Hà Nội khởi công xây dựng cầu Tứ Liên

Điểm đầu dự án nối với đường Nghi Tàm, quận Tây Hồ; điểm cuối nối với đường Trường Sa, huyện Đông Anh. Trong đó cầu chính Tứ Liên dây văng rộng 43 m (kết cấu dầm thép nhịp chính 500 m, trụ tháp cao 185 m); đường dẫn đầu cầu phía Nghi Tàm rộng 48 m, phía Đông Anh rộng 60 m; nút giao với đường Nghi Tàm và nút giao với đường Trường Sa, hầm chui và công trình hạ tầng kỹ thuật.
Dự án chia thành bốn thành phần, gồm ba dự án thành phần giải phóng mặt bằng và một dự án đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên và đường dẫn. Chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội.
Phát biểu tại lễ khởi công, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng Hà Nội có hai vấn đề lớn cần quan tâm giải quyết là hạ tầng giao thông và ô nhiễm môi trường. Việc xây dựng cầu Tứ Liên sẽ góp phần giải quyết vấn đề giao thông của Hà Nội, kết nối giữa các khu vực của thành phố, kết nối vùng, kết nối quốc tế qua hai sân bay Nội Bài và Gia Bình.
Việc xây dựng cầu Tứ Liên cũng góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Hà Nội từ 8% trong năm nay như mục tiêu đã đề ra, tạo không gian phát triển mới, gia tăng giá trị đất đai, phát triển kinh tế, nhất là dịch vụ, du lịch, văn hóa, giải trí tại khu vực phía bắc sông Hồng.
Thủ tướng đề nghị Ban Quản lý dự án phát huy trách nhiệm cao nhất, các nhà thầu nỗ lực rút ngắn thời gian thi công dự án xuống còn 24 tháng, nâng cao chất lượng, không đội vốn, bảo đảm kỹ thuật, mỹ thuật, an toàn, vệ sinh môi trường, không để tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, trên cơ sở ứng dụng các công nghệ, máy móc tiên tiến, hiện đại nhất.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết theo Quy hoạch phát triển giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, cầu Tứ Liên là một trong 18 công trình cầu đường bộ vượt qua sông Hồng, có vai trò quan trọng trong kết nối giao thông, phát triển đô thị hai bên sông.
Công trình cầu Tứ Liên với thiết kế kiến trúc cầu dây văng hai mặt phẳng dây, chiều dài nhịp chính và chiều cao trụ tháp lớn, sơ đồ dây đan chéo trên một mặt phẳng sẽ tạo điểm nhấn kiến trúc và sau khi hoàn thành vào năm 2027 sẽ là một trong những công trình cầu biểu tượng của TP Hà Nội.
Đây là công trình cầu vượt sông Hồng đầu tiên khởi công trong năm 2025. Hà Nội đang tiếp tục chỉ đạo các chủ đầu tư hoàn thiện hồ sơ và khởi công 6 công trình cầu lớn trong năm nay, như: cầu Hồng Hà, cầu Mễ Sở (vành đai 4); cầu Thượng Cát, Ngọc Hồi (vành đai 3,5); cầu Trần Hưng Đạo và cầu Vân Phúc, ông Thanh cho biết.
Hiện Hà Nội có 9 cầu bắc qua sông Hồng (Thăng Long, Chương Dương, Vĩnh Tuy, Thanh Trì, Nhật Tân, Vĩnh Thịnh, Long Biên, Văn Lang, Trung Hà). Theo quy hoạch đến 2030, tầm nhìn 2050, Hà Nội sẽ có thêm 9 cầu qua sông, đó là các cầu Tứ Liên, Trần Hưng Đạo, Vân Phúc, Hồng Hà, Mễ Sở (vành đai 4), Thăng Long mới (vành đai 3), Thượng Cát, Ngọc Hồi (vành đai 3,5), Phú Xuyên.
Võ Hải