Hé lộ thay đổi quan trọng khi sửa thuế thu nhập cá nhân, triệu người mong chờ

Bộ Tài chính đang gấp rút hoàn thiện dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế), với nhiều điều chỉnh theo hướng sát thực tiễn, hỗ trợ người dân và dự kiến trình Quốc hội vào kỳ họp tháng 10 tới.
Tại họp báo chiều 2/7, ông Trương Bá Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý, Giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính), cho biết cơ quan này đang xây dựng dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế) trên cơ sở đánh giá đầy đủ, toàn diện các quy định hiện hành, những bất cập trong quá trình thực thi và kinh nghiệm quốc tế.
Mục tiêu là sửa đổi tổng thể với các nhóm nội dung chính, bao gồm: xác định lại các khoản thu nhập chịu thuế và phương pháp tính thuế đối với từng nhóm thu nhập, phù hợp với thay đổi kinh tế, thị trường lao động và thông lệ quốc tế.
Rà soát, bổ sung các khoản thu nhập miễn thuế; thể chế hóa chủ trương lớn về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao theo Nghị quyết 57/NQ-CP, thúc đẩy công nghệ cao, kinh tế số, kinh tế xanh và đổi mới sáng tạo.
Điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh và bổ sung các khoản giảm trừ mới, dựa trên chỉ số giá tiêu dùng, mức sống và thu nhập bình quân đầu người. Nghiên cứu bổ sung các khoản giảm trừ mới liên quan đến giáo dục, y tế, an sinh xã hội, nhằm hỗ trợ tốt hơn cho người dân.
Đặc biệt, theo ông Tuấn, dự án luật được thiết kế lại biểu thuế lũy tiến từng phần.
“Biểu thuế lũy tiến từng phần đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công hiện nay gồm 7 bậc sẽ được nghiên cứu điều chỉnh theo hướng rút gọn, đơn giản hơn. Việc điều chỉnh này nhằm làm rõ nguyên tắc tính thuế, đảm bảo công bằng và dễ áp dụng hơn cho người nộp thuế”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng nghiên cứu bổ sung trong dự thảo Luật cơ chế ủy quyền linh hoạt cho Chính phủ trong việc quy định một số nội dung chi tiết như biểu thuế, mức thuế suất, phương pháp tính thuế... nhằm bảo đảm khả năng điều chỉnh linh hoạt mà không cần sửa toàn bộ luật.
Ông Tuấn cho hay Bộ Tài chính đang hoàn thiện phương án chi tiết, sau khi thống nhất sẽ ban hành văn bản lấy ý kiến rộng rãi từ các bộ, ngành, hiệp hội, chuyên gia, doanh nghiệp và người dân; kịp thời để Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp tháng 10/2025.