Hà Nội triển khai hàng loạt 'bệnh viện không giấy tờ'

Bao phủ bệnh án điện tử tại các cơ sở khám, chữa bệnh; bệnh viện không giấy tờ đang được Hà Nội triển khai, hướng đến hệ thống y tế thông minh.
Giảm đến 90% giấy tờ mang theo
8 giờ sáng, sau khoảng 5 phút làm thủ tục tại khu vực tiếp đón của Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn, bà N. (70 tuổi, ở Hoài Đức) đến chờ tại phòng khám chuyên khoa theo hướng dẫn.
Theo chị Phương, con gái bà N., với tình trạng bệnh mạn tính về hô hấp, tăng huyết áp và đôi khi có những cơn đau đầu, đợt đau khớp khi chuyển mùa, nếu hồ sơ khám lưu trên giấy, cùng các kết quả siêu âm, chụp chiếu in phim như trước đây, thì chỉ sau vài lần khám, hồ sơ mang theo của mẹ chị chắc cũng đến 2 kg.
"Sau khi Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn có bệnh án điện tử, mỗi lần mẹ tôi tái khám, người nhà không phải khuân theo các phim chụp chiếu, kết quả xét nghiệm, vì các thông tin đã được lưu giữ trên máy tính, cùng mã số khám bệnh", chị Phương nói, và cho biết, các lần tái khám, mẹ chị chỉ mang theo căn cước công dân, giấy hẹn khám và sổ y bạ.
Các thông tin về quá trình khám trước đó đều đã lưu giữ trên máy tính, bao gồm các chỉ định thuốc nên rất thuận tiện, an toàn cho bệnh nhân.
Chính thức khai trương tháng 10.2024, việc triển khai đồng bộ công nghệ thông tin, bao gồm bệnh án điện tử ngay từ khi đi vào hoạt động giúp cho việc quản trị và điều hành công tác chuyên môn của Bệnh viện Nhi Hà Nội thuận lợi.
"Dù đi họp xa, nhưng chỉ với điện thoại trên tay, ban lãnh đạo đều nắm bắt được hoạt động chung của bệnh viện: số bệnh nhân vào, ra; các khoản thu chi trong ngày, các mặt bệnh tăng giảm, căn cứ trên thực tế bệnh nhân khám, nhập viện cụ thể mỗi ngày, qua đó chúng tôi đánh giá được xu hướng bệnh tật để có kế hoạch cung ứng thuốc, vật tư, bố trí nhân lực.
Với bệnh nhi, các thuốc, vật tư y tế rất đặc thù và có những yêu cầu riêng phù hợp với bệnh tật, nhóm tuổi, do đó, đảm bảo thuốc, vật tư cho công tác chuyên môn rất quan trọng", TS-BS Ngô Quang Hùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi Hà Nội, chia sẻ.
Là bệnh viện hạng 2 thuộc Sở Y tế Hà Nội, Bệnh viện đa khoa Hoài Đức triển khai hiệu quả hệ thống phần mềm chuyên môn; đầu tư, nâng cấp hạ tầng, hệ thống phần cứng nhằm đảm bảo kết nối nhanh chóng, hoạt động thông suốt, bảo mật và an toàn dữ liệu; từng bước đưa vào áp dụng việc thanh toán điện tử, chữ ký số, lưu trữ và truyền tải hình ảnh thay thế cho in phim, lưu trữ thông tin xét nghiệm thay thế cho việc in giấy.
Bệnh viện cũng trang bị các ki ốt lấy số thứ tự tự động, tra cứu thông tin (giá khám chữa bệnh, tin tức bệnh viện...) phục vụ người dân khi đến khám, chữa bệnh. Người bệnh có thể tự đặt lịch khám tại nhà, đăng ký khám online, thanh toán không dùng tiền mặt...
Theo đánh giá của chuyên gia, triển khai bệnh án điện tử, bệnh viện không giấy tờ không chỉ thông suốt trong quản trị, an toàn, minh bạch hơn cho người bệnh, mà còn tiết giảm rất nhiều chi phí.
Chỉ riêng tiết kiệm tiền in phim các kết quả chẩn đoán hình ảnh, số tiền tiết kiệm lên đến cả trăm tỉ đồng mỗi năm. Cùng đó, tiết kiệm nhiều tỉ đồng tiền mua giấy, văn phòng phẩm mỗi năm do giảm bớt các hồ sơ giấy và tiến tới bệnh viện không giấy tờ.
Đồng bộ nhân lực và hạ tầng
Theo kế hoạch chuyển đổi số, xây dựng hệ thống y tế thông minh của ngành y tế Hà Nội, các đơn vị phải tập trung phát triển nền tảng, hệ thống, dữ liệu số ngành y tế Hà Nội, triển khai hiệu quả các nền tảng y tế của quốc gia như quản lý xét nghiệm, quản lý tiêm chủng, giám sát dịch bệnh để quản lý bệnh truyền nhiễm và bệnh không lây nhiễm, hỗ trợ tư vấn sức khỏe trực tuyến, kết nối người dân với bác sĩ tư vấn, kết nối các chuyên gia trong lĩnh vực y tế, an toàn thực phẩm và quản lý môi trường y tế...
Các bệnh viện cần áp dụng bệnh án điện tử và triển khai mô hình bệnh viện thông minh, bao gồm ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hoạt động của bệnh viện; quản lý chất lượng y tế; quản lý nguồn nhân lực y tế; quản lý thiết bị y tế; quản lý tài chính; quản lý an toàn thông tin...
Theo TS Nguyễn Đình Hưng, Phó giám đốc phụ trách điều hành Sở Y tế Hà Nội, hằng năm hệ thống y tế thủ đô khám chữa bệnh cho gần 10 triệu lượt, phẫu thuật cho gần 300.000 bệnh nhân cứu sống nhiều ca bệnh hiểm nghèo.
Về chuyên môn, một số bệnh viện đầu ngành của Hà Nội hiện là bệnh viện tuyến cuối của Bộ Y tế. Trong đó, Bệnh viện Tim Hà Nội là tuyến cuối về chuyên môn kỹ thuật Bộ Y tế, thực hiện các kỹ thuật chuyên sâu đặc biệt khó trong chuyên ngành tim mạch, như phẫu thuật nội soi sửa dị tật tim bẩm sinh.
Với chuyên ngành ung thư, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội là bệnh viện tuyến cuối Bộ Y tế, hiện đứng thứ 2 toàn quốc về thử nghiệm lâm sàng đa quốc gia trong điều trị ung thư, nhờ đó người bệnh thêm cơ hội tiếp cận sớm những kỹ thuật tiên tiến nhất trên thế giới.
Tại Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn, Trung tâm kỹ thuật cao và tiêu hóa Hà Nội, với trang thiết bị hiện đại, đội ngũ cán bộ trình độ cao, trong đó kỹ thuật phẫu thuật nội soi một lỗ mổ nang ống mật chủ đã đưa bệnh viện vươn tầm thế giới.
Khẳng định rất nhiều kỹ thuật cao đã được các bệnh viện tại Hà Nội thực hiện thành công, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Đình Hưng nói: "Các bệnh viện của Hà Nội cần tăng cường kết nối với bệnh viện đầu ngành tuyến T.Ư, các bệnh viện trên thế giới. Qua đó sẽ biết đang vị trí nào trên bản đồ khám chữa bệnh".
Nhìn nhận về chặng đường tiến tới y tế thông minh của Hà Nội, PGS-TS Trần Quý Tường, Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam, nguyên Phó cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), cho rằng các bệnh viện công ở Hà Nội đang có nhiều thay đổi và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, hướng đến bệnh viện không giấy tờ.
Tuy nhiên, để có hệ thống y tế thông minh thì cần đồng bộ các tiêu chí: khám, chữa bệnh thông minh, phòng bệnh thông minh, quản trị y tế thông minh.
Trong đó, khám, chữa bệnh thông minh yêu cầu các bệnh viện phải đạt mức 6 trở lên, theo tiêu chuẩn của tiêu chí ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh do Bộ Y tế ban hành.
Các bệnh viện sử dụng bệnh án điện tử, không sử dụng bệnh án giấy; đồng thời thực hiện thanh toán điện tử; y tế từ xa; sử dụng AI trong khám chữa bệnh.
Hiện chưa đến 50% các bệnh viện công của Hà Nội đã thực hiện bệnh án điện tử - một trong các tiêu chí của bệnh viện thông minh.