Hai tỉnh Gia Lai, Bình Định lấy ý kiến người dân về việc sáp nhập

Dự kiến sau hợp nhất, tỉnh Gia Lai mới có diện tích lớn thứ 2 cả nước với dân số 3,54 triệu người, trung tâm hành chính - chính trị đặt tại TP Quy Nhơn hiện nay.
Ngày 19-4, UBND 2 tỉnh Gia Lai và Bình Định đều đang triển khai chính quyền các cấp thực hiện công tác lấy ý kiến cử tri về việc nhập hai tỉnh Gia Lai và tỉnh Bình Định.
Theo hướng dẫn UBND tỉnh Gia Lai vừa ban hành, thời gian lấy ý kiến cử tri về việc sắp xếp đơn vị hành chính sẽ diễn ra từ ngày 20 đến 21-4.
Đối tượng lấy ý kiến là cử tri đại diện hộ gia đình có đăng ký thường trú trên địa bàn từ đủ 18 tuổi trở lên.
Hình thức lấy ý kiến theo 1 hoặc kết hợp cả 2 cách thức lấy ý kiến, gồm: Biểu quyết bằng hình thức giơ tay và phát phiếu lấy ý kiến.
Theo tóm tắt nội dung đề án sắp xếp đơn vị hành chính tỉnh Gia Lai với tỉnh Bình Định, Gia Lai là tỉnh miền núi tại vùng bắc Tây Nguyên, độ cao trung bình 700 - 800m, có vị trí chiến lược về chính trị, an ninh quốc phòng.
Tỉnh này đang tập trung xây dựng trở thành tỉnh phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững. Tiên phong về chuyển đổi kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Hình thành các mô hình nông nghiệp sinh thái hiện đại thông minh, nông nghiệp hữu cơ.
Trong khi đó, Bình Định là tỉnh duyên hải miền Trung với đường bờ biển dài, là nơi giao thương kết nối với các vùng Tây Nguyên, Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, là cửa ngõ ra biển của Tây Nguyên, Nam Lào và Đông Bắc Thái Lan.
Tỉnh này đặt mục tiêu trở thành trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ và du lịch của vùng duyên hải Trung Bộ và Tây Nguyên; trung tâm lớn của cả nước về kinh tế biển, trọng điểm du lịch quốc gia, quốc tế…
Sau khi hợp nhất hai tỉnh, dự kiến lấy tên là tỉnh Gia Lai. Diện tích tỉnh Gia Lai mới là 21.576km2 (lớn thứ 2 cả nước). Quy mô dân số đạt 3,54 triệu người, có 135 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc (gồm 110 xã và 25 phường).
Tỉnh Gia Lai sau sắp xếp có trung tâm chính trị - hành chính đặt tại TP Quy Nhơn.
Theo cơ quan chức năng, việc sắp xếp tỉnh Gia Lai và tỉnh Bình Định là cần thiết, phù hợp với thực tiễn và xu thế phát triển. Tạo liên kết vùng, mở rộng không gian phát triển, bảo đảm quốc phòng an ninh và phát huy mọi nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.