Nhảy đến nội dung

Gù vẹo cột sống biến chứng nặng nếu không can thiệp sớm

Nếu không chữa trị kịp thời, đặc biệt với bệnh gù vẹo cột sống khởi phát sớm (trước 10 tuổi), về lâu dài sẽ gây biến dạng nặng cột sống và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của các cơ quan nội tạng khác như phổi, gây ra thiểu sản lồng ngực, phế nang, suy hô hấp, đe dọa đến sức khỏe, tính mạng. Gù vẹo nặng cũng ảnh hưởng đến tim mạch, ổ bụng, chèn ép các cơ quan nội tạng khác. Nhẹ hơn, bệnh ảnh hưởng thẩm mỹ, khiến người bệnh tự ti, tác động đến phát triển tâm sinh lý.

Như bé gái 13 tuổi ở Hà Nội, được phát hiện vẹo cột sống từ 5 tuổi. Mỗi lần đi lại, chạy nhảy, con hay bị ngã, hai chân lệch nhau, vai không cân bằng. Cha mẹ đưa con đi khám song tuổi nhỏ nên bác sĩ yêu cầu theo dõi, chưa can thiệp. Trong 3 năm đại dịch Covid-19 không đi khám, tình trạng cong vẹo của trẻ tiến triển rất nhanh, mỗi năm thêm hơn 10 độ.

Lần này, khám tại Bệnh viện Việt Đức, kết quả đo đường cong ngực, độ xoay cột sống, hình ảnh chụp phim cho thấy trẻ bị vẹo cột sống tới gần 85 độ. Căn bệnh khiến cột sống của bé biến dạng, dính đốt sống do nguyên nhân bẩm sinh; vai trái thấp hơn hẳn vai phải; bướu sườn, lưng nhìn rõ khi cúi xuống trước; đốt sống xoay 30 độ.

"Đáng tiếc là bệnh nhi đã qua giai đoạn vàng can thiệp. Nếu bệnh được phát hiện trước khi dậy thì, góc vẹo chưa nhiều (dưới 60 độ), có thể áp dụng nhiều biện pháp can thiệp như chỉnh hình, nẹp tăng trưởng kiểm soát đường cong khống chế độ nặng của cong vẹo", bác sĩ Sơn nói.

Nay, không chỉ có góc vẹo cứng, cột sống biến dạng, bé còn có nhiều bệnh liên quan như thông liên nhĩ, phổi phải xẹp ảnh hưởng chức năng hô hấp, rối loạn thông khí nặng. Để phẫu thuật cho trẻ, các bác sĩ cần đánh giá, hội chẩn rất kỹ bởi là ca đại phẫu phức tạp, khó khăn.

Thực tế, không phải trường hợp cong vẹo cột sống nào cũng phải mổ. Các bác sĩ sẽ căn cứ vào nhiều yếu tố như tuổi, mức độ cong vẹo, nguyên nhân để có chỉ định phù hợp như mặc áo nẹp chỉnh hình, tập luyện, bó bột hay phẫu thuật... Vì vậy, phát hiện gù vẹo sớm, điều trị kịp thời có ý nghĩa quan trọng, góp phần ngăn chặn và giảm thiểu những biến chứng trầm trọng.

Phát hiện sớm dấu hiệu trẻ cong vẹo cột sống không quá khó, nhất là khi trẻ biết ngồi, đi. Người lớn chỉ cần quan sát hai vai trẻ xem cân bằng hay không. Quan sát thân người có thẳng trục hay không, có dáng chữ S, chữ C; hai bên hông, hai tay, hai chân (khi bước đi) có bị lệch không.

Phương pháp Adam được áp dụng để sàng lọc trường hợp bị cong vẹo cột sống học đường. Cụ thể, trẻ đứng thẳng, cúi từ từ về phía trước, hai tay đặt đầu gối. Bình thường hai vai sẽ cân xứng, nếu bị vẹo cột sống thì một bên vai sẽ nhô cao hơn, bên đối diện thấp xuống, xuất hiện bướu gồ vùng lưng.

Theo bác sĩ Sơn, dấu hiệu nhận biết khá rõ, nhưng nhiều trẻ được phát hiện bệnh muộn, có biến chứng. Nhằm giúp người dân biết cách phát hiện sớm và điều trị bệnh lý gù vẹo cột sống, bác sĩ Bệnh viện Việt Đức sẽ khám miễn phí vào ngày 10-11/5, đăng ký khám qua tổng đài 19001902.

Lê Nga