Nhảy đến nội dung
 

Giáo hoàng Francis từ trần

Giáo hoàng Francis qua đời vào sáng 21.4 sau hơn 12 năm lên ngôi, để lại nhiều niềm thương tiếc về vị giáo hoàng có phong cách giản dị, vì người nghèo và chủ trương cải cách.

Vatican ngày 21.4 thông báo Giáo hoàng Francis, người Mỹ Latinh đầu tiên đứng đầu Giáo hội Công giáo La Mã, vừa qua đời, thọ 89 tuổi. "Các anh chị em, với sự đau buồn sâu sắc, tôi phải thông báo sự ra đi của Đức Thánh Cha Francis. Sáng nay, vào lúc 7 giờ 35, Giám mục Rome, Francis, đã quay về nhà của Chúa", Hồng y Kevin Farrell thông báo trong tuyên bố đăng trên kênh Telegram của Vatican.

Giáo hoàng Francis qua đời một ngày sau lễ Phục sinh, khi ông xuất hiện trên chuyên xa Popemobile và di chuyển ở quảng trường Thánh Peter, trong lúc hàng vạn tín đồ tập trung về Vatican. Đây cũng là lần đầu ông xuất hiện trước nhiều tín đồ kể từ khi xuất viện sau thời gian điều trị viêm phổi hồi cuối tháng 3.

Sống đơn giản

Giáo hoàng Francis chiếm được cảm tình của hàng triệu người vì sự giản dị, thể hiện ngay trong phát biểu sau khi ông được bầu làm người kế nhiệm Giáo hoàng Benedict XVI ngày 13.3.2013.

"Anh chị em thân mến, chào buổi tối", là những lời đầu tiên của ông từ ban công Vương cung thánh đường Thánh Peter ở Vatican, khác với lời chào truyền thống "Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô!". Sau khi được chọn, tân giáo hoàng lấy tông hiệu Francis, vinh danh Thánh Francis xứ Assisi, một tôi tớ của người nghèo khó và cơ cực, theo CNN.

Trong lần xuất hiện đó, vị tân giáo hoàng tránh mặc chiếc áo choàng màu đỏ thẫm viền lông và cũng không đeo thánh giá vàng theo truyền thống, mà vẫn giữ chiếc thánh giá mạ bạc đã cũ ông dùng khi còn là Tổng giám mục Buenos Aires (Argentina). Ông vẫn mang đôi giày đen đơn giản thường dùng và đeo đồng hồ nhựa giá 20 USD. Tại Vatican, ông không ở căn hộ giáo hoàng rộng rãi trong Điện Tông tòa mà chỉ ở tại căn phòng đơn sơ của nhà nghỉ Sanctae Marthae, nơi ông và các hồng y khác tham gia mật nghị năm 2013. Chiếc xe sang trọng chống đạn được đưa vào Bảo tàng Vatican, còn ông dùng chiếc Ford Focus màu xanh đơn giản.

Vì người nghèo

Chuyến đi đầu tiên của ông sau khi lên ngôi giáo hoàng là đến đảo Lampedusa (Ý) để tưởng nhớ hàng ngàn người di cư tử nạn ở Địa Trung Hải khi cố gắng đến châu Âu. "Trong thế giới toàn cầu hóa này, chúng ta đã rơi vào tình trạng toàn cầu hóa của sự thờ ơ. Chúng ta đã quen với nỗi đau khổ của người khác", ông cảnh báo.

Giáo hoàng Francis gần như dành cả đời để phụng sự người nghèo. "Anh em tôi nghèo và tôi là một trong số họ", ông nhiều lần nói về việc này. Vài tháng sau khi được bầu, Giáo hoàng Francis công bố bản tông huấn quan trọng, kêu gọi xây dựng một "Giáo hội nghèo khó của người nghèo" và "mở tung cửa nhà thờ" để kết nối với thế giới. "Tôi mong muốn một giáo hội nếm trải khó khăn, đau thương và phong trần hơn là một giáo hội trì trệ trong tiện nghi và bảo thủ", ông phát biểu.

Làn gió mới

Nhiều người cho rằng Giáo hoàng Francis đã khuấy động bầu không khí cải cách, đem lại làn gió mới cho Giáo hội Công giáo. Ông thực sự cải tổ bộ máy quyền lực, lập lại kỷ cương và thiết lập sự minh bạch về kinh tế, tài chính ở Vatican. Ông khơi dậy cuộc tranh luận sôi động trong giáo hội về những chủ đề vốn bị coi là cấm kỵ.

Bên cạnh đó, ông cũng có quan hệ tốt với các tôn giáo khác, cho rằng "Công giáo không phải là hình mẫu văn hóa duy nhất" và "đối thoại liên tôn giáo là một điều kiện cần cho hòa bình thế giới". Trong thời gian tại nhiệm, Giáo hoàng Francis từng tiếp xúc các lãnh tụ Hồi giáo, hay cuộc gặp lịch sử với Thượng phụ Kirill tại Cuba vào năm 2016, cuộc gặp đầu tiên giữa 2 nhà lãnh đạo Công giáo và Chính Thống giáo kể từ năm 1054.