Nhảy đến nội dung
 

Hằng Du Mục thu 58 tỷ một quý nhờ 'xem gì, mua nấy'

Công ty của tôi có một đồng nghiệp mua kẹo rau củ - được xác định là giả, vụ việc gây ồn ào thời gian gần đây. Hành động đặt mua hàng diễn ra khi xem buổi livestream của người bán. Câu chuyện này có thể là trải nghiệm không hiếm của nhiều người tiêu dùng trong thời đại xem gì, mua nấy.

Đáng chú ý là chỉ trong quý I-2025, gian hàng của Hằng Du Mục trên TikTok đã đạt doanh số hơn 58 tỷ đồng, tăng hơn 400% so với cùng kỳ năm ngoái - một con số ấn tượng đến mức lọt top 5 thương hiệu bán lẻ online, ngang hàng với các doanh nghiệp quy mô lớn.

Hằng Du Mục cùng Quang Linh Vlogs đã bị xử phạt vì quảng cáo sai lệch sản phẩm kẹo rau củ Kera. Họ bị phạt 70 triệu đồng mỗi người và buộc phải cải chính thông tin, sau đó đã bị bắt.

Câu hỏi đặt ra là: Người nổi tiếng nên và có thể làm gì khác ngoài việc chỉ livestream, đọc kịch bản, và chốt đơn?

Sự trỗi dậy mạnh mẽ của các cá nhân có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội đã làm thay đổi thị trường bán lẻ. Người tiêu dùng không còn tin quảng cáo truyền thống bằng hình ảnh hay đoạn phim công phu, mà sẵn sàng tin vào một lời khuyên được cho là giản dị, thân mật đến từ một nhân vật họ theo dõi hàng ngày.

Đó là xu hướng tự nhiên, và cũng là tín hiệu cho thấy vai trò của những người như Hằng Du Mục đang vượt khỏi ranh giới của một người nổi tiếng trên mạng.

Nhưng cũng từ đó, trách nhiệm đi kèm. Khi một người có sức ảnh hưởng đủ để thu hút hàng triệu lượt xem, hàng chục tỷ đồng giao dịch mỗi quý, thì những gì họ nói ra không còn là phát ngôn cá nhân đơn thuần.

Đó là nội dung thương mại, là yếu tố có thể định hình hành vi tiêu dùng của xã hội, thậm chí ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng nếu không được kiểm chứng cẩn trọng.

Việc bán hàng online, đặc biệt qua hình thức livestream, đang diễn ra quá nhanh, quá sôi động, trong khi khung pháp lý và nhận thức xã hội vẫn còn đang trong quá trình thích ứng. Khi công cụ bán hàng thay đổi, tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp và quy trình kiểm soát thông tin cũng cần thay đổi theo.

Người nổi tiếng, ở vai trò của một nhà sáng tạo nội dung kiêm thương nhân thời đại mới, cần hiểu rằng họ không chỉ mượn uy tín để bán hàng, mà đang đồng thời xây dựng hoặc phá vỡ lòng tin nơi người theo dõi.

Tôn trọng người tiêu dùng không chỉ là cung cấp sản phẩm tốt, mà còn là không đánh đổi sự tin tưởng lấy doanh số ngắn hạn.

Còn về phía cơ quan quản lý, bài học từ các vụ việc quảng cáo sai sự thật thời gian qua cho thấy cần có quy định rõ ràng hơn về trách nhiệm của người livestream bán hàng.

Không chỉ doanh nghiệp, mà chính các cá nhân tham gia vào chuỗi cung ứng, từ người phát ngôn cho đến người bấm nút mua, đều đang tạo nên một thị trường mới, đòi hỏi một chuẩn mực mới.

Và cuối cùng, người tiêu dùng cũng cần tỉnh táo hơn. Không phải vì ai đó nổi tiếng mà điều họ nói ra luôn là đúng. Một chiếc điện thoại có thể kết nối bạn với cả thế giới, nhưng cũng là cái bẫy khiến bạn rơi vào những lời quảng cáo thiếu kiểm chứng, nếu không biết chọn lọc.

Minh Hòa