Nhảy đến nội dung

Giáo sư Đặng Lương Mô qua đời ở tuổi 89

Chiều 6.5, tin từ gia đình Giáo sư Đặng Lương Mô cho biết ông vừa qua đời chiều cùng ngày sau thời gian điều trị bệnh, hưởng thọ 89 tuổi.

Giáo sư Đặng Lương Mô sinh năm 1936 tại Hải Phòng. Năm 1957 ông du học ở Nhật Bản. Bảo vệ xong luận án tiến sĩ tại Nhật, từ năm 1968 - 1971, ông là chuyên viên nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Trung ương Toshiba Nhật Bản. Sau đó ông về nước giảng dạy tại đại học (ĐH) Khoa học Sài Gòn và Học viện Quốc gia kỹ thuật (nay là Trường ĐH Bách khoa TP.HCM).

Năm 1973, ông là Viện trưởng Học viện Quốc gia kỹ thuật. Năm 1976, ông trở lại Nhật tiếp tục công việc nghiên cứu. Năm 1983, ông được mời giảng dạy tại Trường ĐH Hosei, Tokyo, Nhật Bản. Ông đã được bầu vào Viện Hàn lâm khoa học New York từ năm 1992.

Năm 2004, ông được nhà nước tặng danh hiệu Vinh danh nước Việt để tôn vinh những kiều bào Việt Nam đã làm rạng danh nước Việt Nam trên thế giới.

Vào ngày 23.4 vừa qua, Giáo sư Đặng Lương Mô là 1 trong 60 cá nhân tiêu biểu trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển TP.HCM (từ năm 1975 - 2025) được Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM tôn vinh.

Giáo sư Đặng Lương Mô có hơn 300 công trình nghiên cứu và hơn 10 bằng phát minh, sáng chế. Nhiều công trình nghiên cứu của ông đã được trích đăng hoặc trích dẫn trong các sách nghiên cứu xuất bản tại Mỹ, nhất là sách giáo khoa sử dụng tại các ĐH của Mỹ.

Khi trở về nước, GS Đặng Lương Mô có nhiều đóng góp trong lĩnh vực khoa học, như thiết lập Phòng thí nghiệm mô phỏng và thiết kế vi mạch tại ĐH Bách khoa TP.HCM năm 2000.

Ông cũng là người đề xuất thiết lập Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo thiết kế vi mạch (ICDREC) tại ĐH Quốc gia TP.HCM năm 2005. Trung tâm đã thiết kế thành công con chip đầu tiên của Việt Nam và đã ghi tên Việt Nam lên bản đồ thế giới về vi mạch, đào tạo được hàng ngàn chuyên viên về thiết kế vi mạch cung cấp cho thị trường vi mạch trong nước và thế giới.

Giáo sư Đặng Lương Mô cũng đóng góp vào chương trình sau ĐH về thiết kế vi mạch tại ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia TP.HCM. Đây là chương trình sau ĐH chính quy của một ĐH Việt Nam đầu tiên giảng dạy bằng tiếng Anh với sự tham gia của đông đảo giáo sư Việt kiều và người nước ngoài. Chương trình đã đào tạo ra hàng trăm thạc sĩ về thiết kế vi mạch.

Thông tin từ gia đình, lễ tang của Giáo sư Đặng Lương Mô được tổ chức tại Nhà tang lễ Quốc gia (tại địa chỉ 5 Phạm Ngũ Lão, quận Gò Vấp). Lễ viếng bắt đầu từ 9 giờ 30 ngày 8.5.