Nhảy đến nội dung

Gỡ rào cản đầu tư cho doanh nghiệp

Hôm qua 17-5, Quốc hội thông qua nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân; đồng thời thảo luận tại tổ dự án 1 luật sửa 7 luật quan trọng hướng đến cắt giảm thủ tục, tháo gỡ rào cản đầu tư cho doanh nghiệp.

Bảy luật quan trọng được sửa cùng lúc gồm Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), Luật Hải quan, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu. 

Hầu hết đại biểu Quốc hội kỳ vọng sửa đổi này khi có nghị quyết phát triển kinh tế tư nhân của Quốc hội sẽ đi vào thực chất tháo gỡ các vướng mắc, điểm nghẽn nhằm thúc đẩy đầu tư kinh doanh, khơi thông dòng vốn và tạo các động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng 8% năm nay và hai con số những năm tới.

Tội "ông đấu thầu" nặng lắm!?

Trong đó, nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của hai luật Đấu thầu và Đầu tư rất được chú ý. Bởi lâu nay nhiều chuyên gia, kể cả đại biểu tại nhiều kỳ họp, nhìn nhận là "rừng" thủ tục, quy định này cản trở việc phát triển dự án, cũng như làm nản lòng nhiều doanh nghiệp mong muốn đầu tư. 

Tổng Bí thư Tô Lâm thảo luận tổ về dự luật cũng nêu thẳng đủ thứ tội của "ông đấu thầu" (quy định về đấu thầu - NV). Theo Tổng Bí thư: "Với đấu thầu, riêng quy trình không đã hết cả năm. Mấy tháng chọn thầu, mấy tháng mở thầu, mấy tháng chấm thầu. Như vậy làm gì còn thời gian thực thi trong khi tiền ngân sách cho trong năm, không được để tiền năm nay tiêu cho sang năm. Tôi thấy như vậy thật khó".

Tổng Bí thư cũng thẳng thắn: "Đầu tư công quý 1 thấp nhất do vướng các thủ tục. Do đó, muốn sửa Luật Đấu thầu phải tổng kết lại xem "ông đấu thầu" (này) có những tội gì. Tội nặng lắm. Tội chậm tiến độ phát triển, chậm công trình, chất lượng kém, tội hư hỏng, mất cán bộ và không tiết kiệm. Mục tiêu của đấu thầu để hiệu quả, đẩy nhanh tiến độ và có những công trình tốt, nhưng không làm được".

"Vậy phải làm sao để chữa được bệnh này?", câu hỏi Tổng Bí thư đặt ra. Trong dự luật sửa đổi lần này, về Luật Đấu thầu đáng chú ý là những sửa đổi, bổ sung quy định về chỉ định thầu. Theo đó, việc chỉ định thầu được áp dụng trong nhiều trường hợp hơn. 

Trong đó, mở rộng ra các gói thầu thuộc dự án, dự toán mua sắm đáp ứng một trong các yêu cầu cấp bách, khẩn cấp, cần triển khai ngay nhằm bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia, ngăn chặn hoặc xử lý hậu quả do sự kiện bất khả kháng, bảo vệ tài sản, sức khỏe, tính mạng của người dân. 

Các dự án đầu tư công đặc biệt; dự án quan trọng quốc gia được cho phép áp dụng tại nghị quyết của Quốc hội khi quyết định chủ trương đầu tư dự án... cũng được áp dụng hình thức này.

Dự thảo điều chỉnh nhiều quy định của Luật Đấu thầu hiện hành nhằm tăng quyền tự chủ cho các tổ chức, cá nhân trong lựa chọn nhà thầu đối với các dự án khoa học, công nghệ. Đồng thời, mở rộng trường hợp được áp dụng chỉ định thầu, đặc biệt với các dự án cấp bách, có yêu cầu đặc thù về công nghệ hoặc mang lại lợi ích quốc gia. 

Các doanh nghiệp nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập (không sử dụng ngân sách nhà nước) sẽ được tự quyết định lựa chọn nhà thầu theo nguyên tắc công khai, minh bạch, hiệu quả và trách nhiệm giải trình.

Trong khi đó, dự thảo sửa Luật Đầu tư trình lần này, Chính phủ đã đề nghị sửa đổi quy định về trình tự, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án thuộc thẩm quyền của Thủ tướng và của UBND cấp tỉnh; thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư. 

Theo đó, Chính phủ quy định chi tiết hồ sơ, trình tự, thủ tục thực hiện thẩm định đối với dự án đầu tư do Thủ tướng và UBND cấp tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, cũng như cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Nhiều đại biểu kỳ vọng các thủ tục, quy trình quy định cụ thể sau khi luật thông qua sẽ được cắt giảm, tinh gọn, thông thoáng và hấp dẫn đầu tư. Việc sửa đổi luật này cũng bổ sung danh mục ngành nghề ưu đãi đầu tư đối với đầu tư xây dựng hạ tầng trung tâm dữ liệu lớn, hạ tầng điện toán đám mây, hạ tầng di động từ 5G trở lên và hạ tầng số khác trong lĩnh vực công nghệ chiến lược theo quyết định của Thủ tướng. 

Khu công nghệ số tập trung vào địa bàn ưu đãi đầu tư và bổ sung quy định về ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt với các dự án đầu tư trong các lĩnh vực ưu đãi đầu tư về công nghệ chiến lược.

Rà soát, loại bỏ những điều kiện kinh doanh không cần thiết

Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân vừa được Quốc hội thông qua dù chưa có những điều khoản mạnh mẽ cắt bỏ một số thủ tục như chấp thuận chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư... nhưng nhiều đại biểu nhìn nhận nếu làm tốt các chính sách, doanh nghiệp sẽ "dễ thở" hơn. 

12 nguyên tắc hoạt động thanh tra, kiểm tra, cấp phép, chứng nhận, cạnh tranh và tiếp cận nguồn lực đối với doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nếu được cụ thể, hiện thực hóa sẽ cải thiện môi trường kinh doanh (đúng như tên gọi của chương này trong nghị quyết).

Đáng chú ý, dù chưa trực tiếp bãi bỏ thủ tục nào nhưng trong nghị quyết, Quốc hội đã giao Chính phủ chậm nhất ngày 31-12-2025 hoàn thành việc rà soát, loại bỏ những điều kiện kinh doanh không cần thiết, quy định chồng chéo, không phù hợp, cản trở sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân. 

Thực hiện giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính, ít nhất 30% chi phí tuân thủ pháp luật, ít nhất 30% điều kiện kinh doanh và tiếp tục cắt giảm mạnh trong những năm tiếp theo.

Cùng với đó, phân công, phân cấp, phân nhiệm rõ ràng giữa các cấp, các ngành của từng cơ quan, đơn vị, xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu trong giải quyết thủ tục hành chính. Thiết lập cơ chế đánh giá, phản hồi về rào cản, vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Khắc phục tình trạng thiếu nhất quán trong thực thi chính sách giữa trung ương và địa phương, giữa các bộ, ngành và giữa các địa phương với nhau. 

"Người đứng đầu cơ quan, đơn vị và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tham gia xây dựng, ban hành và triển khai các cơ chế, chính sách quy định tại nghị quyết này được xem xét loại trừ, miễn trách nhiệm đối với trường hợp đã thực hiện đầy đủ các quy trình, quy định liên quan, không tư lợi trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nhưng có thiệt hại do rủi ro khách quan", nghị quyết nêu để khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm, phục vụ tốt cho doanh nghiệp.

Một điểm đáng chú ý, nghị quyết cũng đưa ra nguyên tắc xử lý vi phạm và giải quyết vụ việc trong hoạt động kinh doanh. Điều này phần nào giải tỏa những lo lắng, hoang mang cho doanh nghiệp lâu nay tham gia đầu tư. 

Nghị quyết nêu rõ nguyên tắc xử lý vi phạm kinh doanh, ưu tiên biện pháp dân sự, kinh tế, hành chính; doanh nghiệp được tự khắc phục; chỉ xử lý hình sự khi cần thiết, ưu tiên khắc phục hậu quả kinh tế, không áp dụng hồi tố bất lợi cho doanh nghiệp. 

Đồng thời, hỗ trợ nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, đào tạo 10.000 giám đốc điều hành đến năm 2030 và cung cấp miễn phí dịch vụ tư vấn pháp lý, đào tạo cho doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ.

 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn