Nhảy đến nội dung
 

Hé lộ những 'đại gia' trên sàn chứng khoán đang giữ hàng chục nghìn tỉ đồng tiền mặt

Các doanh nghiệp đồng loạt công bố báo cáo tài chính quý 1-2025. Ngoài kết quả kinh doanh, thuyết minh báo cáo cũng thể hiện độ “giàu có” qua số dư tiền mặt.

Lợi nhuận Vinamilk giảm 28%, tiền mặt xấp xỉ tỉ USD

Tại Công ty cổ phần Sữa Việt Nam - Vinamilk (VNM), lượng tiền mặt, các khoản tương đương tiền và tiền gửi ngân hàng đạt 25.708 tỉ đồng (xấp xỉ 1 tỉ USD) tại thời điểm cuối quý 1-2025.

Tổng tài sản VNM là 55.013 tỉ đồng. Quy ra tỉ lệ, lượng tiền mặt chiếm tới gần 47% tổng tài sản của doanh nghiệp sữa này.

Nhờ có lượng tiền lớn này, Vinamilk ghi nhận hơn 340 tỉ đồng tiền lãi gửi ngân hàng trong quý 1, tương đương gần 3,8 tỉ đồng mỗi ngày.

Về tình hình kinh doanh cốt lõi, báo cáo ghi nhận doanh thu thuần của VNM đạt 12.934 tỉ đồng, giảm hơn 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức giảm này chủ yếu đến từ thị trường nội địa.

Sau trừ chi phí và thuế, nhà sản xuất sữa lớn nhất Việt Nam báo lãi ròng 1.587 tỉ đồng, giảm 28% so với quý 1-2024. Đáng chú ý, đây là mức lợi nhuận quý thấp nhất của “ông lớn” ngành sữa kể từ quý 2-2015 đến nay.

Một doanh nghiệp khác cũng nổi tiếng trên sàn chứng khoán về độ “nhiều tiền mặt” là Tổng công ty Khí Việt Nam - PV GAS (GAS).

Sau khi giảm mạnh về chỉ còn 33.000 tỉ đồng cuối năm 2024, “ông lớn” dầu khí này đã nhanh chóng tăng thêm khoảng 4.000 tỉ đồng sau 3 tháng. Theo đó, GAS có gần 37.000 tỉ đồng, chủ yếu đem gửi ngân hàng hưởng lãi.

Quý 1-2025, GAS đã thu về 262 tỉ đồng lãi tiền gửi và cho vay, giảm 40% so với cùng kỳ. Dù doanh thu từ tài chính sụt giảm, song do doanh thu thuần tăng 10%, lợi nhuận sau thuế quý 1 vẫn đạt 2.762 tỉ đồng, tăng 8,6% so cùng kỳ.

Trên bảng cân đối kế toán của GAS, tổng tài sản lên tới 82.020 tỉ đồng, song khoản phải thu ngắn hạn cũng gần 17.000 tỉ đồng.

Nhiều "đại gia" sở hữu lượng tiền mặt lớn

Cuối năm ngoái, Vingroup đã vượt PV Gas trở thành “vua tiền mặt” trên sàn chứng khoán với gần 48.000 tỉ đồng tiền, tiền gửi và các khoản tương đương tiền. Sau 3 tháng đầu năm, “núi tiền” này tại Vingroup giảm nhẹ, còn gần 38.300 tỉ đồng.

Theo báo cáo, tổng doanh thu thuần hợp nhất trong quý 1-2025 của Vingroup đạt 84.053 tỉ đồng, tăng trưởng 287% so với quý 1-2024 nhờ ghi nhận tăng trưởng tích cực từ các lĩnh vực sản xuất công nghiệp và phát triển và kinh doanh bất động sản.

Lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 2.243 tỉ đồng, tăng 68% so với cùng kỳ. Tại ngày 31-3-2025, tổng tài sản Vingroup đạt 823.270 tỉ đồng.

Chưa công bố báo cáo tài chính quý 1-2025, nhưng Tổng công ty cổ phần Đầu tư Quốc tế Viettel (VGI) gây ấn tượng với lượng tiền mặt tăng 60% trong năm 2024. 

Sau một năm, doanh nghiệp “họ” Viettel này đã tăng từ 23.000 tỉ đồng lên gần 36.700 tỉ đồng tại thời điểm cuối năm.

Trong nhóm doanh nghiệp "nhiều tiền mặt", không thể không nhắc đến Thế giới Di động (MWG). 

Cuối quý 1-2025, báo cáo tài chính MWG ghi nhận gần 42.000 tỉ đồng các khoản cho vay ngắn hạn, đầu tư trái phiếu, gửi ngân hàng và các khoản đầu tư hưởng lãi suất khác. Đây là mức cao kỷ lục từ trước tới nay của MWG.

Với số dư tiền mặt lớn nêu trên, MWG ghi nhận doanh thu từ hoạt động tài chính lên tới 693 tỉ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Phần lớn con số trên đến từ lãi tiền gửi, cho vay và trái phiếu với 636 tỉ đồng, còn lại số thu từ chiết khấu thanh toán gần 56 tỉ đồng…

Theo báo cáo tài chính quý 1 năm nay, MWG báo lợi nhuận trước thuế 1.934 tỉ đồng, tăng 60% so với cùng kỳ. Nguồn thu từ tài chính đã đóng góp tương đương 36% tổng lợi nhuận.