Hành trình sang Mỹ tìm đam mê của một đứa trẻ không có ước mơ

Tôi đang sinh sống và học tập tại Mỹ. Tôi viết bài chia sẻ này với mong muốn kể lại hành trình tìm ra đam mê thật sự của mình với khoa học – một con đường không ngắn, không dễ dàng, nhưng đầy ý nghĩa. Tôi hy vọng rằng câu chuyện của mình có thể truyền cảm hứng cho những bạn trẻ từng giống như tôi: không biết bắt đầu từ đâu, không chắc mình thực sự yêu thích điều gì?
Hồi học lớp 5, tôi từng là một đứa trẻ không có ước mơ. Bạn bè xung quanh ai cũng có sở thích rõ ràng: người mê bóng đá, người yêu vẽ tranh, người chơi đàn rất giỏi. Còn tôi không biết mình thích gì, cũng chẳng hình dung được đam mê là gì hay sau này sẽ làm nghề gì? Sự mông lung ấy khiến tôi cảm thấy buồn và lạc lõng.
Một ngày nọ, trong tiết học Vật lý, cô giáo kể về một phương pháp biến xương người thành kim cương nhân tạo bằng cách xay xương thành bột rồi nung ở nhiệt độ cao. Câu chuyện lạ lùng ấy khiến tôi vô cùng tò mò. Tôi bắt đầu tự tìm hiểu và tình cờ biết đến bộ môn tinh thể học. Đây cũng chính là "chiếc cầu" đầu tiên kết nối tôi với Hóa học - môn học mà thời điểm đó tôi còn chưa từng tiếp xúc.
Tôi bắt đầu hành trình tự học: mua sách cũ, xem video trên YouTube, tự nuôi tinh thể tại nhà... Tôi cũng mày mò điều chế các dung dịch phức chất qua các trang web nước ngoài. Việc học một mình đôi lúc khó khăn, nhưng giúp tôi rèn luyện kỹ năng thực hành rất nhiều.
Sau này, tôi có cơ hội gặp gỡ một nhóm anh chị sinh viên ngành Kỹ thuật Hóa học từ Đại học Phenikaa. Chúng tôi cùng nhau thành lập một cửa hàng nhỏ bán tinh thể, đồng thời xây dựng cộng đồng nuôi tinh thể tại Việt Nam, nay là cộng đồng tinh thể học lớn nhất nước.
>> Bố mẹ giãy nảy vì tôi giỏi Toán nhưng đam mê làm truyền thông
Có một lần, trong lúc điều chế, tôi bị axit sulfuric bắn vào mắt. Tôi rất sợ nhưng không dám kể với ai, vì lo gia đình sẽ cấm tôi tiếp tục học Hóa. Tôi chỉ biết vào nhà vệ sinh, rửa mắt bằng nước gần nửa tiếng. Rất may, mắt tôi không sao, chỉ bị bỏng nhẹ ở mí. Đó là khoảnh khắc khiến tôi nhận ra sự nguy hiểm của đam mê này, và càng trân trọng con đường mình đã chọn.
Tôi bắt đầu tham gia một số cuộc thi tinh thể học do Trường Đại học Khoa học Tự nhiên – ĐHQG Hà Nội tổ chức và đạt được một vài giải thưởng nhỏ. Những thành công đầu tiên ấy trở thành nguồn động lực lớn, giúp tôi thêm tin vào con đường mình theo đuổi.
Năm 2022, tôi cùng gia đình chuyển sang Mỹ. Những ngày đầu thực sự rất khó khăn khi tôi không biết tiếng Anh, giao tiếp gần như bất khả thi, cảm giác cô đơn và tự ti bủa vây. Dù vậy, tôi vẫn giữ vững đam mê, bắt đầu viết email xin thực tập ở các phòng thí nghiệm đại học. Gần như tất cả đều từ chối vì tôi còn quá nhỏ.
Nhưng rồi, một giáo sư tại Đại học California, Irvine (UCI) đã hồi âm. Thầy nói rằng chưa từng gặp một người trẻ nào yêu thích Hóa học như vậy. Và thầy đã cho tôi cơ hội được thực tập tại phòng lab của thầy vào mỗi thứ sáu hàng tuần. Hiện tại, tôi đang là thành viên trong nhóm nghiên cứu về vi khuẩn "kháng kháng sinh" tại UCI.
Thời còn học trung học, một ngày của tôi bắt đầu lúc 8h30 và kết thúc lúc 10h đêm. Sau khi học ở trường phổ thông đến 15h30, tôi tiếp tục theo học chương trình song bằng tại đại học từ 16h30 đến 22h. Nhờ vậy, tôi đã hoàn thành chương trình Hóa học đại học năm nhất và năm hai khi còn đang học lớp 10.
Tôi vẫn nhớ, có hôm sau buổi học tối, tôi ngủ gục trên xe buýt, "lố" cả tiếng đồng hồ. Tỉnh dậy, tôi không biết mình đang ở đâu, lại phải tự bắt xe khác để quay về. Tôi không kể với gia đình, vì không muốn mọi người lo lắng. Nhưng thật lòng, tôi vẫn cảm thấy vui, vì mỗi khó khăn ấy là một bước đưa tôi gần hơn tới ước mơ làm nhà khoa học.
Đầu năm nay, tôi đã xuất bản cuốn sách đầu tiên với sự hỗ trợ của giáo sư tại UCI: "Sự tiến hóa và hậu quả của kháng kháng sinh". Tôi viết sách với mong muốn chia sẻ những kiến thức mình đã học được trong quá trình nghiên cứu và thực tập, giúp các bạn trẻ yêu khoa học có thể tiếp cận chủ đề khó một cách dễ hiểu hơn.
Tôi viết những dòng này với một hy vọng giản dị: nếu có một bạn trẻ nào đó từng giống như tôi ngày xưa – từng không biết mình yêu gì, từng không có ước mơ – sẽ được tiếp thêm động lực để tiếp tục khám phá và tìm ra đam mê thực sự của mình để theo đuổi nó đến cùng.
Ngô Kiều Khang