Giao thông xanh - cơ hội và thách thức - Kỳ 2: Trung Quốc và Ấn Độ trợ cấp xe điện thế nào?

Ấn Độ và Trung Quốc là hai quốc gia đông dân nhất nhì thế giới, nhu cầu tiềm năng về xe điện rất cao. Hai nước đã triển khai chiến lược dài hạn đối với xe điện từ hàng chục năm trước.
Trung Quốc: trợ cấp toàn diện hệ sinh thái công nghiệp
Tổ chức Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) ghi nhận năm 2024 đã có hơn 17 triệu xe ô tô điện bán ra trên thế giới, trong đó Trung Quốc chiếm 2/3 với hơn 11 triệu chiếc. Tại Trung Quốc, gần 50% xe bán ra trong nước năm 2024 là ô tô điện.
Trang Rouleur Électrique (Pháp) nhận xét quá trình chuyển đổi ngoạn mục này không phải ngẫu nhiên mà là kết quả từ chiến lược bài bản của chính phủ, vốn đầu tư khổng lồ và cách tiếp cận thực dụng chú trọng khả năng chi trả hơn hình ảnh thương hiệu.
Chính phủ Trung Quốc đã đưa xe điện vào kế hoạch năm năm từ năm 2001 nhưng thật ra đến những năm 2010 mới triển khai trợ cấp ồ ạt. Cách tiếp cận của họ là hình thành hệ sinh thái công nghiệp được trợ cấp toàn diện. Theo Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), Trung Quốc đã đầu tư 230,9 tỉ USD từ năm 2009-2023 phát triển xe ô tô điện.
Tiền trợ cấp tác động đến toàn bộ chuỗi giá trị gồm nhà sản xuất, nhà cung cấp pin, nhà điều hành trạm sạc pin và người dùng cuối. Từ chiến lược này đã xuất hiện nhiều tên tuổi như Công ty công nghệ Contemporary Amperex Technology (CATL) ra đời năm 2011 chuyên sản xuất pin lithium-ion cho xe điện và đang sản xuất 1/3 pin xe điện thế giới.
Người dùng được hưởng lợi ích tài chính đáng kể bao gồm trợ cấp trực tiếp khi mua và đổi xe xăng dầu, miễn phí đăng ký biển số, miễn thuế... Đến năm 2022, người mua ô tô điện có thể được hoàn trả lên tới 60.000 nhân dân tệ (8.300 USD).
Năm 2023, chính phủ công bố gói ưu đãi kéo dài bốn năm gia hạn các khoản miễn giảm thuế cho người mua xe ô tô điện với gói trị giá 520 tỉ nhân dân tệ (hơn 72 tỉ USD). Xe điện tiếp tục được miễn thuế mua hàng vào năm 2024 và năm 2025, giảm 50% vào năm 2026 và năm 2027.
Tạp chí MIT Technology Review (Mỹ) ghi nhận Chính phủ Trung Quốc đã trợ cấp trực tiếp cho các nhà sản xuất xe điện hoặc pin xe điện trong nước, ví dụ BYD Auto (nhà sản xuất xe điện lớn nhất Trung Quốc) đã nhận được 1,78 tỉ nhân dân tệ. Trung Quốc còn chú trọng đổi mới công nghệ xe ô tô điện.
Các nhà sản xuất như XPeng cung cấp dòng xe trang bị công nghệ tiên tiến với mức giá rất cạnh tranh. Mẫu xe Mona Max giá 20.000 USD có tính năng lái tự động, kích hoạt bằng giọng nói, ghế ngồi chuyển thành giường và dịch vụ phát trực tuyến. Đây là những tính năng mà giới trẻ Trung Quốc rất thích khi mua xe lần đầu.
Ngoài ra, chính phủ còn ưu tiên hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng cần thiết cho xe điện. Cơ sở hạ tầng sạc pin ở Trung Quốc là mạng lưới công cộng lớn nhất thế giới. Một số nhà sản xuất như Nio đã phát triển các trạm đổi pin tự động đổi pin chưa đầy ba phút với chi phí thấp hơn đổ một bình xăng đầy.
Điện lực nhà nước là nhà cung cấp đáng kể các trạm sạc và hợp tác với các cơ quan chức năng để giúp người lái xe sạc xe dễ dàng hơn. Ví dụ tại Lai Vu, thành phố Tế Nam tỉnh Sơn Đông, Công ty Điện lực Lai Vu đầu tư hàng trăm trạm sạc, trụ sạc và hỗ trợ chủ xe ô tô đăng ký lắp đặt cổng sạc tại nhà.
Sau khi các chương trình trợ cấp xe điện kết thúc năm 2022, vào cuối tháng 4-2024 Trung Quốc triển khai chương trình trợ cấp đổi xe cũ lấy xe mới và sang năm 2025 tiếp tục gia hạn.
Theo Công ty tư vấn Rho Motion (Anh), người dùng nhận được trợ cấp lên đến 20.000 nhân dân tệ (2.800 USD) khi bỏ xe xăng hoặc xe điện cũ để mua xe điện mới. Xe cũ đáp ứng yêu cầu về thời gian đăng ký biển số và tiêu chuẩn khí thải có thể tham gia bán xe trên thị trường xe cũ.
Ấn Độ chú trọng trợ cấp cho xe hai bánh và ba bánh điện
Để khuyến khích sử dụng xe điện và xe lai (sử dụng động cơ điện và xăng), Chính phủ Ấn Độ đã phát triển chương trình "Áp dụng và sản xuất xe lai và xe điện nhanh hơn ở Ấn Độ (FAME) thuộc Kế hoạch quốc gia về di chuyển bằng điện khởi xướng năm 2013. Người được hưởng lợi ích gồm nhà sản xuất xe điện, nhà cung cấp cơ sở hạ tầng xe điện (trạm sạc, trạm đổi pin), chính quyền bang, viện nghiên cứu, người tiêu dùng cá nhân và doanh nghiệp, công ty khởi nghiệp.
Trang web Go Digit ghi nhận chương trình FAME gồm tám phần: ưu đãi tài chính cho người mua xe điện; trợ cấp cho trạm sạc công cộng và nhà riêng.
Trợ cấp cho trạm đổi pin, chủ yếu cho xe hai bánh và ba bánh; tài trợ các nhà sản xuất trong nước về xe điện và linh kiện xe như pin, bộ sạc; tài trợ nghiên cứu và phát triển nhằm cải tiến công nghệ xe điện và các sáng chế về pin; trợ cấp trực tiếp cho người dùng cuối để giảm khoản trả góp ban đầu khi mua xe điện; đào tạo và phát triển kỹ năng cho ngành xe điện như sản xuất, bảo trì xe điện; đầu tư và trợ cấp xây dựng mạng lưới các trung tâm sạc và đổi pin; hỗ trợ tuân thủ các tiêu chuẩn về hiệu quả năng lượng đối với môi trường.
Chương trình FAME gồm giai đoạn 1 (FAME I) kéo dài bốn năm từ năm 2015 tới cuối tháng 3-2019 với vốn ngân sách 8,95 tỉ rupee (103 triệu USD); giai đoạn 2 (FAME II) kéo dài năm năm từ tháng 4-2019 tới cuối tháng 3-2024 với vốn ngân sách 100 tỉ rupee (gần 1,2 tỉ USD). Năm 2019 thuế giá trị gia tăng đối với xe điện đã giảm từ 12% xuống còn 5%.
Tạp chí xe máy Autocar Professional (Ấn Độ) ghi nhận ngoài các chính sách của trung ương, chính quyền các bang còn ban hành ưu đãi riêng, như Delhi trợ cấp 15% cho một số loại xe điện, miễn thuế đường bộ và lệ phí đăng ký. Bang Gujarat trợ cấp 20.000 rupee cho xe hai bánh điện, 50.000 rupee cho xe ba bánh và 1,5 triệu rupee cho xe ô tô điện.
Dù vậy, lĩnh vực xe điện ở Ấn Độ vẫn còn nhiều thách thức: GS Peter Wells tại Đại học Cardiff (Anh) nhận xét: "Thời gian sạc lâu, chi phí mua xe máy điện cao và phạm vi hoạt động hạn chế có thể làm tăng rủi ro cho các chủ doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ mới này".
************
Công ty khởi nghiệp Swap Energy đã nổi lên như một thương hiệu xe máy điện đổi pin hàng đầu Indonesia. Cách đổi pin xe nhanh như thay pin remote tivi.
>> Kỳ tới: Đổi pin xe máy điện trong 9 giây ở Indonesia