Hạt mít - ‘liều thuốc thử’ cho hệ tiêu hóa, ai nên tránh ăn?

Đông y ví hạt mít như “liều thuốc thử” cho hệ tiêu hóa, mang lại nhiều lợi ích sức khỏe nếu dùng đúng cách. Tuy nhiên, một số người cần thận trọng khi ăn để tránh gặp các vấn đề chướng bụng.
Tôi hay giữ lại hạt mít để luộc hoặc nướng trong nồi chiên không dầu. Xin chuyên gia cho biết hạt mít có tốt không và dùng như thế nào? Xin cảm ơn! (Phạm Thị Hường - Dương Nội, Hà Nội).
Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Việt Hoàng - nguyên giảng viên Học viện Y học cổ truyền Trung ương tư vấn:
Theo y học cổ truyền, hạt mít có vị ngọt, tính bình, tác động đến ba kinh: tỳ (chủ vận hóa thức ăn và nước), vị (tiếp nhận và nghiền nhỏ thức ăn), và đại tràng (thải chất cặn bã). Khi ba cơ quan này hoạt động hài hòa, ăn hạt mít giúp tiêu hóa trơn tru, bụng nhẹ, giảm táo bón.
Hạt mít chứa nhiều tinh bột kháng, một loại carbohydrate đặc biệt không được tiêu hóa ngay tại dạ dày hay ruột non, mà phải xuống đến đại tràng mới được vi khuẩn đường ruột phân giải. Quá trình này tạo ra các axit béo chuỗi ngắn, giúp nuôi dưỡng tế bào niêm mạc ruột, cải thiện sức khỏe đại tràng và giảm nguy cơ viêm nhiễm.
Ngoài ra, hạt mít còn cung cấp chất xơ, protein, và một lượng nhỏ vitamin nhóm B, hỗ trợ chuyển hóa năng lượng và tăng cường sức khỏe tổng thể.
Với người có hệ tiêu hóa khỏe mạnh, ăn hạt mít luộc chín mềm giúp bổ sung năng lượng bền vững, cải thiện nhu động ruột, duy trì hệ vi sinh đường ruột cân bằng. Đặc biệt, tinh bột kháng trong hạt mít có thể hỗ trợ kiểm soát đường huyết, phù hợp với những người cần chế độ ăn ít làm tăng đường máu nhanh. Hạt mít cũng là món ăn vặt lành mạnh, ít chất béo.
Ai không nên ăn hạt mít?
Tinh bột kháng, dù có lợi nhưng khó tiêu hóa với những người có hệ tiêu hóa yếu hoặc rối loạn. Nếu tỳ vị suy (tức là chức năng tiêu hóa kém) hoặc hệ vi sinh đường ruột mất cân bằng, việc ăn hạt mít có thể gây tích tụ hơi trong bụng, dẫn đến đầy bụng, ợ chua, khó tiêu, hoặc táo bón kéo dài. Một số người còn gặp tình trạng phân lỏng hoặc đi ngoài thất thường.
Những đối tượng nên tránh ăn hạt mít bao gồm:
Người thường xuyên bị đầy bụng, ợ chua hoặc khó tiêu sau khi ăn.
Người có tiền sử bệnh lý như viêm đại tràng, hội chứng ruột kích thích, trào ngược dạ dày thực quản.
Người bị rối loạn vi sinh đường ruột do dùng kháng sinh kéo dài hoặc chế độ ăn thiếu cân bằng.
Người có hệ tiêu hóa yếu, thường xuyên táo bón hoặc tiêu chảy xen kẽ.
Ngoài ra, thời điểm ăn cũng quan trọng. Không nên ăn hạt mít vào buổi tối, đặc biệt sau 19h, vì hệ tiêu hóa hoạt động chậm lại, dễ gây tích tụ thức ăn. Hạt mít cần được luộc chín kỹ, bỏ lớp màng ngoài, và chỉ nên ăn với lượng vừa phải (5–10 hạt mỗi lần) để tránh quá tải cho dạ dày.