Hàng Trung Quốc tìm cách 'rửa xuất xứ' vì áp lực thuế quan, xoá mác 'Made in China' và thay 'nhãn mới' với giá chỉ 18.000 đồng/kg

Trước sức ép từ các mức thuế mới mà cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt - lên đến 145% đối với nhiều mặt hàng Trung Quốc, nhiều nhà xuất khẩu nước này đang tìm mọi cách để giữ thị phần tại thị trường Mỹ.
Một trong những biện pháp đang nở rộ là “rửa xuất xứ”: xuất khẩu hàng hóa qua nước thứ 3 để che giấu nguồn gốc thực sự.
Thị trường ngầm công khai
Trên các nền tảng mạng xã hội Trung Quốc như Xiaohongshu, hàng loạt quảng cáo đã xuất hiện công khai, mời gọi doanh nghiệp “rửa xuất xứ hàng hóa”.
Financial Times trích dẫn một quảng cáo ghi rõ: “Mỹ áp thuế hàng Trung Quốc? Hãy đưa hàng hoá qua Malaysia để biến thành hàng Đông Nam Á!”, hay: “Gỗ lát sàn và đồ dùng bàn ăn Trung Quốc bị đánh thuế? Mang đến Malaysia để dễ xuất khẩu!”
Dù điều này rõ ràng vi phạm quy định về xuất xứ trong thương mại quốc tế, song các bên trung gian vẫn tiếp tục cung cấp dịch vụ với mức phí rẻ bất ngờ. Một nhà sản xuất hàng tiêu dùng ở Đông Quan cho biết đã được giới thiệu các dịch vụ “lách luật” chỉ với giá 5 nhân dân tệ (khoảng 0,7 USD) cho mỗi kg hàng hóa vận chuyển.
Cách vận hành khá đơn giản. Các nhà xuất khẩu Trung Quốc sẽ gửi hàng đến các cảng như Quảng Châu hay Thâm Quyến, sử dụng điều kiện giao hàng FOB (free on board – giao hàng tại cảng đi).
Khi hàng rời cảng, trách nhiệm pháp lý sẽ thuộc về người mua hoặc bên trung gian, giúp các nhà xuất khẩu tránh rủi ro pháp lý trực tiếp. Từ đây, hàng sẽ được chuyển đến các cảng trung chuyển như Port Klang (Malaysia), sau đó được đóng vào container địa phương và dán nhãn mới.
Mối lo ngại của các doanh nghiệp
Hiện tượng hàng hóa Trung Quốc được “thay nhãn” nước thứ 3 không chỉ gây lo ngại tại Mỹ, mà còn khiến các quốc gia láng giềng như Hàn Quốc, Thái Lan phải thắt chặt quy trình kiểm tra xuất xứ. Cơ quan hải quan Hàn Quốc mới đây phát hiện lô hàng trị giá gần 30 tỷ won (tương đương 21 triệu USD) bị làm giả xuất xứ, chủ yếu từ Trung Quốc và hướng đến thị trường Mỹ.
Thái Lan cũng đã ban hành các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn đối với hàng hóa có điểm đến cuối cùng là Mỹ.
Các quan chức tại các quốc gia đóng vai trò là trung chuyển lo ngại rằng nếu bị phát hiện là nơi trung gian cho các hoạt động “né thuế”, họ có thể đối mặt với hậu quả từ phía Washington, như bị áp thuế hoặc hạn chế thương mại trực tiếp.
Không chỉ các chính phủ lo ngại, mà các doanh nghiệp Mỹ – đặc biệt là những nhà bán lẻ lớn trên các sàn thương mại điện tử, cũng đang lo ngại.
Một giám đốc cấp cao tại một trong mười nhà bán lẻ độc lập hàng đầu trên Amazon cho biết họ đã chứng kiến các trường hợp xuất xứ bị giả mạo, điều có thể khiến lô hàng bị tịch thu tại cảng Mỹ.
Người này cũng chia sẻ sự do dự khi để các nhà cung cấp Trung Quốc đứng tên làm "importer of record" (người nhập khẩu chính thức), bởi rủi ro nhà cung cấp khai báo sai giá trị hàng hóa nhằm né thuế là rất lớn.
Dù các nhà xuất khẩu Trung Quốc thường viện cớ rằng trách nhiệm nằm ở bên mua, đặc biệt khi họ chỉ giao FOB tại cảng đi, các nhà quản lý quốc tế cảnh báo rằng nếu các hành vi lách luật này tiếp diễn, hậu quả không chỉ rơi vào bên mua. Các quốc gia trung gian và thậm chí là cả các nhà xuất khẩu ban đầu cũng có thể đối mặt với trừng phạt, bao gồm điều tra chống gian lận thương mại và xoá bỏ ưu đãi thương mại.
Về phía Mỹ, chính quyền có thể tăng cường kiểm tra hải quan và áp dụng thêm các biện pháp chống gian lận thương mại. Điều này không chỉ làm chậm chuỗi cung ứng mà còn đẩy chi phí cho tất cả các bên tham gia, bao gồm cả người tiêu dùng cuối cùng.
Tham khảo FT