'Học sinh mất quá nhiều thời gian luyện viết chữ đẹp?'

"Học sinh ở Mỹ chưa bao giờ phải luyện để viết chữ đẹp ở trường. Giáo viên chỉ chú trọng vào cách viết câu và đoạn văn sao cho hoàn chỉnh. Nếu nói học sinh Việt luyện viết chữ đẹp để rèn tính cẩn thận thì không lẽ học sinh Mỹ đều là những người cẩu thả hết hay sao?
Tôi làm phép so sánh như vậy để thấy rằng học sinh ở Mỹ không hề có áp lực phải luyện chữ, nhưng chữ viết vẫn rõ ràng, dễ đọc, mặc dù không đẹp như in. Vậy tại sao chúng ta không học cái hay của người ta để cả nhà trường, gia đình và học sinh Việt đều cởi bỏ được áp lực phải luyện chữ cho thật đẹp?
Viết chữ đẹp không sai, nhưng mất quá nhiều thời gian cho nó, rồi sinh ra thêm áp lực cho học sinh thì không cần thiết. Đồng ý rèn chữ cũng là một cách rèn tính kiên nhẫn, nhưng đó không phải là cách duy nhất. Nếu trẻ thích luyện chữ đẹp thì nên ủng hộ. Tuy nhiên không nên áp đặt tất cả đều phải luyện theo cường độ như vậy.
Chưa kể, con người luôn tiến hóa để thích nghi với điều kiện tự nhiên và sự phát triển của khoa học công nghệ. Con người ngày nay chủ yếu viết bằng bàn phím máy tính, điện thoại, chứ không còn viết tay nhiều như khoảng 30 năm về trước. Đó là một thực tế mà không ai có thể đảo ngược. Vậy nên, không cần quá mất thời gian để luyện chữ đẹp như in, trừ khi đó là đam mê".
Đó là quan điểm của độc giả Rachel Pham xung quanh câu hỏi "có cần bắt học sinh luyện viết chữ đẹp?" được nêu trong bài viết "Con học lớp 3 viết chữ xấu như gà bới". Theo đó, tác giả Nguyễn Thúy Uyên nêu thực trạng nhiều học sinh ngày nay viết chữ quá cẩu thả, quá xấu, nguyên nhân do nhiều cha mẹ đã phó mặc cho giáo viên dạy dỗ các em ở trường, mà không chú ý đến việc rèn luyện và uốn nắn nét chữ cho con trong khoảng thời gian các bé ở nhà.
>> Bắt học sinh viết chữ đẹp để làm gì?
Tuy nhiên, đánh giá cao tầm quan trọng của việc rèn chữ cho học sinh, bạn đọc Đình Duy phân tích: "Ở Việt Nam, chữ viết đẹp từng là một phần trong văn hóa học đường. Nó thể hiện sự rèn luyện, cẩn thận và nền nếp của người học. Vấn đề không phải là chúng ta bắt trẻ phải viết đẹp như thư pháp, mà là đừng để chữ viết chữ bị xem thường, khiến học sinh có tâm lý cẩu thả, viết xấu không đọc nổi. Điều đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc học và giao tiếp của các em sau này.
Tôi cho rằng, việc trẻ em Việt Nam viết chữ xấu đi không nên được so sánh theo kiểu 'học sinh Mỹ đâu cần luyện chữ đẹp, sao chúng ta vẫn làm?'. Lý do là bởi mỗi quốc gia sẽ có cách tiếp cận giáo dục khác nhau.
Ví dụ, giáo dục Trung Quốc lại có cách tiếp cận ngược lại với các nước phương Tây, rất chú trọng đến việc luyện viết thư pháp cho trẻ. Trong khi đó, ở Mỹ, người ta lại ưu tiên rèn kỹ năng diễn đạt và tư duy phản biện cho trẻ, còn chữ viết chỉ là công cụ, chưa kể họ cũng cho học sinh dùng máy tính từ rất sớm... Rất khó để nói thế nào là đúng, là sai, nên việc so sánh luôn là khập khiễng".
Lấy dẫn chứng từ chính trường hợp của bản thân, độc giả Ltthuyquyen nêu ý kiến: "Con tôi cũng viết rất xấu. Khi con học hết lớp 1, tôi phát hiện chữ viết của con lúc to, lúc nhỏ lẫn lộn, nét không đều, lộn xộn. Thời gian đó tôi mang thai bé thứ hai nên không thể theo dõi, giám sát việc học của con, giao phó hoàn toàn việc chăm con cho chồng. Mà chồng tôi lại là người cẩu thả, không sát sao (theo kiểu thế nào cũng được) nên con cũng bị ảnh hưởng.
Sau đó, tôi đã phải cho con học rèn chữ thêm bên ngoài. Cũng may, sau một năm, nét chữ của con cũng được cải thiện phần nào. Ở trường, con còn được chọn đi thi 'vở sạch chữ đẹp', tuy là không có giải. Qua học rèn chữ, tôi nhận thấy con cẩn thận hơn và kiên nhẫn hơn trước rất nhiều. Theo tôi, đó cũng là những ưu điểm của việc cho trẻ luyện chữ".
Thành Lê tổng hợp