Hamas ‘phản hồi tích cực’ về thỏa thuận ngừng bắn

Lực lượng Hamas tại Palestine hôm 4/7 cho biết họ “phản hồi tích cực” với đề xuất ngừng bắn tại Gaza và sẵn sàng lập tức bước vào vòng đàm phán mới, theo Guardian.
![]() |
Cuộc xung đột Israel - Hamas đã khiến dải Gaza bị tàn phá. Ảnh: Reuters. |
“Phong trào đã gửi phản hồi tới các nhà trung gian anh em, với tinh thần tích cực. Với sự nghiêm túc, Hamas đã chuẩn bị để có thể lập tức tham gia vòng đàm phán mới về cơ chế thực thi khuôn khổ đó”, phong trào Hamas viết trên trang web chính thức hôm 4/7.
Truyền thông Israel cho biết nước này đã nhận được phản hồi của Hamas và đang nghiên cứu.
Trước đó, một nguồn tin nói với Guardian rằng giới lãnh đạo Hamas đã gần chấp nhận thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza. Họ muốn có cơ chế mạnh mẽ hơn để đảm bảo rằng chiến sự sẽ thực sự kết thúc.
Chia sẻ với kênh truyền hình Israel Channel 12, một quan chức cấp cao cho biết “khả năng cao” Israel và Hamas sẽ khởi động đàm phán qua trung gian trong những ngày tới.
“Nếu hai bên đồng ý đàm phán qua trung gian, thỏa thuận sẽ đạt được”, quan chức này cho biết.
Các nguồn tin cho biết trong khuôn khổ thỏa thuận, Hamas sẽ trao trả 10 con tin Israel và 18 thi thể con tin đã thiệt mạng. Đổi lại, Israel sẽ phóng thích một số tù nhân Palestine đang bị giam giữ.
Hai bên hồi đầu năm đã đạt một thỏa thuận ngừng bắn. Dù vậy, thỏa thuận này đã sụp đổ từ tháng 3. Trong những ngày qua, Israel đang đẩy mạnh công kích dải Gaza, khiến hơn 250 người Palestine thiệt mạng.
Hôm 1/7, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Israel đã chấp nhận thỏa thuận ngừng bắn 60 ngày. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu dự kiến tới Washington ngày 6/7 để trao đổi với ông Trump về tình hình Gaza và các vấn đề khác như xung đột Israel - Iran.
Vấn đề Trung Đông
Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách "Châu Phi - Trung Đông: Những vấn đề chính trị và kinh tế nổi bật". Cuốn sách giới thiệu cuộc cải cách thể chế chính trị và kinh tế ở châu Phi và Trung Đông từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay. Cuốn sách bao trùm nhiều vấn đề về sắc tộc, khả năng giải quyết mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo, chính sách của các nước lớn, dầu mỏ, khí đốt ở hai khu vực này,...