Nhảy đến nội dung
 

Hồ Thanh Cang: Tiền vệ công có kỹ thuật siêu hạng

Cựu danh thủ Hồ Thanh Cang năm nay đã 82 tuổi nhưng hiện vẫn là một trong số ít cựu tuyển thủ còn hoạt động bóng đá. Ông đang tham gia điều hành Chi hội cựu cầu thủ bóng đá TP.HCM một cách đam mê và nhiệt huyết

TỪNG ĐƯỢC TẠP CHÍ FRANCE FOOBALL KHEN NGỢI

Sự nghiệp cầu thủ của ông Hồ Thanh Cang được nhiều người đánh giá nổi bật cả thời điểm trước lẫn sau năm 1975. Ông từng là tiền vệ công hàng đầu của đội tuyển miền Nam với kỹ thuật siêu hạng, tốc độ nhanh, sức bền dẻo dai và đặc biệt là những cú bứt tốc ghi bàn. Hình ảnh Hồ Thanh Cang trên sân không lẫn với ai được. Cái lưng cong luôn đổ người về phía trước, mái tóc dài bồng bềnh hất ngược ra sau, đôi chân thoăn thoắt bất ngờ băng lên từ tuyến 2 rồi tung ra cú sút như trái phá. Những màn biểu diễn ở "sân khấu xanh" của tiền vệ Hồ Thành Cang luôn làm cầu trường bùng nổ. Ở ông hội tụ nhiều điểm mạnh của một tiền vệ như chạy nhiều, chuyền hay, sút khỏe và lên xuống nhịp nhàng, có mặt đúng lúc ở những điểm nóng của trận đấu. Hồ Thanh Cang là một trong số ít cầu thủ thời đó có thể đá đủ 90 phút mỗi trận mà vẫn giữ được sự bền bỉ, dẻo dai, phong độ ổn định.

Trong 4 lần dự SEAP Games, ông từng giành HCB ở 2 kỳ năm 1969, 1973; đồng vô địch giải Petra Sukan năm 1971, được tạp chí France Football của Pháp khen ngợi khi ghi bàn gỡ hòa 1-1 trong trận giao hữu giữa đội tuyển miền Nam với đội Olympic Pháp năm 1973. Trong màu áo đội Hải quan, Hồ Thanh Cang cũng để lại dấu ấn đặc biệt. Ngay sau khi đất nước thống nhất, ông lại cùng đội bóng của mình giành ngôi vô địch giải Cửu Long năm 1976. Người hâm mộ TP.HCM đến giờ vẫn chưa quên dấu ấn mà Hồ Thanh Cang để lại khi ông là người chấm dứt mạch thắng như chẻ tre của 1 trong 2 đội bóng mạnh nhất miền Bắc năm 1976 là Tổng cục Đường sắt khi đội này du đấu miền Nam. Trận đấu năm ấy trở thành một ký ức vô cùng đẹp trong tâm trí ông. Hồ Thanh Cang đã chạy chỗ thông minh và tung cú ngả bàn đèn tuyệt kỹ, ấn định chiến thắng 2-1 cho đội Hải quan. Bàn thắng được ví như một kiệt tác của thời đó, gây ngỡ ngàng cho dàn cầu thủ chất lượng đến từ miền Bắc như Phạm Kỳ Thụy, Lê Thụy Hải, Mai Đức Chung, Nguyễn Minh Điểm, Hoàng Gia…

Chưa hết, trong trận đội tuyển chọn TP.HCM tiếp đội bóng mạnh Thiên Tân của Trung Quốc năm 1977, bằng lối chơi điệu nghệ, ông cùng đồng đội đã bùng nổ với 4 bàn ghi vào lưới đối phương (thắng 4-1). Riêng cầu thủ Hồ Thanh Cang 2 lần lập công, mà khi đó cố nhà báo Chánh Trinh đã ca ngợi: sự xuất hiện bất ngờ của tác giả bàn thắng như "từ dưới đất chui lên". Khi đã xấp xỉ tuổi 35, ông vẫn rất nhanh nhẹn, khéo léo, mê hoặc khán giả bằng những pha đi bóng ngoạn mục, có khi vừa chạy vừa tung cú sút ngoài khu vực 16,50 m, bóng dội xà đi luôn vào lưới, gây choáng váng cho đối thủ. Các đội luôn dè chừng "cú đấm mạnh từ xa" mang tên Hồ Thanh Cang.

Chia tay sự nghiệp cầu thủ, ông Hồ Thanh Cang trở thành HLV trưởng đội Hải quan, dẫn dắt đội đoạt chức á quân giải vô địch quốc gia 1982 - 1983, hạng ba năm 1986. Thời đó, đội Hải quan có lứa cầu thủ đồng đều về kỹ thuật và phong độ xuất sắc như: Nguyễn Kim Hằng, Phan Văn Tần, Thái Công Hoàng, Tô Văn Hải ở hàng thủ; Hồ Thanh Dũng, Trương Văn Dưỡng ở tuyến tiền vệ; Nguyễn Hoàng Minh (Minh nhí), Lưu Tấn Liêm, Nguyễn Văn Thành ở hàng tiền đạo. Bản thân ông Cang bằng tài thao lược của mình cũng đã để lại nhiều dấu ấn trong sự nghiệp cầm quân, tạo bản sắc trong lối chơi cho đội Hải quan, điển hình là trận chung kết chơi ngang ngửa và chỉ thua 1-2 trước CLB Quân đội ngay trên sân Hàng Đẫy mùa giải 1982 - 1983.

NHIỆT HUYẾT CỦA "ÔNG GIÀ GÂN" 

Cũng như nhiều đội bóng khác, đội Hải quan không tránh khỏi ảnh hưởng của cơ chế thị trường, chỉ tồn tại hơn chục năm rồi giải thể vào đầu những năm 2000. Ông Hồ Thanh Cang nhớ lại: "Thời điểm đó, ở tuổi 60, tôi cũng nhận được một số lời mời tham gia công tác huấn luyện giống như anh Phạm Huỳnh Tam Lang, anh Nguyễn Văn Vinh. Một số đơn vị muốn tôi quay lại với bóng đá đỉnh cao, nhưng tôi khéo léo từ chối. Không phải tôi không còn tình yêu với bóng đá, bởi với tôi được sống và còn "hít thở" cùng bóng đá là một niềm hạnh phúc, là đam mê cả cuộc đời, nhưng tôi không muốn dấn thân vào những cuộc phiêu lưu mới. Song tôi nghĩ rằng không nhất thiết phải làm bóng đá chuyên nghiệp, do đó tôi chuyển sang tham gia thi đấu, sinh hoạt ở Hội cựu cầu thủ bóng đá TP.HCM".

Với sự mẫn cán, cẩn thận và rất tâm huyết với phong trào, chẳng bao lâu sau ông Hồ Thanh Cang được anh em tín nhiệm như một người điều hành đội. Ông trở thành Chủ tịch Chi hội cựu cầu thủ TP.HCM trực thuộc Liên đoàn Bóng đá TP.HCM. Nhiều cựu danh thủ khác khi nói về ông Cang đều khen ngợi: "Anh Cang như một ông già gân, sức khỏe dẻo dai, tuổi càng lớn đá càng sung, nhiều khi chạy còn tốt hơn mấy đồng đội nhỏ hơn cả chục tuổi. Ở tuổi 70 - 80, nhiều cầu thủ ra sân chỉ để gặp gỡ hàn huyên bạn bè, vận động chừng dăm mười phút để ra mồ hôi, còn anh Cang vẫn bền bỉ nuốt trọn 35 - 40 phút mỗi hiệp mà không hề cảm thấy mệt".

Trong vai trò người phụ trách chi hội cựu cầu thủ, ông Hồ Thanh Cang ghi chép rất tỉ mỉ từng trận đấu và hoạt động của chi hội. Ông cho biết: "Mỗi năm đội cựu tuyển thủ TP.HCM thi đấu trung bình 60 - 70 trận, nghĩa là tuần nào cũng đá từ 1 - 2 trận, có tuần 3 trận. Có những năm đá đến hơn 70 trận. Chúng tôi cũng hay đưa anh em đi các tỉnh giao lưu, kết hợp làm từ thiện. Hơn thế, chúng tôi còn đi đấu ở Thái Lan, Malaysia và sắp tới là Singapore". Không những vậy, ông còn cùng lãnh đạo liên chi hội cựu cầu thủ tham gia thành lập hội ái hữu giúp đỡ các cựu cầu thủ có hoàn cảnh khó khăn, tổ chức thăm hỏi và mỗi năm gặp mặt tất niên hoặc dịp 30.4 để trao quà.

Với cựu danh thủ Hồ Thanh Cang, dòng máu bóng đá không bao giờ ngừng chảy.