Nhảy đến nội dung

Hậu 'Pháo' đã thao túng quan chức ra sao?

23 tuổi, Hậu 'Pháo' bắt đầu thành lập doanh nghiệp với quy mô ban đầu chỉ ở cấp huyện. Chỉ bốn năm sau, Hậu bắt đầu nổi danh trong giới bất động sản và bắt đầu thiết lập mối quan hệ với một số bí thư, chủ tịch tỉnh để thâu tóm nhiều dự án.

Theo cáo trạng mới được Viện KSND tối cao ban hành, trong các dự án mà chủ tịch Tập đoàn Phúc Sơn Nguyễn Văn Hậu (tên thường gọi là Hậu "Pháo") thâu tóm khi "đại gia" này chưa tròn 30 tuổi có dự án lên đến hơn ngàn tỉ đồng.

Viện kiểm sát cáo buộc ông Hậu (sinh năm 1981) thâu tóm các gói thầu từ Bắc vào Nam, gây thiệt hại ngân sách nhà nước 1.100 tỉ đồng, trong quá trình đó đã chi 132 tỉ đồng để hối lộ nhiều lãnh đạo địa phương.

Chưa đầy 30 tuổi, chi tiền thao túng cả bí thư, chủ tịch tỉnh

Theo cáo trạng, Công ty CP Tập đoàn Phúc Sơn được ông Hậu thành lập từ năm 2004 ở huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) với tên gọi ban đầu là Công ty TNHH thương mại và xây dựng Phúc Sơn, khi đó Hậu "Pháo" mới 23 tuổi.

Để phục vụ hoạt động kinh doanh, ngoài Tập đoàn Phúc Sơn, người này còn thành lập, điều hành một số công ty khác (trong đó có Công ty Thăng Long), hình thành "hệ sinh thái" Phúc Sơn.

Thời gian đầu, quy mô công ty ở mức vừa phải, hoạt động ở cấp huyện về xây lắp. Nhưng chỉ vài năm sau, công ty bắt đầu "vươn vòi" mạnh mẽ nhận nhiều công trình từ Bắc vào Nam. Cái tên Hậu "Pháo" nổi lên trong giới kinh doanh bất động sản.

Năm 2008, ở tuổi 27, Hậu thông qua người quen được giới thiệu và tiếp cận với bí thư tỉnh Phú Thọ Ngô Đức Vượng và chủ tịch tỉnh Nguyễn Doãn Khánh. Sau một số cuộc gặp, anh ta đề nghị và được hai lãnh đạo tỉnh đồng ý tạo điều kiện cho Phúc Sơn tham gia thi công các gói thầu tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng.

Để tạo điều kiện cho Phúc Sơn được chỉ định thầu, ông Khánh đã ký văn bản gửi Thủ tướng đề nghị cho áp dụng hình thức chỉ định thầu xây dựng dự án với lý do "đẩy nhanh tiến độ xây dựng các hạng mục công trình chuẩn bị cho ngày giỗ Tổ Hùng Vương", cáo trạng nêu.

Được sự "mở đường" của hai lãnh đạo tỉnh, người tuổi trẻ tài... quan hệ cao đã móc nối với một số cán bộ thuộc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng Đền Hùng để được tiết lộ, cung cấp thông tin gói thầu.

Từ đó, Khu di tích lịch sử Đền Hùng ký các hợp đồng với Phúc Sơn để thi công ba gói thầu tổng trị giá hơn 265 tỉ đồng.

Trong quá trình thi công, Khu di tích lịch sử Đền Hùng không thực hiện vai trò quản lý, giám sát, để Phúc Sơn sử dụng bốn công ty khác làm nhà thầu phụ. Qua đó Hậu yêu cầu các nhà thầu "cắt phế" chuyển lại hơn 17,4 tỉ đồng và yêu cầu 35 đơn vị cung cấp vật tư, vật liệu cắt lại hơn 16 tỉ đồng từ chênh lệch giá, cáo trạng nêu.

Viện kiểm sát cáo buộc tại các gói thầu trên, Hậu "Pháo" và Tập đoàn Phúc Sơn hưởng lợi bất chính, gây thiệt hại tài sản nhà nước tổng số tiền hơn 33,4 tỉ đồng.

Khi ông Khánh được bổ nhiệm chức vụ bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ, Hậu tiếp tục liên hệ đặt vấn đề và được đồng ý tạo điều kiện cho Phúc Sơn tham gia gói thầu phòng chống cháy rừng. Giống như gói thầu trước đó, Phúc Sơn sau đó đã chuyển nhượng toàn bộ khối lượng thi công gói thầu cho một công ty khác để hưởng chênh lệch 21,5 tỉ đồng.

Thâu tóm dự án ngàn tỉ đồng ở tuổi 29

Năm 2010, khi mới 29 tuổi, Hậu "Pháo" đã liên hệ, gặp bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc thời điểm đó là ông Phạm Văn Vọng và chủ tịch tỉnh là ông Phùng Quang Hùng để nhờ tạo điều kiện cho tham gia dự án cải tạo, nâng cấp đê tả sông Hồng tổng trị giá hơn 1.000 tỉ đồng.

Trong dự án trên, dự toán gói thầu số 1 Tập đoàn Phúc Sơn trúng là hơn 47 tỉ đồng và gói thầu số 3 là 1.045 tỉ đồng.

Viện kiểm sát cáo buộc hai ông Vọng và Hùng đã lợi dụng chức vụ được giao để tác động, chỉ đạo các sở ngành tạo điều kiện cho Tập đoàn Phúc Sơn trúng thầu thông qua việc thay đổi kế hoạch từ đấu thầu rộng rãi sang chỉ định thầu.

Đáng chú ý, để hợp thức hóa quy trình, ông Hùng còn chỉ đạo UBND huyện Vĩnh Tường cùng các đơn vị liên quan làm giả báo cáo về tình trạng tuyến đê.

Quá trình thi công, UBND huyện Vĩnh Tường không thực hiện vai trò quản lý, giám sát, để Phúc Sơn sử dụng năm công ty khác làm nhà thầu phụ thi công rồi yêu cầu các công ty này "cắt phế" chuyển lại tiền chênh lệch.

Theo cáo trạng, sau cú sang tay dự án hơn ngàn tỉ đồng trên, Hậu "Pháo" hưởng lợi ngay 290 tỉ đồng. Do được lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc ưu ái chỉ định gói thầu hơn 1.000 tỉ đồng trên nên cuối năm 2013, Hậu "Pháo" đã đến nhà bí thư Phạm Văn Vọng đưa quà "cảm ơn" 2 tỉ đồng.

Trước đó đầu năm 2012, Hậu "Pháo" cũng đến phòng làm việc của ông Hùng để "cảm ơn" số tiền 30.000 USD. Ông Hà Hòa Bình, cựu phó chủ tịch tỉnh, cũng được "cảm ơn" 300 triệu đồng.