Nhảy đến nội dung
 

Hạ tầng khu Nam Hà Nội: ‘Không ồn ào’ nhưng đầy nội lực

Hàng loạt dự án bất động sản đổ bộ phía Tây và phía Đông Hà Nội trong thời gian qua khiến câu chuyện phát triển hạ tầng khu vực này rầm rộ theo sóng truyền thông, bán hàng các dự án.

Trong thế đối sánh, khu vực phía Nam Thủ đô, số lượng dự án ra hàng chưa nhiều nên câu chuyện hạ tầng "không quá ồn ào". Nhưng trong nội tại thị trường, quy hoạch hạ tầng phía Nam vẫn đang chuyển mình mạnh mẽ và bền vững với tiềm năng lớn trong dài hạn.

Mạng lưới giao thông liên vùng phát triển vượt bậc

Khu Nam Hà Nội đã và đang từng bước xây dựng nền móng hạ tầng vững chắc, tạo thế chân kiềng vững chắc, cân bằng "thế trận" đô thị Hà Nội và sẵn sàng bước vào chu kỳ bứt phá mới.

Thực tế chỉ hơn một thập kỷ trở lại đây, hạ tầng khu vực phía Nam đã có những bứt tốc ngoạn mục, với hiệu ứng kết nối và lan tỏa đáng kinh ngạc. Khu Nam khẳng định vị thế chiến lược khi kết nối trực tiếp với khu vực trung tâm và các tỉnh thành lân cận thông qua mạng lưới giao thông huyết mạch. Việc hoàn thiện đường Vành đai 3 - đặc biệt là đoạn trên cao từ Linh Đàm đến Mai Dịch đã mở ra một "mạch máu" mới cho giao thông Thủ đô. Không chỉ rút ngắn thời gian di chuyển giữa các cửa ngõ, tuyến đường này còn giữ vai trò như một trục xuyên tâm, liên kết mạng lưới hạ tầng Đông - Nam - Tây - Bắc Hà Nội, tạo hành lang lưu thông chiến lược cho cả vận tải hàng hóa và hành khách.

Nếu đường vành đai 3 giúp khu Nam kết nối nội đô nhanh chóng thì đường cao tốc Pháp Vân, Cầu Giẽ lại là cửa ngõ của thủ đô giúp kéo gần việc di chuyển tới các tỉnh phía Nam như Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa… Cũng từ điểm mấu chốt cửa ngõ phía Nam, tuyến Giải Phóng - Ngọc Hồi đóng vai trò là trục chính xuyên suốt để người dân có thể thuận lợi đi vào trung tâm thành phố.

Bên cạnh những con đường đã hiện hữu, sắp tới đây, dự án mở rộng đường Vành đai 4 khi hoàn thành sẽ giúp giảm tải áp lực giao thông khu vực. Đặc biệt Vành đai 4 dự kiến sẽ là một trong những tuyến xương sống chính của mạng lưới giao thông Vùng Thủ đô, kết nối toàn bộ 7 tuyến cao tốc khu vực phía Bắc và góp phần thúc đẩy giao thương giữa các khu vực ngoại thành với trung tâm Hà Nội. Đáng chú ý, dự án Đường sắt đô thị số 8 (đoạn Sơn Đồng – Dương Xá) dự kiến sẽ đi qua khu vực Thanh Trì, giúp tăng cường kết nối giữa khu Nam và các quận nội đô.

Không chỉ quy hoạch các tuyến xương sống, hàng loạt tuyến đường đang được đầu tư mở rộng như: dự án xây dựng hầm chui tại nút giao Vành đai 2,5 - Giải Phóng, mở rộng đường Tam Trinh (40m), đường nối với ngõ Yên Duyên, mở rộng ngõ 885 Tam Trinh… được kỳ vọng sẽ mang đến một diện mạo mới cho bản đồ giao thông, đồng thời nâng tầm giá trị bất động sản tại khu vực này.

Tầm nhìn đô thị thời đại

Hạ tầng giao thông đi trước đã mở ra không gian phát triển mới cho khu Nam. Hệ thống hạ tầng tiện ích xã hội được đầu tư mạnh mẽ. Đây là khu vực tập trung nhiều công trình trọng điểm về y tế, giáo dục, trung tâm thương mại…

Các bệnh viện chủ lực cũng định hình một hành lang y tế trọng yếu, thúc đẩy nhu cầu an cư, đồng thời tạo ra động lực phát triển các dịch vụ phụ trợ.

Hệ thống giáo dục của khu Nam cũng là điểm sáng hình thành mạng lưới đào tạo hiện đại, chất lượng cao của cả nước.

Về các tiện ích vui chơi giải trí, công viên Yên Sở là "lá phổi xanh", tạo không gian sống cân bằng của khu vực và trở thành điểm đến nổi tiếng của người dân phía Nam nói riêng và thủ đô nói chung.

Sức bật của khu Nam không dừng lại đó. Lực đẩy cho nền kinh tế khu vực còn đến từ quy hoạch chung. Đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 đã định hướng xây dựng Cảng hàng không thứ 2 của Thủ đô thuộc khu vực phía Nam. Cảng hàng không thứ 2 sẽ là cú hích tiềm lực kinh tế khu vực, tạo động lực và nền tảng thúc đẩy những ngành phụ thuộc như du lịch, logistics, xuất nhập khẩu hay các nhóm ngành dịch vụ… tiến xa hơn. Đồng thời, Hà Nội đề xuất quy hoạch thành phố phía Nam sau khi xây dựng xong cảng hàng không này. Việc hình thành khu đô thị phía Nam nhằm xây dựng trung tâm đầu mối dịch vụ vận tải tổng hợp về đường không, đường sắt (đường sắt quốc gia, đường sắt cao tốc Bắc Nam, đường sắt đô thị), đường thủy (sông Hồng) và đường cao tốc (Pháp Vân - Cầu Giẽ, quốc lộ 5B - Tây Bắc).

Sự phát triển đồng bộ của hạ tầng giao thông, tiện ích xã hội và quy hoạch đô thị đang tạo đường băng để bất động sản khu Nam cất cánh. Giá trị nhà đất khu Nam vốn duy trì mức tăng trưởng ổn định, đà bứt phá rõ rệt hơn ở những khu vực có hạ tầng giao thông hoàn thiện. Đơn cử các tuyến đường Nguyễn Xiển, Pháp Vân, hay khu vực Thanh Trì đã và đang chứng kiến sự tăng giá ấn tượng, nhờ khả năng kết nối thuận lợi và hưởng lợi từ hệ sinh thái tiện ích ngày càng hoàn chỉnh.

Chính sự tăng trưởng ổn định của thị trường đã tạo tâm lý "an tâm" cho cả người mua ở thực và giới đầu tư khi xuống tiền với khu vực này. Chuyên gia nhận định: "Giá trị bất động sản luôn gắn liền với vị trí, tiện ích và hạ tầng, cả hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Nhìn vào các tiêu chí trên thì thấy khu vực phía Nam Hà Nội có nhiều lợi thế lớn, cả hiện hữu và tiềm năng". Khi mặt bằng giá không bị "nhảy múa", ổn định trong tăng trưởng và sở hữu các động lực động lực lớn sẽ thúc đẩy sức bật về giá trong tương lai.