Hoạt động của lực lượng CSGT ở Bình Dương cũ sau hợp nhất với TPHCM ra sao?

TPO - Sau khi hợp nhất với TPHCM, phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) có hai thượng tá được giao phụ trách các lĩnh vực khác nhau tại khu vực Bình Dương cũ, quản lý 7 đội. Công tác tuần tra, xử lý, giải quyết thủ tục hành chính không gián đoạn. Việc tăng phí đăng ký ô tô, người dân nơi đây đã lường trước.
Ngày 4/7, ghi nhận của phóng viên, tại trụ sở công an các xã, phường ở TPHCM, khu vực Bình Dương cũ, từ sáng sớm, nhiều người dân đã có mặt để làm thủ tục cấp đổi giấy phép lái xe, đăng ký xe. Quá trình làm thủ tục, người dân được lực lượng công an hỗ trợ nhiệt tình, hướng dẫn cụ thể các thủ tục để việc tiếp nhận diễn ra nhanh chóng và thuận tiện.
Đối với mỗi trường hợp, quá trình giải quyết thủ tục chỉ diễn ra vài phút, khi hồ sơ không xảy ra sai sót.
Sau khi hoàn tất các thủ tục và nộp lệ phí theo quy định, người dân được nhận giấy hẹn. Đối với trả giấy phép lái xe, được hẹn 3 ngày làm việc, người dân sẽ nhận được giấy phép lái xe bản điện tử thông qua VNeID và 2 ngày sau sẽ nhận được bản cứng.
![]() |
Sau khi hợp nhất, hoạt động của lực lượng CSGT tại khu vực Bình Dương không bị gián đoạn. |
Ngoài xử lý hồ sơ người dân trực tiếp đến trụ sở, lực lượng công an còn thực hiện cho trường hợp nộp trực tuyến.
“Việc thực hiện chính quyền hai cấp, tôi thấy rất thuận lợi cho người dân. Đặc biệt là thái độ của cán bộ với người dân gần gũi, phục vụ tốt, mọi việc được giải quyết nhanh chóng hơn”- anh Trương Văn Hiếu, ngụ phường Chánh Hiệp (TPHCM) cho hay.
Nói về việc tăng phí phí đăng ký ô tô con đối với người dân ở tỉnh Bình Dương cũ sau khi hợp nhất TPHCM, từ 1 triệu đồng lên 20 triệu đồng, anh Nguyễn Văn Ngọc, ngụ phường Bình Dương cho biết, bản thân không có gì bất ngờ. “Quy định mức phí đối với các tỉnh, thành phố đã rõ, nên khi Bình Dương hợp nhất với TPHCM, chắc chắn phải chịu lệ phí giống nhau. Theo tôi, người ta không vì số tiền lệ phí đó mà bỏ ý định mua ô tô” - anh Ngọc chia sẻ.
Sau khi hợp nhất, Phòng CSGT Công an TPHCM gồm 38 đội và trạm, chia theo các mảng công tác chuyên trách gồm Đội Tham mưu; Đội Chính trị - Hậu cần; Đội Tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn và xử lý vi phạm giao thông; Đội Đăng ký, quản lý phương tiện giao thông. Đội Chỉ huy giao thông và điều khiển đèn tín hiệu giao thông; Đội Tuần tra, dẫn đoàn; Đội Phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm trên đường thủy; Đội Sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ.
![]() |
Thượng tá Phạm Quang Trưởng và thượng tá Nguyễn Thị Thanh Nga làm Phó trưởng phòng CSGT Công an TPHCM phụ trách khu vực Bình Dương cũ. |
Khu vực Bình Dương cũ có 7 đội. Thượng tá Phạm Quang Trưởng - Phó Trưởng phòng CSGT và Thượng tá Nguyễn Thị Thanh Nga - Phó Trưởng phòng CSGT được giao quản lý khu vực này. Trong đó, thượng tá Trưởng điều hành, quản lý các mặt công tác của phòng, đặc biệt trong lĩnh vực tuần tra, kiểm soát giao thông, xử lý vi phạm, điều tra tai nạn giao thông và các hoạt động nghiệp vụ khác. Thượng tá Nga, phụ trách công tác tham mưu, đăng ký, hậu cần và các hoạt động khác.
Sau khi chính thức vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, việc bấm biển số xe cũng có nhiều lựa chọn, thuận lợi cho người dân hơn.
Người dân hoặc tổ chức có nhu cầu đăng ký xe ô tô, mô tô, xe máy chuyên dùng có thể được lựa chọn đăng ký xe tại phòng CSGT hoặc bất cứ công an cấp xã nào trong địa bàn tỉnh, thành phố mà mình đang cư trú hoặc có trụ sở. Riêng đối với xe có nguồn gốc tịch thu phải đăng ký tại phòng CSGT.
Từ nay, người dân ở các phường khác của TPHCM, như Bình Dương (đầu biển số 61), Bà Rịa - Vũng Tàu (đầu biển số 72), có thể đến bất kỳ phường nào để bấm biển số đầu nếu muốn. Các đầu biển số sẽ được cấp theo series đang trả về hệ thống của từng điểm đăng ký xe.
Sau khi sáp nhập, TPHCM vẫn là địa phương có đầu biển số xe nhiều nhất cả nước, gồm 50, 51, 52, 53, 54, 55, 56, 57, 58, 59, 41, 61 và 72.