'Hành trình kết nối xanh': Địa đạo Củ Chi - Vùng đất thép

“Hành trình kết nối xanh” lần này có sự góp mặt của diễn viên Thuận Nguyễn và fashionista, diễn viên Hồ Thu Anh (vai Ba Hương trong phim “Địa Đạo”) sẽ mang đến những trải nghiệm, câu chuyện và ký ức của một thời khói lửa tại vùng đất thép Củ Chi.
Với sự đồng hành của Tổng Công ty Khí Việt Nam - CTCP (PV GAS), mỗi tập là một chuyến đi ý nghĩa, đưa khán giả đến với những vùng đất mang đậm dấu ấn văn hóa - lịch sử, nơi thiên nhiên và con người hòa quyện trong những câu chuyện đầy xúc động.
Vùng đất thép thành đồng
Cách trung tâm TP.HCM khoảng 70km về hướng Tây Bắc, địa đạo Củ Chi là minh chứng sống cho sức mạnh quật cường và trí tuệ của quân dân miền Nam trong suốt 30 năm kháng chiến trường kỳ.
Hệ thống địa đạo trải dài 250km, được thiết kế thành ba tầng nằm sâu dưới lòng đất, là nơi chôn giấu vũ khí, sinh hoạt và chiến đấu của quân dân lúc bấy giờ. Chính tại nơi đây, hàng ngàn chiến sĩ, du kích đã sống, chiến đấu và hy sinh âm thầm trong bóng tối, lập nên những chiến công lẫy lừng, đưa Củ Chi trở thành cái tên gắn liền với truyền thuyết anh hùng, được cả thế giới biết đến.
Người trở về từ lòng đất
Câu chuyện của ông Huỳnh Văn Chỉa - cựu du kích Củ Chi - như một thước phim sống động tái hiện những tháng ngày khốc liệt của chiến tranh.
Trong lần bị thương nặng vào năm 1967, ông được hai người đồng đội dìu đi băng bó. Dưới hệ thống địa đạo ngột ngạt, một đồng đội vì thiếu oxy, người còn lại thấy vậy lập tức thực hiện hô hấp nhân tạo để cả hai tiếp tục dìu ông đi tiếp.
"Hình ảnh đó chỉ có người Việt Nam mới làm được - nhường thuận lợi cho bạn, giữ khó khăn về mình", ông xúc động chia sẻ.
Bếp Hoàng Cầm - Từ lòng đất bốc lên khói sương
Bếp Hoàng Cầm là một sáng kiến độc đáo của chiến sĩ Hoàng Cầm trong thời kỳ kháng chiến, được thiết kế đặc biệt để giấu khói, tránh sự phát hiện của máy bay trinh sát địch. Với hệ thống dẫn khói nhiều tầng, khói từ bếp được lọc và thoát ra ngoài mặt đất như một làn sương mỏng, gần như vô hình giữa chiến khu.
Không chỉ là công cụ nấu ăn, bếp Hoàng Cầm còn là biểu tượng của trí tuệ, sự kiên cường và khả năng thích ứng phi thường của người lính Việt trong gian khổ.
Hành trình chạm vào ký ức, gìn giữ hồn thiêng dân tộc
Ngày nay, địa đạo Củ Chi là điểm đến thu hút hàng triệu lượt khách mỗi năm. Tại đây, du khách không chỉ được tận tay chạm vào lịch sử qua những đường hầm, xa bàn chiến trường mà còn có thể thử bắn súng, hóa thân thành du kích giữa chiến khu xưa.
Ngoài ra, công tác trùng tu, bảo tồn luôn được ưu tiên hạn chế bê tông hóa và giữ nguyên giá trị lịch sử. Những vật liệu tự nhiên, giải pháp bền vững được ứng dụng nhằm bảo tồn ký ức hào hùng của mảnh đất thép, đồng thời gìn giữ vẻ đẹp tự nhiên cho thế hệ mai sau.
Hơn nửa thế kỷ đã qua, tiếng bom đạn đã lùi xa, địa đạo Củ Chi ngày nay không chỉ là điểm đến lịch sử, mà còn là nhịp cầu kết nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa lòng yêu nước và khát vọng hòa bình. Không chỉ là câu chuyện của riêng những người lính năm xưa, hành trình còn là minh chứng cho tinh thần yêu nước của cả một thế hệ.
"Hành trình kết nối xanh" không chỉ đưa khán giả đến những vùng đất đẹp, mà còn giúp khơi dậy trong lòng người xem niềm tự hào về những di sản tinh thần quý báu.
Đừng bỏ lỡ các tập tiếp theo vào lúc 15h45 Thứ Bảy và Chủ nhật hàng tuần trên kênh VTV3 Đài Truyền hình Việt Nam, khi chuyến xe xanh tiếp tục lăn bánh đến những vùng đất mới - nơi câu chuyện về sự phát triển bền vững vẫn đang được viết tiếp mỗi ngày.