Nhảy đến nội dung
 

Hoàn thành hàng trăm nghìn mái ấm sau lời hiệu triệu ‘Ai có gì góp nấy’

Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát không phải là một sáng kiến mới mẻ nhưng được đẩy mạnh lên tầm vóc và quy mô chưa từng có khoảng 2 năm nay.

Thời điểm tháng 8/2024, tổng hợp thống kê từ các bộ, ngành, địa phương cho thấy thực tiễn đáng quan ngại: cả nước vẫn còn khoảng 300.000 hộ gia đình phải sống trong những căn nhà tạm, nhà dột nát, không đảm bảo an toàn.

Đó là những hộ nghèo, cận nghèo, hộ gia đình người có công với cách mạng…, tập trung chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và những khu vực thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai.

Tới tháng 10/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính phát động phong trào Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên toàn quốc, phấn đấu trong năm 2025 cơ bản xóa xong nhà tạm, nhà dột nát, về đích sớm trước 5 năm so với mục tiêu đề ra trong Nghị quyết số 42/2023 Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13.

Đầu năm 2025, Thủ tướng chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương tập trung triển khai đợt cao điểm 350 ngày đêm thực hiện thành công chương trình với tinh thần “Ai có gì giúp nấy, ai có công giúp công, ai có của giúp của, ai có nhiều giúp nhiều, ai có ít giúp ít”; thiết thực chào mừng các sự kiện trọng đại của đất nước, đặc biệt là kỷ niệm 80 năm Quốc khánh, tiến tới chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 14 của Đảng.

Từ sau thời điểm đó, các địa phương liên tiếp báo cáo “về đích sớm”. Ngày 8/6, Thủ tướng ký ban hành Công điện số 84 yêu cầu các địa phương còn lại phải tập trung hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trước ngày 31/8, riêng nhiệm vụ hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng phải hoàn thành trước ngày 27/7.

Theo thống kê của Bộ Dân tộc và Tôn giáo, đến hết ngày 8/7, tổng nguồn lực huy động cho công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước đã vượt 17.802 tỷ đồng, bao gồm nguồn từ ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và các khoản vận động xã hội hóa.

Hàng trăm nghìn ngôi nhà tạm, nhà dột nát trên khắp dải đất hình chữ S đã và đang được “khoác áo mới”. Đây là câu chuyện cảm động về tình người, sự sẻ chia và quyết tâm chung tay vì một Việt Nam không còn nhà tạm, nhà dột nát.

Trong công cuộc xóa nhà tạm, nhà dột nát, nguồn vốn ngân sách Nhà nước thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia và một số chương trình, dự án khác đóng vai trò nền tảng, giúp định hình chính sách, xác định mục tiêu và tạo ra khung pháp lý phù hợp để các nguồn lực khác có thể tham gia.

Trong bối cảnh nhiều địa phương có xuất phát điểm và điều kiện thực tế còn hạn chế, ngày 28/6, Thủ tướng ban hành Quyết định số 1403 điều chỉnh phân bổ hơn 975 tỷ đồng từ nguồn tiết kiệm 5% chi thường xuyên ngân sách Nhà nước năm 2024 để hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo ở 28 địa phương.

Tính đến hết ngày 8/7, tổng nguồn tiết kiệm 5% đã phân bổ, hỗ trợ các địa phương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát đạt trên 4.400 tỷ đồng.

UBND nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng đã chủ động sử dụng những nguồn tài chính tạm thời nhàn rỗi của địa phương để hỗ trợ khởi công mới, sửa chữa nhà ở đối với người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ.

Ngày 9/7, Bộ Dân tộc và Tôn giáo trình Thủ tướng phương án điều chỉnh kinh phí hỗ trợ từ nguồn kinh phí huy động từ phong trào thi đua cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát và chương trình phát động xóa nhà tạm, nhà dột nát để hỗ trợ mức chênh lệch đối với nhà ở từ 2 chương trình mục tiêu quốc gia (Giảm nghèo bền vững, Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi). Việc này nhằm đạt mức hỗ trợ 60 triệu đồng/căn nhà xây mới và 30 triệu đồng/căn nhà sửa chữa. Theo đó, 14/34 địa phương sẽ được hỗ trợ với tổng kinh phí hơn 389 tỷ đồng.

Việc phân bổ linh hoạt và kịp thời các nguồn lực không chỉ tháo gỡ hiệu quả những khó khăn về tài chính mà còn tạo điều kiện để các địa phương tăng tốc, bảo đảm hoàn thành đúng tiến độ Thủ tướng giao.

Trong “bức tranh” xóa nhà tạm, nhà dột nát, nguồn vốn xã hội hóa là "điểm sáng" nổi bật nhất.

Hàng nghìn tỷ đồng đã được huy động từ các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước, hoàn toàn xuất phát từ sự tự nguyện, từ tinh thần "lá lành đùm lá rách" và "thương người như thể thương thân" vốn ăn sâu vào tâm thức truyền thống dân tộc.

Điển hình như ngành ngân hàng, từ tháng 4/2024 đến nay đã cam kết hỗ trợ 1.365 tỷ đồng kinh phí xóa nhà tạm, nhà dột nát, tương ứng kinh phí xây mới 1.366 căn nhà. Trong đó, các ngân hàng đã chuyển hơn 1.100 tỷ đồng cho địa phương, số tiền còn lại sẽ được giải ngân sau khi Bộ Dân tộc và Tôn giáo có hướng dẫn phân bổ (180 tỷ đồng) và các tỉnh, thành phố cung cấp đầy đủ hồ sơ cho ngân hàng (85 tỷ đồng). Cán bộ, đoàn viên, người lao động trong toàn hệ thống ngân hàng còn ủng hộ tối thiểu 1 ngày lương để cùng “Chung tay xóa 1.000 căn nhà tạm, nhà dột nát”.

Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng là một hạt nhân quan trọng trong phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát. Hàng năm, Quỹ "Vì người nghèo" đã góp phần xây dựng hàng nghìn ngôi nhà đại đoàn kết trên khắp cả nước.

Hiện Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cùng các tổ chức trực thuộc như Hội Cựu Chiến binh, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên… vẫn đang tiếp tục hỗ trợ chính quyền địa phương và các hộ gia đình, đặc biệt là các gia đình chính sách gấp rút khởi công và hoàn thành các công trình bảo đảm chất lượng, đúng tiến độ.

Nhiều doanh nghiệp lớn, với tinh thần trách nhiệm xã hội cao cũng đã dành hàng trăm tỷ đồng để thực hiện các chương trình an sinh xã hội, tài trợ xây dựng nhà ở cho người nghèo. 

Nhiều tổ chức quốc tế như Habitat for Humanity Vietnam, World Vision, Save the Children... thực hiện loạt dự án hỗ trợ nhà ở cho cộng đồng, đặc biệt là ở những vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Các tổ chức trong nước như Quỹ Tấm lòng vàng, Quỹ Thiện Tâm… cũng đóng góp đáng kể trên hành trình giúp người yếu thế sớm “an cư lạc nghiệp”.

Một nét đẹp văn hóa Việt - nguồn lực quan trọng trong hành trình bền bỉ xóa nhà tạm, nhà dột nát - chính là sự đóng góp bằng ngày công với tinh thần “tối lửa tắt đèn có nhau”.

Ước tính hơn 113.400 lượt người với trên 1 triệu ngày công lao động đã chung tay góp sức tạo nên những mái ấm khang trang để “không ai bị bỏ lại phía sau”.

Không thể không nhắc đến vai trò tiên phong của lực lượng vũ trang với tinh thần "Vì nước quên thân, vì dân phục vụ", không chỉ góp tiền của mà còn dồn sức lực xây dựng nhà đại đoàn kết, nhà đồng đội, nhà đoàn kết quân - dân…, biến những mái ấm trở thành biểu tượng của tình quân dân thắm thiết.

Chỉ tính riêng Bộ Quốc phòng đến nay đã huy động hơn 2.500 tỷ đồng, trên 380.000 ngày công xây dựng gần 18.000 nhà tình nghĩa, xóa nhà tạm, nhà dột nát. Lực lượng công an hoàn thành hơn 29.100 căn nhà để tặng các hộ dân, đồng bào khắp mọi miền Tổ quốc.

Ở nhiều địa phương, khi một ngôi nhà cho hộ nghèo được khởi công, bà con lối xóm, thanh niên tình nguyện… sẵn sàng xắn tay góp sức, từ vận chuyển vật liệu, trộn vữa, đến dựng khung, lợp mái… Chính những giọt mồ hôi, những buổi lao động tập thể ấy đã biến ước mơ về một ngôi nhà kiên cố của người nghèo thành hiện thực. Đây là minh chứng rõ ràng nhất cho câu nói "Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao".

Nhờ sự huy động hiệu quả đa dạng nguồn lực, đến hết ngày 27/7, cả nước đã hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát được 268.470 căn (trong đó: khánh thành 234.975 căn và khởi công, xây dựng dở dang 33.495 căn). 

Nhờ đó giúp trẻ em có nơi học tập tốt hơn, người già có chỗ nghỉ ngơi an toàn, và cả gia đình có thêm động lực để vươn lên thoát nghèo.

Đã có 19/34 địa phương không còn nhà tạm, nhà dột nát, gồm: Hà Nội, Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Hải Phòng, Hưng Yên, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Đồng Tháp, Vĩnh Long, An Giang, Cần Thơ, Huế.

Phát biểu tại phiên họp thứ 6 của Ban chỉ đạo Trung ương về triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính - Trưởng ban chỉ đạo lưu ý: "Thời gian để hoàn thành mục tiêu đề ra còn rất ngắn và công việc còn lại không nhiều về số lượng nhưng lại là những việc khó, vì những việc dễ đã làm trước rồi. Chúng ta cần dành nhiều thời gian hơn, nhiều công sức hơn, nhiều sự quan tâm hơn, tham gia kiểm tra, giám sát, thúc đẩy một cách quyết liệt hơn để hoàn thành toàn bộ mục tiêu đã đề ra".

Chặng đường phía trước vẫn còn nhiều khó khăn. Nhưng với sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, với tinh thần "không để ai bị bỏ lại phía sau", Việt Nam đang tiến những bước vững chắc trên hành trình xóa bỏ nhà tạm, nhà dột nát.

Mỗi ngôi nhà mới được dựng lên là một minh chứng sống động cho sức mạnh của sự đoàn kết và lòng nhân ái.

 
 
 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn