Hàn Quốc đặt mục tiêu dẫn đầu toàn cầu về công nghệ vận tải siêu tốc

Hàn Quốc hiện đặt mục tiêu giành vị trí dẫn đầu toàn cầu trong ngành vận tải siêu tốc của thế giới, với phiên bản hệ thống vận tải đệm từ thế hệ mới Hypertube đang phát triển.
Hypertube là phiên bản hệ thống vận tải đệm từ thế hệ tiếp theo của Hàn Quốc, được coi là thiết yếu cho sự tăng trưởng kinh tế cân bằng ở nước này. Hành khách và hàng hóa có thể được vận chuyển với tốc độ cực nhanh: 1.200km/h trở lên.
Hôm 9-4, Chính phủ Hàn Quốc đã thành lập một lực lượng đặc nhiệm để phát triển công nghệ vận tải siêu tốc của riêng nước này với khoản đầu tư 12,7 tỉ won (khoảng 8,8 triệu USD) cho nghiên cứu ban đầu.
Các chuyên gia Hàn Quốc bày tỏ tin tưởng Hypertube hoàn toàn có thể đạt được nếu được nghiên cứu thường xuyên, đồng thời xét đến công nghệ đường sắt tiên tiến của Hàn Quốc như KTX trên toàn quốc có tốc độ tối đa 300km/h, và GTX của thủ đô có tốc độ 180km/h, đảm bảo tương lai dẫn đầu toàn cầu trong ngành này của Hàn Quốc.
Mặc dù khởi đầu muộn, theo các chuyên gia, Hàn Quốc có thể bắt kịp các quốc gia khác vì nước này đã sở hữu các công nghệ vận tải siêu tốc nền tảng - điều khiển lực đẩy tốc độ cao, điều khiển ổn định, xây dựng ống áp suất thấp và siêu dẫn nhiệt độ cao - để phát triển và hiện thực hóa tàu đệm từ có khả năng chạy với tốc độ 1.200km/h.
Ông Lee Chang Young, nhà nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu đường sắt Hàn Quốc, dự báo mục tiêu này có thể đạt được trong vòng 10 - 15 năm.
Công nghệ vận tải siêu tốc của Hàn Quốc hiện đang tụt hậu so với những nước đi đầu như Hà Lan, Đức, Nhật Bản và Trung Quốc.
Năm 2004 Trung Quốc đã đưa tàu đệm từ đầu tiên trên thế giới vào hoạt động tại Thượng Hải. Hiện tại tàu có thể đạt tốc độ lên tới 600km/h.
Vào năm 2015, Nhật Bản đã chứng kiến tàu đệm từ của riêng mình đạt tốc độ 603km/h, và hiện đang xây dựng một tuyến đường sắt nối Tokyo và Nagoya, dự kiến đi vào phục vụ thương mại sau năm 2030. Hà Lan đã đưa vào hoạt động khóa thử nghiệm vận tải siêu tốc cho Hardt Hyperloop vào năm 2024.