Nhảy đến nội dung

Học tiếng dân tộc để đẩy lùi vấn nạn tảo hôn ở Mường Khương

Cán bộ xã và bộ đội biên phòng học tiếng dân tộc để thấu hiểu tâm tư, phong tục tập quán của người dân địa phương. Đây chính là “bí quyết” giúp phòng chống tảo hôn ở huyện miền núi Mường Khương, nơi gần 90% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số.

Tảo hôn từng là chuyện “chẳng có gì lạ”

Ở huyện miền núi Mường Khương (tỉnh Lào Cai), nơi có gần 90% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống từng rất phổ biến.

Mường Khương là huyện vùng cao biên giới có tới 23 dân tộc cùng sinh sống, đông nhất là người Mông, người Nùng… Ở các vùng sâu, vùng xa, tập tục lạc hậu vẫn còn tồn tại khá nhiều. Công tác phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vì vậy gặp không ít khó khăn, do trình độ dân trí của người dân còn thấp, nhận thức về chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình còn hạn chế.

Chỉ riêng trong giai đoạn 2018–2020, toàn huyện có 1.540 cặp đăng ký kết hôn, trong đó có tới 67 cặp là tảo hôn. Riêng 6 tháng đầu năm 2021, đã ghi nhận 25 trường hợp có dấu hiệu tảo hôn.

Chị Vàng Thị Hương, thôn Pạc Tà, xã Tả Gia Khâu chia sẻ rằng, chị từng có ý định lấy chồng khi mới 17 tuổi.  “Bố mẹ khuyên can, nhưng thấy mình quyết liệt quá thì cũng định đồng ý. Sau đó, cán bộ đồn biên phòng và chính quyền địa phương đến nhà vận động, phân tích việc kết hôn và sinh con quá sớm có thể ảnh hưởng sức khỏe và tương lai. Mình cũng từng thấy nhiều người lấy chồng sớm rất vất vả nên quyết định chờ đến khi đủ tuổi mới kết hôn”, chị Hương kể.

Hiện nay, vợ chồng chị Hương đã có ba con, kinh tế ổn định, cuộc sống gia đình hạnh phúc. Chị bảo: “Giờ nếu thấy bạn bè hay người thân định lấy chồng sớm, mình sẽ khuyên nên đợi đủ tuổi theo quy định pháp luật, hoặc muộn hơn cũng tốt. Cứ cố gắng đi ra ngoài tìm hiểu thế giới, mở mang kiến thức sẽ có lợi hơn nhiều”.

Nhiều phong tục tiềm ẩn nguy cơ tảo hôn

Ông Nguyễn Kiên Cường, Phó Chủ tịch UBND xã Dìn Chin cho biết: Dìn Chin là xã biên giới, hơn 90% dân số là người dân tộc Mông. Khu vực Pha Long (gồm 4 xã: Pha Long, Dìn Chin, Tả Gia Khâu, Tả Ngài Chồ) có lễ hội Gầu Tào – lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa, nhưng cũng là nơi dễ xảy ra tình trạng tảo hôn do các bạn trẻ gặp gỡ, tìm hiểu và quyết định yêu nhanh, cưới vội.

“Chúng tôi xây dựng kế hoạch tuyên truyền cho thanh thiếu niên trước, trong và sau lễ hội: Đi chơi nhưng không bỏ học; xây dựng tình yêu trong sáng; khi đủ tuổi hãy tiến tới hôn nhân”, ông Cường nói.

Ngoài ra, quan niệm “có thêm người là thêm lao động” khiến nhiều gia đình đồng thuận cho con cái cưới sớm. Nếu nhà gái đã nhận lễ dạm ngõ thì xem như cô gái đã là người của nhà trai, rất khó thay đổi.

“Điều quan trọng nhất là phải hiểu được tâm tư, tình cảm và phong tục tập quán. Ngoài chuyên môn, buổi tối chúng tôi xuống bản học tiếng dân tộc. Hiện, anh em cán bộ xã đã có thể hiểu được trên 70% tiếng Mông”, ông Cường cho biết.

"3 bám 4 cùng" 

Thiếu tá Hà Quang Trung, nhân viên vận động quần chúng Đồn Biên phòng Tả Gia Khâu đã có hơn 3 năm gắn bó với công tác tuyên truyền phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại hai xã Dìn Chin và Tả Gia Khâu. 

Anh kể: “Có trường hợp bố đồng ý với cán bộ, nhưng mẹ lại ủng hộ con cưới sớm. Con thì dọa tự tử. Chúng tôi phải kiên trì vận động, thậm chí nhấn mạnh việc tảo hôn là vi phạm pháp luật thì họ mới chịu nghe”.

Với phương châm “3 bám 4 cùng”: Cùng ăn - cùng ở - cùng làm - cùng nói tiếng dân tộc; bám đơn vị - bám địa bàn - bám chủ trương chính sách, các cán bộ biên phòng như Thiếu tá Trung đã phối hợp với thôn bản tuyên truyền, ngăn chặn nhiều trường hợp vi phạm.

Những năm gần đây, xã Dìn Chin đã ban hành nghị quyết chuyên đề về phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Chính quyền xã phối hợp với đồn biên phòng và công an xã tiếp cận sớm những trường hợp có nguy cơ bỏ học, kết hôn sớm.

“Có hôm trời mưa rét, nhưng nghe tin có trường hợp có nguy cơ tảo hôn, chúng tôi vẫn đến tận nhà vận động”, ông Cường chia sẻ.

Trong khuôn khổ Dự án 8 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số (chương trình 1719), xã đã thành lập 6 tổ tuyên truyền cộng đồng ở 6/9 thôn, do hội phụ nữ làm chủ đầu tư. 2/3 thành viên là phụ nữ – những người nhiệt tình, tích cực tham gia truyền thông về phòng chống tảo hôn, bạo lực gia đình, hôn nhân cận huyết thống...

Cuối mỗi năm, xã tổ chức tổng kết mô hình, thi tuyên truyền viên giỏi để các thành viên nâng cao kỹ năng, kiến thức thực tế. Nhờ đó, tỷ lệ tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống ở xã Dìn Chin đã giảm đáng kể. 

“Từ năm 2023 trở về trước còn vài trường hợp, nhưng năm 2024 gần như không có. Đây là thành quả đáng khích lệ,” ông Cường vui mừng nói.

 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn