Nhảy đến nội dung

'Học sinh cá biệt rất thích bị đình chỉ học'

"Đầu năm vừa rồi, tôi nhận chủ nhiệm một lớp 12. Trong đó, có một học sinh rất cá biệt mới chuyển vào lớp. Tôi đã đi dạy 18 năm, nhưng không dạy học sinh đó từ năm lớp 10. Vừa vào lớp, em này đã có thái độ rất vô kỷ luật. Tôi cũng biết em là học sinh nghịch nhất trường. Tôi mới căn dặn vài câu mà em đã muốn 'ăn tươi nuốt sống' thầy rồi. Nếu tôi là giáo viên mới ra trường thì e rằng bản thân sẽ không bình tĩnh được. Kể cả nếu giáo viên lâu năm cũng sẽ khó mà kiềm chế nổi.

Thế nên, nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo bỏ hình thức kỷ luật đình chỉ với học sinh cá biệt kiểu này thì tôi e rằng chẳng ai có thể dạy dỗ được. Tôi cũng từng dạy một năm ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên cách đây 18 năm, khi mới ra trường. Học sinh thời đó đúng là nghịch thật nhưng vẫn tôn trọng thầy cô chứ không ngổ ngáo, ngỗ ngược như nhiều em thời nay, nên phải có hình thức kỷ luật nghiêm khắc mới uốn nắn được".

Đó là những trăn trở của độc giả Blue Pham sau thông tin Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến bỏ hình thức đình chỉ học với học sinh. Nội dung trên nằm trong dự thảo Thông tư quy định về khen thưởng và kỷ luật học sinh, được Bộ lấy ý kiến từ ngày 6/5. Cụ thể, với học sinh bị kỷ luật nếu vi phạm Luật Giáo dục, nội quy của trường hoặc cơ quan chức năng: các em ở bậc tiểu học sẽ bị nhắc nhở hoặc yêu cầu xin lỗi; còn học sinh cấp THCS, THPT sẽ bị nhắc nhở, phê bình hoặc viết bản tự kiểm điểm, thay vì nặng nhất là đình chỉ học như hiện nay.

Đồng quan điểm, bạn đọc Tuhuong phân tích: "Làm vậy chẳng khác nào thả hổ về rừng. Gia đình có nền nếp, xã hội có chuẩn mực, vậy tại sao trường học có khen thưởng lại không có kỷ luật nghiêm? Các em học sinh hiện nay có quá nhiều quyền nên không còn sợ thầy cô nữa. Nếu bỏ hình thức đình chỉ nữa thì chúng sẽ tha hồ quậy phá. Chỉ khổ các học sinh ngoan bị những bạn bè ngỗ ngược làm ảnh hưởng xấu. Tôi đồng ý không sử dụng bạo lực để dạy trẻ nhưng phải có kỷ luật nghiêm khắc mới uốn nắn được các em nên người".

>> Học sinh đánh bạn rồi 'được' nghỉ học

Trong khi đó, với quan điểm trái ngược, độc giả Thao Ngô ủng hộ dự thảo mới: "Tôi cho rằng bỏ hình thức đình chỉ học sinh là khá nhân văn và hợp lý. Học sinh ngoan mới sợ bị đình chỉ học, chứ học sinh hư thì chưa chắc. Nhiều người nghĩ đơn giản rằng 'cứ học sinh hư là phải đuổi ngay', có lẽ là do đó không phải con em họ. Tuy nhiên, họ không tính tới chuyện những học sinh thất học đó sau này ra đời sẽ thành 'đầu trộm đuôi cướp', và cuối cùng chính xã hội vẫn phải gánh chịu tất cả những hậu quả.

Theo tôi, các hình thức kỷ luật mang tính bạo lực như đòn roi, đuổi học nên bỏ hẳn. Chỉ nên áp dụng các hình thức khiển trách trước toàn trường, phạt lao động công ích... Quan trọng là nhà trường cần thực hiện minh bạch, công khai, có chừng mực là được".

"Tôi cũng đồng tình với quan điểm bỏ đình chỉ học đối với học sinh vi phạm. Vì xét cho cùng, đình chỉ học không có tính giáo dục nhân văn. Những học sinh hư sẽ xem đây như một kỳ nghỉ, được chơi bời, lang thang... Nhà trường không giáo dục được lại đẩy học sinh ra ngoài đường phá phách, sau này càng làm gánh nặng cho xã hội.

Bất kỳ học sinh hư nào cũng cần được giáo dục và không thể bị nhà trường từ chối. Thay vì đình chỉ học sinh, Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể nghiên cứu thêm các hình thức kỷ luật khác như cho lao động công ích ở trường, ở lớp để các em thấy giá trị của lao động, đó cũng là một cách để rèn luyện bản thân", bạn đọc Laigiang nói thêm.

Gợi ý giải pháp thay thế hình thức đình chỉ học với học sinh cá biệt, độc giả John Wick nêu quan điểm: "Cần phải tăng mức độ xử phạt đối với học sinh hư, học sinh cá biệt, có hành vi xấu với người khác. Tốt nhất là đưa các em này vào trường giáo dưỡng, trung tâm giáo dục đặc biệt. Không nên đình chỉ nhưng cũng không thể để học sinh hư học chung với học sinh bình thường".

Việt Thành tổng hợp