Nhảy đến nội dung
 

Hồi sinh 'trận địa không tiếng súng' Trại Davis

Trại Davis - dấu ấn lịch sử của cuộc kháng chiến chống Mỹ, đang được phục dựng ngay sát sân bay Tân Sơn Nhất, trở thành không gian giáo dục sống động cho thế hệ trẻ.

823 ngày đêm không tiếng súng, nhưng đầy khốc liệt

Dưới cái nắng oi ả tháng 7 của phương Nam, giữa nhịp sống hối hả của đô thị hiện đại mang tên Bác, một câu chuyện âm thầm nhưng lay động đang được viết tiếp. Hành trình hồi sinh Trại Davis, di tích đặc biệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, biểu tượng của trí tuệ, bản lĩnh và khát vọng hòa bình của dân tộc.

Trại Davis, nguyên là trại lính Mỹ, tọa lạc sát phía tây nam sân bay Tân Sơn Nhất. Đây từng là nơi đóng quân của đoàn đại biểu quân sự Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trong Ủy ban Liên hợp quân sự bốn bên, theo Hiệp định Paris 1973.

Đây không chỉ là địa điểm hành chính, mà là chiến tuyến đặc biệt, nơi diễn ra cuộc đấu trí không khoan nhượng giữa ta và địch.

Trong suốt 823 ngày đêm, giữa sự kìm kẹp, khiêu khích và đe dọa, các chiến sĩ cách mạng đã giữ vững khí tiết, lập trường, dùng bản lĩnh chính trị và ngoại giao làm vũ khí.

Tại buổi gặp mặt đầy xúc động của Ban Liên lạc Trại Davis vào đầu tháng 7.2025 ở TP.HCM, những người từng sống và chiến đấu âm thầm trong lòng địch năm xưa nay đã bạc mái đầu. Nhưng ánh mắt họ vẫn rực sáng khi nhắc về "trận địa không tiếng súng" ấy.

"Chúng tôi không mang súng, nhưng mỗi lời nói là một viên đạn đấu tranh. Trại Davis là mặt trận âm thầm, căng thẳng và đầy hiểm nguy", cựu chiến binh Bùi Đức Vình (1954, ở Hưng Yên), Phó ban Liên lạc Trại Davis, nghẹn ngào.

Điều khiến họ trăn trở nhất là ký ức ấy đang phai mờ dần. "Trại Davis là nơi đong đầy máu, mồ hôi và trí tuệ của bao con người. Chúng tôi mong nơi ấy được phục dựng - như một bảo tàng sống, để thế hệ mai sau hiểu rằng hòa bình hôm nay không đến từ những điều dễ dàng", ông Vình nói.

Không gian giáo dục - truyền cảm hứng sống động

Sau khi tiếp cận hồ sơ lưu trữ, gặp gỡ các nhân chứng lịch sử và làm việc với Trung tâm Bảo tồn Di tích TP.HCM, những nét phác đầu tiên của dự án Trại Davis đã ra đời - trên diện tích khoảng 4.000m2, ngay cạnh nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất.

Bản vẽ đầu tiên do Công ty cổ phần tư vấn và quản lý dự án xây dựng quốc tế ICP thực hiện lấy cảm hứng từ kết cấu nguyên bản: những dãy nhà mái tôn hình chữ nhật, tháp canh, hàng rào dây thép gai, khu ở, phòng họp, tháp nước, giếng, hầm ngầm...

Điểm nhấn đặc biệt là khu "ký ức sống", nơi tái dựng không gian sinh hoạt của chiến sĩ: giường sắt, máy đánh chữ Liên Xô, radio, bảng tin nội bộ, hộp cơm inox... Từng chi tiết được tái hiện chính xác, đúng tinh thần thời kỳ.

"Tôi không muốn tái dựng một bảo tàng khô khan. Trại Davis phải là một không gian sống của ký ức, nơi mọi người hôm nay có thể bước vào, lắng nghe, cảm nhận và sống lại những khoảnh khắc lịch sử", kiến trúc sư tham gia thiết kế (xin giấu tên) trình bày đầy tâm huyết.

Ông Vũ Quý Tùng, Trưởng ban Liên lạc Trại Davis, xúc động: "Dù còn nhiều điểm cần góp ý, nhưng qua bản vẽ đầu tiên, tôi đã thấy Trại Davis dần sống lại. Không đơn thuần là kiến trúc, đây là phần máu thịt của lịch sử".

Dự án phục dựng Trại Davis do UBND TP.HCM chủ trì sẽ kết hợp giữa di tích thực tế và công nghệ hiện đại AR/VR. Khách tham quan không chỉ được chiêm ngưỡng mà còn có thể "trải nghiệm lại" các cuộc họp căng thẳng, những tranh luận gay gắt trong trại năm xưa.

Một phần quan trọng của dự án được dành cho giáo dục lịch sử: tổ chức hoạt động ngoại khóa, tọa đàm, triển lãm, giao lưu nhân chứng... nhằm đưa lịch sử đến gần giới trẻ.

"Lãnh đạo TP.HCM muốn nơi đây là một trường học mở, để thế hệ hôm nay hiểu, biết ơn và tiếp nối tinh thần yêu nước", ông Lư Vũ Minh, Phó giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích TP.HCM cho biết.

Trại Davis - biểu tượng của trí dũng Việt Nam

Trại Davis là biểu tượng của niềm tin vào hòa bình ngay trong lòng chiến tranh, là cuộc đấu tranh không súng đạn nhưng đầy trí tuệ và bản lĩnh.

Và hôm nay, thế hệ sau đang tiếp tục kể lại câu chuyện ấy, bằng ngôn ngữ của kiến trúc, công nghệ và lòng biết ơn. 

Cựu chiến binh Trần Trung Đệ, thành viên Ban Liên lạc gửi gắm mong muốn: "Hãy phục dựng bằng tình yêu và sự kính trọng, đừng để nơi này trở thành một công trình trưng bày vô hồn. Hồn di tích là điều thiêng liêng nhất phải gìn giữ".

Trại Davis đang dần hồi sinh - không chỉ như một di tích, mà như một chứng nhân sống động của lịch sử Việt Nam hiện đại.

 
 
 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn