Hành chính phục vụ: Công cụ 'chấm điểm' cán bộ ở TP.HCM

Trung tâm Chuyển đổi số TP.HCM được thành lập tháng 1-2024 và là đơn vị phụ trách về chuyển đổi số cấp tỉnh duy nhất hiện nay. Đây được xem là công cụ đắc lực giúp chính quyền 2 cấp ở TP.HCM mới hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà VÕ THỊ TRUNG TRINH - giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số TP.HCM (TTCĐS) - khẳng định TP đã có sự chuẩn bị từ rất sớm cho công tác này.
"Chuyển đổi số đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương 2 cấp, giúp cải thiện quy trình, tăng cường minh bạch và đặc biệt nâng cao chất lượng phục vụ người dân".
TP.HCM mới "hưởng lợi" từ chuyển đổi số
* Hôm nay (1-7) là mốc "lịch sử" về tinh gọn bộ máy cả nước cũng như của TP.HCM mới. Bà đánh giá thế nào về sự chuẩn bị của TP.HCM dựa trên nền tảng chuyển đổi số?
- Hạ tầng số và các nền tảng số được TP.HCM chuẩn bị từ rất sớm thông qua việc xây dựng đề án đô thị thông minh giúp TP có kho dữ liệu dùng chung, chương trình chuyển đổi số, chiến lược quản trị dữ liệu...
Những đề án, chương trình đó giúp TP tạo ra các nền tảng chuyển đổi số. Ví dụ hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính TP dùng thông suốt đã 3 năm.
Qua quá trình đúc kết kinh nghiệm về chuyển đổi số từ các quốc gia như Singapore, Anh, Úc, Trung Quốc... lãnh đạo TP.HCM đã vận dụng nghị quyết 98 thành lập TTCĐS, để tạo ra lực lượng thực thi chuyên về chuyển đổi số.
Với cơ chế, lực lượng và nền tảng chuyển đổi số được thừa hưởng, TTCĐS TP.HCM đang phát huy vai trò, đóng góp cho kết quả chung của TP.
* Theo bà mô hình này tạo lợi thế gì cho TP.HCM mới?
- TTCĐS là đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND TP.HCM chắc chắn sẽ giảm đi tầng nấc quản lý trung gian, tăng sự chủ động phối hợp, điều hành. Trung tâm sẽ đi theo mảng công việc phân công của mình để tác nghiệp trực tiếp.
Lợi thế nữa là khả năng huy động nguồn lực cho chuyển đổi số của TP.HCM. Trung tâm đã được tách hẳn vai trò quản lý nhà nước mà chỉ lo thuần về kỹ thuật, chuyên môn. Đó cũng là lý do hơn một năm nay, công tác chuyển đổi số ở TP.HCM "chạy" nhanh hơn khi huy động được lực lượng lớn và nhanh.
Ví dụ chuẩn bị cho chính quyền số 2 cấp của TP.HCM mới lúc cao điểm từ đầu tháng 6 toàn bộ cán bộ kỹ thuật của trung tâm được huy động, cộng với cán bộ kỹ thuật của Công viên phần mềm Quang Trung và khoảng 200 cán bộ công nghệ thông tin, viễn thông của TP.HCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu vào cuộc và duy trì nguồn lực này.
Người dân hài lòng - thước đo phục vụ
* Từ 1-7, cấp xã giải quyết hầu hết các thủ tục cần thiết cho người dân, doanh nghiệp. Vẫn còn ý kiến lo ngại về bất cập hạ tầng số sẽ gây trở ngại, chậm trễ giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến cho người dân...?
- Như đã khẳng định, công tác chuẩn bị cho chính quyền số 2 cấp ở TP.HCM mới về hạ tầng số và nền tảng số dùng chung là ổn.
Tuy vậy, khi bước vào giai đoạn vận hành chắc chắn công chức ở phường xã sẽ còn bỡ ngỡ, có thể chệch choạc trong phục vụ giải quyết thủ tục hành chính. Vì vậy, chúng tôi đã có đề xuất phương án thuê dịch vụ công nghệ thông tin xuống hỗ trợ các địa phương ở giai đoạn đầu.
Nhưng về lâu dài, TP.HCM mới cần củng cố lại kiến trúc khung của chính quyền số 2 cấp đặt trong tổng thể giai đoạn phát triển mới với kinh tế số cho phù hợp, bảo đảm một hệ thống, một dữ liệu, một dịch vụ liền mạch.
Còn về đào tạo, trước tiên cán bộ công chức phải tự cập nhật thường xuyên kỹ năng số thông thường. Ví dụ công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) hiện nay nếu cán bộ công chức không biết dùng là một thiệt thòi cho bản thân họ.
Đối với những ứng dụng thực tế của TP.HCM, chúng tôi có đề xuất đào tạo cán bộ, công chức có địa chỉ cụ thể gắn với vị trí người dùng.
Ví dụ cán bộ phải biết sử dụng hệ thống 1022, sử dụng hệ thống văn bản chỉ đạo điều hành, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính... Chúng tôi đang đào tạo bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến. Trong đó tăng cường đào tạo trực tuyến để cán bộ công chức có thể học thường xuyên, thông qua đó đánh giá chất lượng.
* Như vậy, việc giám sát, đánh giá chất lượng phục vụ của chính quyền 2 cấp, nhất là cấp xã ra sao khi giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp?
- Hiện nay TP.HCM đang sử dụng 2 hệ thống tập trung là hệ thống quản lý văn bản và hệ thống giải quyết thủ tục hành chính. Với các hệ thống này thì nếu cần chủ tịch UBND TP.HCM sẽ nhìn thấy, theo dõi được một văn bản xử lý trễ hay hồ sơ giải quyết trễ ở một phường, xã.
Với 2 hệ thống trên kết quả giải quyết thủ tục hành chính từ các cấp sẽ hiển thị lên các dasboard (bảng điều khiển trực quan) để Trung tâm hành chính công của TP.HCM kiểm soát, giám sát thực hiện thủ tục hành chính, hướng dẫn cho các trung tâm hành chính công cấp xã.
TTCĐS cũng cung cấp công cụ để giám sát chất lượng giải quyết thủ tục hành chính thông qua bản đồ thực thi thể chế. Chất lượng, kết quả phục vụ người dân, doanh nghiệp ra sao được đánh giá đầy đủ trên công cụ này theo thời gian thực, rất minh bạch và công bằng.
Bản đồ thực thi thể chế áp dụng AI để kiểm soát logic dữ liệu đầu vào của các đơn vị, địa phương, không giả lập dữ liệu được. Như vậy từ 1-7 và sau đó người dân trải nghiệm thực tế về chất lượng phục vụ, giải quyết thủ tục hành chính của chính quyền 2 cấp sẽ đánh giá tương ứng.