Hạ lương giáo viên hợp đồng ở Bình Thuận với những lý do gây tranh cãi

Theo báo cáo của Sở GD-ĐT Bình Thuận, có 110 giáo viên và 59 nhân viên hợp đồng tại 4 địa phương bị hạ lương xuống bậc 1, nhưng mỗi nơi đưa ra một lý do khác nhau.
Theo báo cáo của Sở GD-ĐT Bình Thuận, tại 4 địa phương gồm TP.Phan Thiết và các huyện Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Tánh Linh có tổng cộng 110 giáo viên và 59 nhân viên hợp đồng bị điều chỉnh lương từ bậc hiện hưởng (có người ở bậc 4, 5) quay về bậc 1 với hệ số 2,34. Tuy nhiên, điều đáng nói là nguyên nhân hạ lương lại được mỗi nơi giải thích khác nhau, chưa thống nhất và thiếu căn cứ rõ ràng.
Trách nhiệm chưa rõ ràng
Tại huyện Hàm Thuận Bắc, có 5 giáo viên bị điều chỉnh từ bậc 2 về bậc 1. Địa phương viện dẫn Nghị định 204/CP và kết luận kiểm toán nhà nước năm 2024 làm cơ sở chi trả lương. Trong khi đó, huyện Tánh Linh ghi nhận đến 48 trường hợp bị hạ bậc, thậm chí có người đã lên bậc 5/9 vẫn bị điều chỉnh về bậc 1. Sau khi có khiếu nại, UBND huyện chỉ đạo rà soát nhưng các phòng chuyên môn vẫn không thống nhất được cách tính. Địa phương này đã phải gửi văn bản đề nghị Sở Tài chính hướng dẫn.
Riêng huyện Hàm Thuận Nam, có tới 32/49 trường điều chỉnh lương giáo viên, nhân viên hợp đồng về bậc 1 với lý do "dự toán lương năm 2025 không đủ chi". Sau khi phát hiện sự việc, Chủ tịch UBND huyện đã yêu cầu các trường khẩn trương chi trả đúng mức lương hiện hưởng và rút kinh nghiệm vì làm sai tinh thần chỉ đạo của huyện.
Không chủ trương, nhưng vẫn có trường tự ý hạ lương
Dù UBND TP.Phan Thiết khẳng định không có chủ trương hạ lương, song vẫn có 7/64 trường thực hiện việc này. UBND thành phố cho rằng đây là hành vi tùy tiện, thiếu báo cáo kịp thời, ảnh hưởng đến chính sách an sinh xã hội và uy tín của chính quyền.
Chủ tịch UBND thành phố đã nghiêm khắc phê bình các hiệu trưởng liên quan và yêu cầu báo cáo rõ vướng mắc về kinh phí để xem xét cấp bổ sung. "Chúng tôi không tùy tiện hạ lương giáo viên", đại diện nhiều trường lên tiếng, cho biết việc này xuất phát từ dự toán phân bổ không đủ để chi trả theo hệ số cũ.
Trường lo hụt quỹ, chọn "tạm ứng" bậc 1
Hiệu trưởng Trường THCS Trưng Vương (TP.Phan Thiết) cho biết trường ông có 6 trường hợp bị ảnh hưởng. Dự toán của UBND TP chỉ cho phép tính lương theo hệ số 2,34, nếu chi đúng hệ số cũ thì trường sẽ hụt khoảng 62,5 triệu đồng trong năm 2025.
Nhiều hiệu trưởng cho biết sau khi nhận dự toán, họ đã họp với tổ chức Công đoàn và người lao động để thống nhất tạm chi theo bậc 1. Việc chi trả này được lý giải là phù hợp với Nghị định 111/2022/NĐ-CP và sẽ được truy lĩnh khi có kinh phí bổ sung.
Một số trường cũng lo ngại nếu chi vượt dự toán, sau này bị kiểm tra xuất toán sẽ bị xử phạt. Trong khi đó, việc chi theo bậc 1 vẫn có thể được truy lĩnh nếu được ngân sách bổ sung sau.
"Chúng tôi không tùy tiện hạ lương giáo viên"
Ngày 23.5, làm việc với PV Thanh Niên, có 4/7 hiệu trưởng của TP.Phan Thiết đều khẳng định "chúng tôi không tùy tiện hạ lương giáo viên". Các hiệu trưởng cho rằng "không phải tự nhiên chúng tôi đi hạ lương giáo viên của đồng nghiệp".
Vậy dựa trên cơ sở nào để hạ lương giáo viên hợp đồng xuống bậc 1? Ông P.T.H, Hiệu trưởng Trường THCS Trưng Vương (P.Phan Thiết), giải thích việc thực hiện chi trả lương cho giáo viên hợp đồng đang thực hiện theo Nghị định 111/CP của Chính phủ.
"Trường tôi có 4 giáo viên lương bậc 3, một giáo viên bậc 2 và 1 nhân viên văn thư hệ số lương 2,06. Từ tháng 9.2024 đến 12.2024, nhà trường trả lương đúng theo hệ số lương".
Giải thích thêm việc hạ lương giáo viên hợp đồng xuống bậc 1, hiệu trưởng này cho rằng do phân bổ kinh phí của UBND TP.Phan Thiết (tại quyết định số 7696/QĐ-UBND ngày 31.12.2024) nêu "dự toán chi tiền công cho các biên chế chưa tuyển ( tức 7 giáo viên hợp đồng- PV) được tính theo hệ số 2,34/biên chế trên mức lương cơ sở; nếu tiếp tục chi lương cho các giáo viên hợp đồng theo hệ số lương đang hưởng thì hết năm 2025 nhà trường sẽ hụt quỹ lương khoảng 62,5 triệu đồng", ông P.T.H nêu lý do.
Hiện các địa phương vẫn đang chờ hướng dẫn cụ thể từ cấp trên. Trong khi đó, hàng trăm giáo viên và nhân viên hợp đồng vẫn chưa rõ liệu mức lương hiện tại có được khôi phục hay không, khiến tình trạng bức xúc ngày càng gia tăng.