Hết độc quyền, vàng miếng SJC móp méo, trầy xước xử lý thế nào?

Công ty SJC được phép gia công lại vàng miếng từ vàng miếng SJC do Công ty SJC đã sản xuất trước ngày Nghị định sửa đổi Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng có hiệu lực.
Hồ sơ thẩm định dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng (sau đây gọi là dự thảo nghị định) vừa được công bố.
Trong phần tổng kết tình hình thực hiện Nghị định 24, Ngân hàng Nhà nước cho biết, theo Nghị định 24, Ngân hàng Nhà nước được Chính phủ giao nhiệm vụ tổ chức sản xuất vàng miếng.
Ngân hàng Nhà nước giao Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) gia công vàng miếng cho Ngân hàng Nhà nước và gia công lại vàng miếng SJC đã sản xuất, gia công không đủ tiêu chuẩn lưu thông.
"Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng và sử dụng duy nhất thương hiệu SJC, hình thành tâm lý ưa chuộng nắm giữ vàng miếng SJC. Điều này dẫn đến mỗi khi giá vàng biến động, tình trạng khan hiếm vàng SJC làm cho thị trường biến động mạnh hơn", đơn vị này đánh giá.
Trong đợt sửa đổi lần này, Ngân hàng Nhà nước đề xuất xóa bỏ cơ chế độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu, nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng.
Đơn vị này phân tích, hiện nay vẫn còn một lượng vàng miếng SJC đáng kể lưu thông trên thị trường. Trong quá trình đó không tránh khỏi hiện tượng bị trầy xước, biến dạng…
Vì vậy, dự thảo nghị định bổ sung quy định chuyển tiếp. Theo đó, Công ty SJC được phép gia công lại vàng miếng từ vàng miếng SJC do Công ty SJC đã sản xuất, gia công trước ngày nghị định này có hiệu lực thi hành.
Vàng miếng SJC có ít nhất một trong các đặc điểm: bị trầy xước; bị đóng thêm các dấu hiệu, ký hiệu không phải của Công ty SJC và bị biến dạng.
Công ty SJC chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật về việc đảm bảo vàng miếng SJC được gia công là vàng miếng do Công ty SJC đã sản xuất, gia công theo quy định pháp luật.
Đề nghị không giới hạn đặc điểm vàng miếng SJC được gia công lại
Góp ý vào dự thảo, Bộ Tư pháp cho rằng, quy định chuyển tiếp nêu tại dự thảo nghị định cần được rà soát kỹ để bảo đảm tính chính xác, đầy đủ, phù hợp nhằm tạo cơ sở pháp lý cho Công ty SJC tiếp tục thực hiện hoạt động gia công lại vàng miếng đã sản xuất trước ngày nghị định sửa đổi có hiệu lực thi hành và các vấn đề liên quan (nếu có); tránh tạo ra khoảng trống pháp lý.
Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Viettinbank) đánh giá, Công ty SJC chỉ thực hiện gia công vàng miếng SJC khi có các đặc điểm như dự thảo nghị định, còn việc quản lý về mặt pháp lý (chất lượng, kiểm định…) đối với vàng miếng SJC không cần gia công lại thì chưa rõ.
Nhà băng này đề nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, bổ sung quy định quản lý đối với vàng miếng SJC mà Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức sản xuất trước đó theo Nghị định 24.
Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI đề xuất, không giới hạn đặc điểm các sản phẩm Công ty SJC được phép gia công lại từ vàng miếng SJC do Công ty SJC đã sản xuất gia công. "Ngoài các trường hợp như vàng bị trầy xước, biến dạng, còn có thể phát sinh các trường hợp như bao vàng ép vỉ bị rách, bị xì hơi", doanh nghiệp này dẫn chứng.
Hồi đáp ý kiến của DOJI, Ngân hàng Nhà nước cho biết, căn cứ vào đặc tính vật lý của vàng, trong quá trình lưu thông, bảo quản và sử dụng, sản phẩm vàng miếng SJC có thể phát sinh các hiện tượng như trầy xước…
Trường hợp bao vàng ép vỉ bị rách, bị xì hơi không phản ánh sự thay đổi về nguồn gốc, khối lượng hay chất lượng của vàng miếng nên không cần quy định các trường hợp này tại dự thảo nghị định.
Với các ý kiến của Bộ Tư pháp và Viettinbank, Ngân hàng Nhà nước lý giải tương tự nội dung thuyết minh khi đề xuất bổ sung quy định chuyển tiếp nêu trên.