quy tụ khoảng 10.000 học sinh, sinh viên.
Đặc biệt, đến cuối năm 2024, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã hợp tác, kết nối với gần 1.000 doanh nghiệp trong việc tuyển sinh, đặt hàng đào tạo và hỗ trợ trang thiết bị, nguyên vật liệu, kinh phí cho các cơ sở trong quá trình đào tạo; hỗ trợ, tham gia xây dựng, chỉnh sửa chương trình, giáo trình ở các trình độ đào tạo…
![]() |
Nhiều học sinh hào hứng tham gia chương trình ngày hội. |
“Vì vậy, tỉ lệ học sinh, sinh viên, học viên có việc làm sau tốt nghiệp luôn đạt từ 70-80% trở lên. Nhiều em chưa tốt nghiệp ra trường đã có việc làm; nhiều ngành nghề khi học sinh, sinh viên ra trường được doanh nghiệp tuyển dụng 100% như: nghề kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí; nghề công nghệ kỹ thuật điện, điện tử; công nghệ tự động hóa...”, ông Cương nói.
Cũng theo ông Cương, ngày hội gắn kết giáo dục nghề nghiệp Thủ đô với thị trường lao động năm 2025 sẽ góp phần nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò, vị thế của giáo dục nghề nghiệp đồng thời đẩy mạnh công tác đào tạo nghề gắn với doanh nghiệp.
Lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tăng cường tuyên truyền, tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho học sinh; tiếp tục đổi mới chương trình đào tạo, tăng cường hợp tác với doanh nghiệp, đào tạo theo địa chỉ đặt hàng, đảm bảo nội dung đào tạo sát với thực tiễn.
Các doanh nghiệp tích cực tham gia vào quá trình đào tạo, tuyển dụng, tạo điều kiện để học sinh, sinh viên tiếp cận môi trường làm việc chuyên nghiệp.
"Ngoài ra, học sinh, sinh viên cũng cần chủ động tìm hiểu, trải nghiệm và lựa chọn con đường nghề nghiệp phù hợp với năng lực và đam mê của bản thân", ông nói.