Nhảy đến nội dung
 

Giáo hoàng Francis để lại di sản hy vọng

Tang lễ của Giáo hoàng Francis đánh dấu sự kiện gắn kết của toàn thế giới, với những hy vọng về hòa bình khi các nguyên thủ quốc gia gặp nhau tại Vatican.

Ngày 26-4, Vatican tổ chức tang lễ cho vị giáo hoàng thứ 266 của Giáo hội Công giáo. Được mệnh danh là giáo hoàng của "những vùng ngoại vi" với những chuyến công du đến các quốc gia xa xôi nhất của thế giới, Giáo hoàng Francis cũng đã thực hiện chuyến đi cuối cùng của ngài đến nơi an nghỉ bên ngoài bức tường thành Vatican.

Lễ tang đơn sơ nhất

Vào năm 2024, Giáo hoàng Francis đã chỉ đạo việc đơn giản các nghi thức trong tang lễ của mình, từ đó ông cũng đơn giản hóa các nghi lễ phức tạp dành cho vị lãnh đạo giáo hội - các lễ nghi được xây dựng trên truyền thống hàng thế kỷ.

Sự thay đổi về lễ nghi có vẻ không rõ ràng đối với nhiều nhà quan sát, nhưng theo lời Đức ông Diego Ravelli, Chưởng nghi phục vụ của Tòa thánh, các giản lược nhằm "nhấn mạnh hơn nữa việc tang lễ của Giáo hoàng là của một mục tử và môn đệ Chúa Kitô, không phải của một người quyền lực của thế giới".

Theo đó, đám rước linh cữu của Đức Francis khi đi từ Nhà trọ Thánh Marta đến Vương cung thánh đường Thánh Peter chỉ là một đoạn đi bộ ngắn ngoài trời, không đi qua những nơi được bài trí sang trọng, không bước xuống từ các bậc thang cẩm thạch uy nghiêm, và cũng không đi ngang những mái vòm và hành lang có nhiều bức bích họa ở Cung điện Tông đồ.

Trên cung đường cuối cùng đến với công chúng được trực tiếp trên nhiều phương tiện truyền thông, Giáo hoàng Francis đã từ chối phản ánh sự quyền lực và sự giàu có mà ngôi vị giáo hoàng đã kế thừa trong nhiều thế kỷ qua.

Bên trong nhà thờ của Thánh Peter, linh cữu cũng được đặt thấp xuống đất mà không phải trên một chiếc bệ cao, để đám đông có thể dễ dàng đến nhìn mặt vị chủ chăn của họ lần cuối.

Trong một thay đổi lớn khác, các giáo sĩ có mặt tại tang lễ, từ các vị hồng y đến giám mục và linh mục, đều được kêu gọi cùng cử hành lễ an táng. Trước đây, chỉ có các vị hồng y và thượng phụ mới có thể cử hành lễ an táng cho một vị giáo hoàng.

Việc kêu gọi sự tham gia hàng giáo phẩm không phân biệt thứ bậc cho thấy nỗ lực của Giáo hoàng Francis trong việc tạo ra hình ảnh một giáo hội khiêm tốn hơn, ít áp đặt trên dưới hơn.

Giáo hoàng Francis cũng chọn được chôn cất bên ngoài thành Vatican, tại Vương cung thánh đường Đức Bà Cả. Mộ phần của ông cũng không được trang hoàng đặc biệt, chỉ khắc dòng chữ "Franciscus".

Viết trên tờ báo Ý Corriere della Sera, tác giả Aldo Cazzullo nhận định Giáo hoàng Francis - người đầu tiên lấy tên Thánh Francis làm tông hiệu - đã chọn được chôn cất theo gương vị thánh này. Theo tác giả Cazzullo, ngay cả khi qua đời, Giáo hoàng Francis đã chọn tách mình khỏi giáo triều, tách khỏi ý niệm huy hoàng trần thế của một vị giáo hoàng.

Trong bài giảng tại thánh lễ an táng Giáo hoàng, Hồng y Giovanni Re, niên trưởng Hồng y đoàn, nhấn mạnh Đức Francis đã chọn đi theo "con đường hiến thân cho đến ngày cuối cùng của cuộc đời trần thế".

Gắn kết nhân loại đến cuối cùng

Với chủ đề "Người lữ hành của hy vọng", 2025 là Năm Thánh theo lệ 25 năm một lần của Giáo hội Công giáo.

Trong dịp này, tín hữu Công giáo trên khắp thế giới kỳ vọng họ sẽ có cơ hội hành hương đến Vatican, đi qua Cửa Thánh tại các đền thờ. Và vào một ngày cuối tháng 4, nhiều người trong số họ đã hiện diện ở quảng trường Thánh Peter để đến viếng và tham dự thánh lễ an táng của Giáo hoàng.

Theo ghi nhận của Đài CNN, thánh lễ an táng Giáo hoàng Francis bất ngờ ghi nhận sự xuất hiện của nhiều người trẻ. Nhiều người trong số họ không theo đạo, nhưng đến tham dự vì ấn tượng với một vị giáo hoàng vì người nghèo và sống đúng với đức tin Kitô giáo.

Phóng viên Motoko Rich của báo New York Times đã có ấn tượng với sự đa dạng của đám đông tại Vatican khi họ còn xếp hàng viếng Giáo hoàng. Theo đó, nhiều người dân địa phương đã đứng lẫn trong hàng cùng hàng ngàn du khách và khách hành hương. 

Đám đông nói nhiều ngôn ngữ khác nhau: tiếng Ý, tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha...

Thành phần của đám đông là các nữ tu, những người già ngồi xe lăn và cả nhiều nhóm thanh niên sôi nổi. Nhiều người không đủ kiên nhẫn đã chen hàng, nhưng đã không có nhiều tiếng càu nhàu, khi mọi người có vẻ tôn trọng lý do khiến họ hiện diện ở đây.

Là một vị khách đến viếng Giáo hoàng, bà Katrina Hopkins nhận định đám đông xếp hàng "không phải vì đức tin, nhưng họ muốn chia sẻ cùng cộng đồng". Theo bà Hopkins, đây là món quà cuối cùng của Giáo hoàng Francis, khi tang lễ của ông đưa mọi người lại gần nhau hơn.

Cả thế giới đổ dồn về Vatican để bày tỏ lòng kính trọng lần cuối với vị Giáo hoàng, nhưng cũng để quan sát những dấu hiệu cho hòa bình thế giới.

Tang lễ của Giáo hoàng đưa mọi người đến gần nhau hơn và cũng là lý do để Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Trong nỗ lực chấm dứt chiến sự Nga - Ukraine, đây là lần đầu tiên hai vị nguyên thủ này gặp nhau sau lần cự cãi tại Nhà Trắng hồi tháng 2-2025.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngồi gần Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bất chấp Mỹ và châu Âu đang có nhiều rạn nứt về vấn đề an ninh, thương mại và các điều kiện chấm dứt chiến sự Ukraine. Cái bắt tay giữa hai nguyên thủ Mỹ - Pháp như một lời chúc bình an cho đối phương trong thánh lễ.