Nhảy đến nội dung

Hành trình 30 năm phát triển của Bảo hiểm xã hội tỉnh Cà Mau

Trải qua 30 năm (1995 - 2025), Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Cà Mau không ngừng phát triển và đạt nhiều thành tựu nổi bật. Qua đó khẳng định vai trò quan trọng của BHXH trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống và sự ổn định của xã hội.

Vượt khó, nâng cao chất lượng phục vụ

BHXH tỉnh Minh Hải được thành lập theo Quyết định số 139/QĐ-BHXH-TCCB ngày 29.8.1995 của Tổng giám đốc BHXH Việt Nam. Ngày 1.1.1997, tỉnh Minh Hải được chia tách thành tỉnh Cà Mau và tỉnh Bạc Liêu, BHXH tỉnh Minh Hải đổi tên thành BHXH tỉnh Bạc Liêu - Cà Mau hoạt động trên địa bàn 2 tỉnh. Đến ngày 16.9.1997, Tổng giám đốc BHXH Việt Nam ban hành quyết định thành lập BHXH tỉnh Cà Mau và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1.1.1998.

Với nhiệm vụ tổ chức thực hiện chính sách BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) và bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), trong những năm đầu hoạt động, việc thực hiện gặp nhiều khó khăn do sự hiểu biết về chính sách BHXH, BHYT của người dân chưa cao, hệ thống tổ chức còn thiếu đồng bộ. Tuy nhiên, với sự quyết tâm của ngành và sự chỉ đạo từ các cấp lãnh đạo, BHXH tỉnh Cà Mau đã có bước chuyển mình mạnh mẽ, từng bước mở rộng phạm vi hoạt động và nâng cao chất lượng phục vụ.

Từ năm 1995 - 2005 là giai đoạn đặt nền móng, khi các chính sách BHXH bắt buộc được triển khai đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động có thu nhập ổn định khi nghỉ hưu hoặc chẳng may gặp rủi ro trong lao động. Đến năm 2003, BHYT được chuyển sang cơ quan BHXH quản lý, đánh dấu bước phát triển mới của BHXH Việt Nam. Năm 2008, chính sách BHXH tự nguyện được triển khai, mang lại nhiều cơ hội hưởng lương hưu cho nhóm lao động tự do. Năm 2009, BHTN được áp dụng, giúp hàng ngàn lao động bị mất việc làm có nguồn thu nhập ổn định, được cấp BHYT miễn phí trong thời gian chuyển đổi công việc.

Những thành tựu nổi bật

Sau 30 năm xây dựng và phát triển, BHXH tỉnh Cà Mau đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Điển hình là phát triển số người tham gia BHXH bắt buộc từ 22.988 người (1995) lên 67.059 người (2024), tức tăng gấp gần 3 lần. BHXH tự nguyện tăng từ 60 người (2008) lên 37.675 người (2024), phản ánh sự quan tâm ngày càng cao của người dân đối với chính sách BHXH. Số người tham gia BHYT đạt 1.112.139 người vào năm 2024, chiếm 95,63% dân số tỉnh.

Về tài chính, BHXH tỉnh quản lý thu, chi tài chính gần 6.000 tỉ đồng hằng năm, đảm bảo an toàn tuyệt đối. Tổng thu quỹ BHXH, BHYT, BHTN năm 2024 đạt 2.909 tỉ đồng, cao gấp 61 lần so với năm 1995. Đây là nguồn tài chính quan trọng, đảm bảo chi trả các chế độ BHXH, BHTN và hỗ trợ khám chữa bệnh (KCB) BHYT cho người tham gia.

BHXH tỉnh Cà Mau đảm bảo chi trả lương hưu hằng tháng cho hơn 10.300 người, trợ cấp BHXH một lần cho gần 20.000 lượt người mỗi năm. Năm 2024, tổng số chi BHXH, BHYT, BHTN là 3.256 tỉ đồng; trong đó chi BHXH 1.659 tỉ đồng, BHTN 154 tỉ đồng, BHYT 1.443 tỉ đồng. Công tác chi trả chế độ BHXH, trợ cấp thất nghiệp tăng dần qua các năm. Nếu năm 1998 chỉ chi trả 11,83 tỉ đồng thì đến năm 2024 con số này đã tăng lên 1.659,951 tỉ đồng (tăng 140 lần so với năm 1998). Số tiền chi trợ cấp thất nghiệp từ 1,683 tỉ đồng năm 2010 cũng tăng lên 154,443 tỉ đồng vào năm 2024.

Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh chi trả dịch vụ an sinh xã hội qua phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt, tích cực tuyên truyền, vận động người hưởng chế độ BHXH, BHTN lựa chọn hình thức nhận tiền qua tài khoản cá nhân (ATM). Kết quả chi trả không dùng tiền mặt đối với lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng đạt gần 80%; chế độ BHXH một lần 98%; trợ cấp thất nghiệp đạt 100%; chế độ ốm đau, thai sản đạt tỷ lệ 100% đã tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người thụ hưởng.

Cùng với công tác chi trả chế độ kịp thời, BHXH tỉnh Cà Mau luôn quan tâm đến việc nâng cao chất lượng KCB BHYT. Từ 9 cơ sở KCB BHYT vào năm 1995, đến tháng 12.2024, toàn tỉnh đã có 38 cơ sở y tế ký hợp đồng KCB BHYT, đảm bảo phục vụ tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân. 100% cơ sở KCB trên địa bàn tỉnh đã triển khai thực hiện tiếp nhận KCB BHYT bằng CCCD. Số lượt KCB BHYT cũng tăng mạnh, từ 237.947 lượt, với số tiền 20,270 tỉ đồng năm 2005 lên 3.443.533 lượt, với số tiền 1.491,739 tỉ đồng năm 2024. So với năm 2005, số lượt người KCB tăng 14,5 lần; chi phí KCB tăng 73,5 lần.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin cũng được triển khai áp dụng rộng khắp. Hiện, các hoạt động nghiệp vụ của cơ quan BHXH đều được quản lý qua các phần mềm; 100% văn bản được xử lý trên môi trường điện tử (trừ văn bản phải gửi bản giấy theo quy định); thực hiện giao dịch điện tử đối với cá nhân, tổ chức trên các lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN. Đến nay, số đơn vị đăng ký giao dịch điện tử đạt 99,5%; có 1.027.297 CCCD được đồng bộ với thẻ BHYT còn hiệu lực để đi KCB; tỷ lệ đồng bộ dữ liệu người tham gia với CSDL quốc gia về dân cư đạt 98,7%; phê duyệt đăng ký VssID-BHXH số đạt 193.667 lượt…

BHXH tỉnh Cà Mau đã từng bước kiện toàn tổ chức bộ máy theo hướng linh hoạt, hiệu quả và hiện đại. Cơ cấu tổ chức được tối ưu hóa, giảm chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, đồng thời thực hiện tinh giản biên chế nhưng nâng cao chất lượng đội ngũ nhân lực. Các biện pháp này được triển khai phù hợp với các nghị quyết của T.Ư, giúp tăng cường hiệu quả hoạt động và phục vụ người dân tốt hơn.

Qua 30 năm xây dựng và phát triển, BHXH tỉnh Cà Mau đã khẳng định vai trò quan trọng trong hệ thống an sinh xã hội, góp phần đảm bảo quyền lợi của người lao động và người dân trên địa bàn. Với những định hướng rõ ràng và quyết tâm cao, BHXH tỉnh tiếp tục nỗ lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ trong những năm tiếp theo, hướng tới mục tiêu BHXH, BHYT toàn dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững.