Hé lộ hội chứng 'sợ hết pin' của người dùng smartphone

Theo TechSpot, cảm giác sợ hết pin, với sự lo lắng, bồn chồn khi nhìn vạch pin điện thoại thông minh tụt dần có lẽ đã quá quen thuộc với nhiều người trong chúng ta trong thời đại số. Nhưng bạn có biết, trung bình người dùng bắt đầu cảm thấy thực sự lo lắng, thậm chí là 'hoảng sợ' khi mức pin chỉ vừa giảm xuống ngưỡng 38%?
Nỗi ám ảnh mang tên pin điện thoại
Thông tin nói trên là một trong những kết quả đáng chú ý từ một cuộc khảo sát trực tuyến mới đây do công ty nghiên cứu Talker Research thực hiện trên 2.000 người dùng tại Mỹ về nỗi ám ảnh mang tên pin điện thoại.
Con số 38% này được xem là khá bất ngờ, bởi nó cao hơn đáng kể so với mức cảnh báo pin yếu thông thường (thường là 20% trên iPhone, đi kèm đề xuất bật chế độ nguồn điện thấp). Khảo sát cho thấy phần lớn người dùng bắt đầu cảm thấy bất an và tìm kiếm bộ sạc từ rất sớm. Chỉ có khoảng 13% số người được hỏi tỏ ra bình tĩnh và chỉ tìm sạc khi pin đã xuống dưới 10%. Đáng ngạc nhiên hơn, có đến 24% số người tham gia thừa nhận họ cảm thấy không thoải mái ngay cả khi vạch pin còn chưa chạm đến mốc 50%.
Nghiên cứu cũng phát hiện ra sự khác biệt thú vị về mức độ lo lắng giữa các thế hệ. Những người dùng trẻ tuổi thuộc thế hệ Millennials (Gen Y) và Gen Z (sinh sau 1981) là nhóm cảm thấy lo lắng sớm nhất, trung bình khi pin còn khoảng 43%. Thế hệ X (sinh 1965 - 1980) bắt đầu lo ở mức trung bình 38%. Trong khi đó, thế hệ Baby Boomers (sinh 1946 - 1964) tỏ ra thoải mái nhất, chỉ thực sự cảm thấy cần sạc pin khi mức pin còn khoảng 34%.
Bên cạnh nỗi lo điện thoại bị 'sập nguồn' đột ngột làm gián đoạn liên lạc hay công việc, tình trạng 'chai' pin (suy giảm sức khỏe pin) không thể tránh khỏi theo thời gian cũng là một nguyên nhân sâu xa gây ra hội chứng sợ hết pin này.
Hiện tại, dù chưa có công nghệ pin mang tính cách mạng thay thế hoàn toàn lithium-ion, các nhà sản xuất điện thoại vẫn đang nỗ lực giảm bớt nỗi lo của người dùng bằng các giải pháp phần mềm (chẳng hạn như tính năng tối ưu hóa sạc pin của Apple, cơ chế tự điều chỉnh dung lượng sạc tối đa của Google Pixel) hoặc các giải pháp phần cứng như pin sạc dự phòng và thậm chí là những chiếc điện thoại pin lớn như Oukitel WP100 Titan với dung lượng lên tới 33.000 mAh.
Kết quả khảo sát phần nào phản ánh sự phụ thuộc ngày càng lớn của chúng ta vào smartphone và nỗi lo thường trực về việc mất kết nối trong cuộc sống hiện đại.