HĐND TP.HCM mới họp kỳ đầu tiên, quyết hàng loạt vấn đề quan trọng

Chiều 1/7, HĐND TP.HCM khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 tổ chức Kỳ họp thứ nhất sau khi hợp nhất 3 địa phương TP.HCM, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu.
![]() |
Chủ tịch HĐND TP.HCM Võ Văn Minh phát biểu khai mạc kỳ họp thứ nhất chiều 1/7. Ảnh: Duy Hiệu. |
Cuộc họp được tổ chức ngay ngày đầu tiên TP.HCM mới chính thức vận hành. Phát biểu khai mạc, ông Võ Văn Minh, Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.HCM mới, cho rằng việc hợp nhất 3 địa phương là sự kết tinh trí tuệ và ý chí phát triển chung, nhằm hình thành một siêu đô thị, một trung tâm tài chính quốc tế, trung tâm sản xuất, logistics, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo mang tầm khu vực và thế giới.
"Kể từ hôm nay, với việc sắp xếp lại bộ máy hành chính hai cấp tinh, gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, TP.HCM sau sáp nhập sẽ tiếp tục những bước đi tiên phong, mang tính đột phá trong cải cách tổ chức bộ máy chính quyền đô thị, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển nhanh, bền vững của khu vực đô thị hóa cao nhất cả nước. Mục tiêu hướng đến là một chính quyền phục vụ hiệu quả và thực chất", ông Võ Văn Minh nhấn mạnh.
Kỳ họp đặc biệt
Theo ông, đây là kỳ họp rất đặc biệt, được tổ chức trong khoảnh khắc đầy ý nghĩa, đánh dấu việc hoàn thành chuyển sang mô hình chính quyền địa phương hai cấp.
![]() |
Ban chủ tọa điều hành kỳ họp thứ nhất HĐND TP.HCM khóa X. Ảnh: Duy Hiệu. |
Kỳ họp chào mừng 205 đại biểu đã được cử tri 3 địa phương Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP.HCM (trước khi sáp nhập) tin tưởng bầu làm đại biểu, và đến nay trở thành đại biểu HĐND TP.HCM sau sáp nhập.
Ông kỳ vọng các đại biểu sẽ tiếp tục đóng góp trí tuệ và tâm huyết vào quá trình xây dựng, hoàn thiện các quyết sách chiến lược, đưa TP.HCM thực sự trở thành một siêu đô thị xứng tầm, thuộc top 100 thành phố đáng sống của thế giới.
Theo ông Võ Văn Minh, nhiệm vụ đầu tiên và rất quan trọng của HĐND TP.HCM là hoàn thiện bộ máy của HĐND và UBND TP.
Tại kỳ họp thứ nhất này, HĐND TP.HCM sẽ công bố các chức danh lãnh đạo chủ chốt của chính quyền thành phố khóa X; quyết định thành lập các cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND, các ban của HĐND TP; quyết định thành lập Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND TP; cũng như xem xét và quyết định kế hoạch tổ chức các kỳ họp thường lệ của HĐND TP trong năm nay.
Chia sẻ thêm về các thuận lợi của TP.HCM mới, Chủ tịch HĐND TP Võ Văn Minh đánh giá địa phương mới sẽ phát huy ưu thế của sự hợp nhất 3 tỉnh, thành phố liền kề, mang đến vị trí địa lý chiến lược, điều kiện tự nhiên đa dạng, cùng hạ tầng giao thông đồng bộ.
TP.HCM mới đồng thời có sự phân bổ và tổ chức các không gian kinh tế, với quy mô và trình độ phát triển phù hợp, giúp phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của từng khu vực và hỗ trợ lẫn nhau, cũng như có thêm quỹ đất phục vụ quy hoạch đô thị.
Bên cạnh đó, bộ máy TP.HCM mới sở hữu đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có trình độ, năng lực quản lý từ cấp ủy, chính quyền địa phương, cùng mức độ chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin ngày càng cao.
Chính quyền mới đồng thời kế thừa nhiều thành quả quan trọng về phát triển kinh tế xã hội và bài học kinh nghiệm quý báu từ công tác xây dựng tổ chức bộ máy chính quyền và phương thức hoạt động của HĐND TP qua các nhiệm kỳ.
![]() |
HĐND TP.HCM sau sáp nhập có 205 đại biểu đã được cử tri 3 địa phương Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP.HCM trước khi sáp nhập tin tưởng lựa chọn. Ảnh: Duy Hiệu. |
Dù vậy, ông Minh cho rằng vẫn còn không ít khó khăn và thách thức. Điều này đòi hỏi HĐND TP.HCM khóa X phải tiếp tục củng cố tổ chức và đổi mới mạnh mẽ phương thức hoạt động, phát huy cao nhất năng lực, trí tuệ, tâm huyết của mỗi đại biểu và sức mạnh tập thể để quyết định những vấn đề lớn, mang tính chiến lược, đột phá cho sự phát triển của thành phố.
Thông qua 18 nghị quyết quan trọng
Kỳ họp chiều 1/7 đã thông qua 18 nghị quyết quan trọng. Thứ nhất, thông qua Nghị quyết thành lập 4 ban thuộc HĐND TP.HCM khóa X, gồm Ban Pháp chế, Ban Kinh tế - Ngân sách, Ban Văn hóa - Xã hội và Ban Đô thị.
Thứ hai, thông qua Nghị quyết thành lập Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND TP, gồm các phòng chuyên môn như Phòng Công tác Đại biểu Quốc hội, Phòng Công tác HĐND, Phòng Hành chính Tổ chức Quản trị. Thường trực HĐND TP có thể quyết định thành lập thêm phòng để phục vụ công việc độc lập.
Thứ ba, thông qua Nghị quyết tổ chức các kỳ họp thường lệ năm 2025 của HĐND TP khóa X, theo đó dự kiến tổ chức hai kỳ họp thường lệ vào giữa năm và cuối năm.
Thứ tư, thông qua 15 Nghị quyết thành lập các cơ quan chuyên môn của UBND TP.HCM, trên cơ sở hợp nhất các cơ quan của 3 địa phương Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương và TP.HCM. Các cơ quan gồm: Sở An toàn thực phẩm, Sở Công Thương, Sở Dân tộc và Tôn giáo, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nội vụ, Sở Nông nghiệp và Môi trường, Sở Tài chính, Sở Tư pháp, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Du lịch, Sở Xây dựng, Sở Y tế, Thanh tra, Văn phòng UBND.
![]() |
Kỳ họp thứ nhất của HĐND TP.HCM khóa X đã thông qua 18 nghị quyết quan trọng. Ảnh: Duy Hiệu. |
Sau khi hợp nhất TP.HCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP.HCM mới có 168 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 113 phường, 54 xã và 1 đặc khu.
Ban lãnh đạo HĐND TP.HCM mới gồm Chủ tịch HĐND TP.HCM Võ Văn Minh và các phó chủ tịch là ông Phạm Thành Kiên, ông Trần Văn Tuấn, ông Huỳnh Thanh Nhân, bà Nguyễn Trường Nhật Phượng.
Ban lãnh đạo UBND TP.HCM mới gồm Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được và các phó chủ tịch là ông Nguyễn Lộc Hà, ông Nguyễn Văn Thọ, ông Nguyễn Văn Dũng, bà Trần Thị Diệu Thúy, ông Bùi Xuân Cường, ông Bùi Minh Thạnh.
Ban lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM khóa mới gồm Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM Nguyễn Phước Lộc, cùng các phó chủ tịch là bà Võ Ngọc Thanh Trúc, ông Bùi Thanh Nhân, bà Trương Thị Bích Hạnh, ông Nguyễn Thành Trung, ông Ngô Minh Hải, ông Nguyễn Minh Hoàng, ông Phạm Minh Tuấn, ông Phan Hồng Ân.
Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM do ông Nguyễn Văn Lợi làm Trưởng đoàn, hai phó trưởng đoàn hoạt động chuyên trách gồm bà Huỳnh Thị Phúc và bà Nguyễn Thị Ngọc Xuân.