Hội đồng chuyên gia kinh tế cảnh báo: Nền kinh tế lớn nhất châu Âu vẫn sẽ trì trệ trong năm 2025

Hội đồng Chuyên gia Kinh tế Đức ngày 21/5 đã hạ dự báo tăng trưởng cho nền kinh tế lớn nhất châu Âu. Các chuyên gia cảnh báo nước Đức đang bước vào “giai đoạn suy yếu rõ rệt”.
Trước đó, trong báo cáo công bố hồi tháng 11 năm ngoái, cơ quan cố vấn cho chính phủ Đức từng dự báo GDP nước này sẽ tăng trưởng 0,4% trong năm 2025.
Trong hai năm liên tiếp, Đức là nền kinh tế phát triển duy nhất trong nhóm G7 không tăng trưởng, do chịu ảnh hưởng bởi các hạn chế về tài khóa và ngành công nghiệp suy giảm.
Theo Hội đồng, chính sách thuế quan mới của Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump có thể giáng đòn mạnh vào nền kinh tế định hướng xuất khẩu của Đức.
Nhiều năm qua, Đức đã mở rộng xuất khẩu và thống trị thương mại thế giới về các sản phẩm kỹ thuật như máy móc công nghiệp và xe hơi hạng sang. Nhưng nước này đã phải chịu sự cạnh tranh ngày một gia tăng từ các công ty Trung Quốc. Đồng thời, thuế quan của ông Trump làm gia tăng rủi ro cho hàng xuất khẩu của Đức.
“Trong thời gian tới, kinh tế Đức sẽ chịu tác động đáng kể từ hai yếu tố: chính sách thuế quan của Mỹ và gói tài khóa trong nước”, Chủ tịch Hội đồng Chuyên gia Kinh tế Monika Schnitzer nhận định.
Mỹ là đối tác thương mại lớn nhất của Đức trong năm 2024, với kim ngạch thương mại song phương đạt 253 tỷ euro (tương đương 284 tỷ USD).
Dù triển vọng ngắn hạn còn nhiều khó khăn, tin tích cực là chính phủ Đức đã phê duyệt một gói chi tiêu mới hồi tháng 3. Gói này bao gồm một quỹ đầu tư hạ tầng trị giá 500 tỷ euro, đồng thời điều chỉnh quy định giới hạn mức thâm hụt ngân sách công tối đa 0,35% GDP. Theo đó, chi tiêu quốc phòng vượt 1% GDP sẽ không bị ràng buộc bởi quy tắc này. Giới kinh tế cho rằng đây là cơ hội để Đức quay lại quỹ đạo tăng trưởng.
Bắt đầu từ năm 2026, các khoản đầu tư trong khuôn khổ gói tài khóa được kỳ vọng sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động xây dựng, đầu tư thiết bị và chi tiêu công. Hội đồng dự báo GDP Đức có thể tăng trưởng 1,0% vào năm tới.
Bên cạnh đó, tiêu dùng cá nhân cũng được dự báo sẽ phục hồi rõ rệt hơn trong năm 2026 nhờ thu nhập khả dụng tăng lên đáng kể tính theo giá trị thực.
Theo Reuters