Giấc mơ đất hiếm và những thương vụ tham vọng của ông Trump

(Dân trí) - Đất hiếm đang trở thành một điểm nhấn trong các chính sách đối ngoại của Tổng thống Mỹ Donald Trump và thể hiện rõ nhất qua tham vọng của ông đối với Greenland, Ukraine và Canada.
Tầm quan trọng của đất hiếm
Hiện nay có 17 nguyên tố kim loại nặng được coi là đất hiếm. Các kim loại này được tìm thấy trong một số mỏ đá mácma và đất sét trên khắp thế giới nhưng việc khai thác rất tốn kém và phức tạp.
Chúng có vai trò rất quan trọng đối với quá trình chuyển đổi năng lượng sạch và được sử dụng trong một loạt ngành công nghiệp và sản phẩm, như điện thoại thông minh, tivi, tuabin gió và bộ chuyển đổi xúc tác trên ô tô.
Đây là thành phần thiết yếu trong sản xuất nam châm vĩnh cửu được sử dụng trong máy bay chiến đấu và tên lửa. Do đó, chúng xuất hiện trong cả danh sách các khoáng sản quan trọng của EU và Mỹ, bao gồm lithium, niken và coban.
Theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS), có 110 triệu mỏ khoáng sản đất hiếm trên toàn thế giới vào năm 2023.
USGS ước tính giá trị của các hợp chất đất hiếm và kim loại mà Mỹ nhập khẩu vào năm 2023 là 190 triệu USD. Báo cáo cũng cho biết, vào năm 2024, Mỹ phụ thuộc vào Trung Quốc, Malaysia, Nhật Bản và Estonia để đáp ứng 80% nhu cầu đất hiếm.
Một nhóm bao gồm 50 nguyên liệu thô là cơ sở xây dựng của ngành quốc phòng và năng lượng Mỹ, trong đó có lithium, coban, gali, germanium, niken và các nguyên tố đất hiếm.
Trong nhiệm kỳ đầu, Tổng thống Trump coi việc thúc đẩy ngành công nghiệp khoáng sản trong nước là trọng tâm và điều này cũng được thừa kế bởi chính quyền cựu Tổng thống Joe Biden. Các ưu đãi thuế khổng lồ đối với lĩnh vực này đã được đưa ra thông qua Đạo luật Giảm lạm phát, cùng với đó là hợp tác với các đồng minh của Mỹ để tạo ra chuỗi cung ứng mới. Với chính quyền Trump 2.0, các khoáng sản quan trọng lần nữa nổi lên như một đặc điểm nổi bật trong chương trình nghị sự của nhà lãnh đạo Mỹ.
"Đây là một trong số ít những lĩnh vực mà lưỡng đảng Mỹ đạt được thỏa thuận: những khoáng sản và kim loại này rất quan trọng đối với ngành năng lượng, an ninh quốc gia cũng như hàng tiêu dùng và nền kinh tế nói chung. Chúng đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến kinh tế giữa Trung Quốc và Mỹ", ông Morgan Bazilian, giám đốc Viện Payne tại Trường Mỏ Colorado cho biết.
Lợi thế khổng lồ của Trung Quốc về đất hiếm
Theo USGS, hiện nay, Trung Quốc là nơi chứa gần một nửa trữ lượng đất hiếm của thế giới, với Brazil, Ấn Độ và Australia cũng là những "điểm nóng".
Mỏ đất hiếm lớn nhất là Bayan Obo ở khu vực Nội Mông của Trung Quốc, nơi sản xuất kim loại và quặng sắt.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, Trung Quốc đã đầu tư vào việc tinh chế và chế biến đất hiếm trong 30 năm và chiếm tới 90% năng lực xử lý toàn cầu.
Ông Pierre Josso, Phó Giám đốc Trung tâm Tình báo Khoáng sản Quan trọng của Vương quốc Anh, nhận định: "Bạn có thể khai thác ở bất cứ đâu trên thế giới, nhưng nếu bạn không có khả năng tinh chế, bạn sẽ chuyển quặng của mình đến Trung Quốc để làm điều đó".
Các công ty phương Tây cũng nhận ra điều này có thể gây ra rủi ro thế nào đối với họ.
"Từ lâu chúng tôi đã biết đó là một lỗ hổng chiến lược, nhưng cần rất nhiều vốn để xây dựng hệ thống xử lý trung gian, bao gồm lưu trữ và vận chuyển", bà Gracelin Baskaran, Giám đốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Mỹ (CSIS) cho biết.
Trung Quốc cũng đã tiếp tục sản xuất đất hiếm trên quy mô lớn, bất chấp giá giảm do nguồn cung vượt quá nhu cầu. Tăng trưởng nguồn cung của Trung Quốc đã tăng nhanh hơn nhu cầu kể từ năm 2020. Nguồn cung dư thừa dự kiến sẽ kéo dài cho đến ít nhất là năm 2026 hoặc 2027, theo dự đoán của công ty Benchmark Mineral Intelligence.
Các chính phủ phương Tây lo ngại về sự thống trị của Trung Quốc đối với thị trường đất hiếm vì tầm quan trọng của chúng trong một loạt các lĩnh vực, bao gồm cả những lĩnh vực được coi là quan trọng đối với an ninh quốc gia như quốc phòng.
Sự phụ thuộc vào Trung Quốc khiến phương Tây phải có những thay đổi về chính sách, điều này có thể gây hại đến chuỗi cung ứng ảnh hưởng đến các công ty phụ thuộc vào nguồn tài nguyên này.
Những lo lắng về Trung Quốc bắt đầu từ năm 2010 khi Hiệp hội Vật liệu Từ tính Mỹ cảnh báo về một cuộc khủng hoảng đất hiếm sắp xảy ra, coi đây là mối đe dọa đối với nền kinh tế và an ninh quốc gia của Mỹ.
Nhưng bất chấp những lo ngại này, phương Tây vẫn không có biện pháp ứng phó. Theo Ủy ban châu Âu, EU vẫn không sản xuất bất kỳ nguyên tố đất hiếm nào được khai thác mà phải nhập khẩu 98% nam châm đất hiếm từ Trung Quốc.
Trung Quốc đã chứng minh cách họ có thể khai thác sự thống trị thị trường của mình khi cấm xuất khẩu công nghệ chế biến đất hiếm vào năm 2023.
Bà Baskaran cho biết: "Có một số phần của quá trình chế biến mà phương Tây thậm chí chưa bao giờ học cách làm. Chúng ta đang ở thời điểm thực sự dễ bị tổn thương về mặt địa chính trị. Cơ sở công nghiệp quốc phòng của chúng ta đã suy yếu rất nhiều. Chúng ta thiếu khả năng để tăng cường sản xuất những gì chúng ta cần."
Giấc mơ đất hiếm và những thương vụ của ông Trump
Sau một thập niên thúc đẩy, Trung Quốc đã trở thành quốc gia thống trị trong chuỗi cung ứng của nhiều tài nguyên quan trọng, đặc biệt là đất hiếm. Điều này khiến Bắc Kinh có lợi thế to lớn trong cuộc chiến thương mại với Mỹ.
Trong tháng đầu tiên nhiệm kỳ của ông Donald Trump, các nhà phân tích, quan chức và nhà ngoại giao tranh luận rất nhiều để hiểu được chính sách của ông. Rốt cuộc, Canada, Greenland, Panama và Ukraine thực sự có điểm chung gì khi ông liên tục đề cập đến ý tưởng mua lại, sáp nhập hay trao đổi.
Ông không ít lần đề nghị Canada trở thành bang thứ 51 của Mỹ, ngỏ ý mua lại đảo lớn nhất thế giới Greenland, giành lại quyền kiểm soát kênh đào Panama và đổi viện trợ lấy quyền khai thác khoáng sản ở Ukraine.
Một câu trả lời khả thi là khả năng tiếp cận chuỗi cung ứng các khoáng sản quan trọng, các nguồn tài nguyên làm nền tảng cho mọi thứ từ hệ thống vũ khí tiên tiến đến công nghệ năng lượng xanh, mà không cần Trung Quốc. Ottawa là một trung tâm khai thác mỏ, trong khi Greenland có trữ lượng đất hiếm đáng kể. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng đã nói về tiềm năng đất hiếm của nước này, mặc dù Ukraine không thực sự có mỏ đất hiếm thương mại.
Bà Baskaran phân tích: "Khi chúng ta nhìn vào rất nhiều quyết định chính sách đối ngoại đã được đưa ra trong những tuần đầu tiên nhiệm kỳ của ông Trump: Canada? Giàu tài nguyên. Greenland? Giàu tài nguyên. Ukraine? Giàu tài nguyên. Kênh đào Panama? Rất quan trọng đối với việc vận chuyển tài nguyên". Bà cũng lưu ý rằng Panama là nơi có trữ lượng đồng lớn nhất thế giới.
"Chúng tôi nhìn thấy các nguồn lực đóng một vai trò lớn hơn nhiều, đó là những gì Trung Quốc đã làm trong nhiều thập niên", bà nói thêm.
Các nhà lập pháp Mỹ đã đề cập đến đất hiếm của Greenland khi ông Trump tăng cường kêu gọi Mỹ mua lại hòn đảo từ Đan Mạch. Một số đảng viên Cộng hòa tại Hạ viện thậm chí còn đưa ra "Đạo luật làm cho Greenland vĩ đại trở lại" cho phép Tổng thống tham gia đàm phán với Đan Mạch để mua lại Greenland.
"Greenland nằm trên một mỏ đất hiếm khổng lồ. Nếu Mỹ tiếp cận được các nguồn tài nguyên của Greenland, điều đó có thể làm giảm đáng kể sự phụ thuộc của chúng ta vào các nhà cung cấp nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc, đang hoạt động độc quyền trên thị trường đất hiếm", Thượng nghị sĩ Texas Ted Cruz nói tại một phiên điều trần.
Với trữ lượng lớn các nguyên tố đất hiếm, hòn đảo Bắc Cực mang đến cơ hội xây dựng chuỗi cung ứng không bị Trung Quốc can thiệp.
Khi căng thẳng giữa Ottawa và Washington bùng lên vì lời kêu gọi biến Canada thành bang thứ 51 của Mỹ, Thủ tướng Canada Justin Trudeau cũng chỉ ra nguồn khoáng sản của đất nước có thể là lý do cho lời kêu gọi này.
"Tôi cho rằng chính quyền ông Trump không chỉ biết chúng ta có bao nhiêu khoáng sản quan trọng, mà đó thậm chí có thể là lý do tại sao họ tiếp tục nói về việc sáp nhập và biến chúng ta thành tiểu bang thứ 51", ông nói với một nhóm các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và giám đốc điều hành công ty ở Toronto.
Tương tự, đất hiếm cũng nổi lên như vấn đề trung tâm trong quan hệ Mỹ - Ukraine khi một thỏa thuận về khoáng sản giữa 2 nước có thể được ký kết ngay cả sau khi các cuộc đàm phán giữa ông Zelensky và ông Trump sụp đổ.
Tổng thống Mỹ đã gây sức ép với người đồng cấp Ukraine ký một thỏa thuận cho phép Mỹ hưởng lợi từ các nguồn tài nguyên chưa được khai thác của Ukraine. Theo ông, thỏa thuận này sẽ có trị giá hàng trăm tỷ USD bao gồm dầu khí cũng như tài nguyên khoáng sản của Ukraine.
Ukraine sở hữu các mỏ lithium, than chì và các nguyên tố đất hiếm khác chưa được khai thác - các nguồn tài nguyên đã thu hút sự quan tâm ngày càng tăng của Mỹ. Là một phần của thỏa thuận hợp tác khoáng sản rộng lớn hơn, chính quyền ông Trump đang đẩy nhanh đàm phán các điều khoản để đảm bảo quyền tiếp cận với nguồn tài nguyên quan trọng này, đổi lấy hỗ trợ tài chính và đầu tư cho Ukraine.
Liệu tham vọng của ông Trump có khả thi?
Kiev và Washington dường như đang tiến gần hơn đến một thỏa thuận, nhưng chính ý tưởng này đã khiến các nhà phân tích và các chuyên gia trong ngành bối rối vì Ukraine không có mỏ đất hiếm thương mại và nước này đã không sản xuất đất hiếm trong nhiều thập niên gần đây. Có rất ít dữ liệu địa chất và các vùng lãnh thổ quan trọng không thể tiếp cận do hậu quả của cuộc chiến Nga - Ukraine.
"Tôi không nghe gì về đất hiếm ở Ukraine, và bạn biết đấy, tôi đã làm về đất hiếm trong 15 năm", ông Christopher Ecclestone, một chiến lược gia khai thác mỏ tại công ty tư vấn tài chính Hallgarten & Company cho biết.
Ngay cả trong trường hợp Ukraine sở hữu lượng lớn đất hiếm có thể phục hồi về mặt kinh tế, có thể sẽ mất nhiều năm cùng khoản đầu tư khổng lồ để đạt được bất kỳ tiến bộ nào.
Theo bà Baskaran, trung bình trên toàn cầu, phải mất 15 năm để phát triển một mỏ, các dự án như vậy đòi hỏi nguồn vốn hàng chục triệu USD, hơn nữa không có nhiều công ty tư nhân muốn tới Ukraine vào thời điểm này.
Đối với Greenland, việc khai thác tài nguyên tại đây cũng đặt ra những thách thức khổng lồ. Khí hậu khắc nghiệt và cơ sở hạ tầng kém phát triển của hòn đảo khiến các hoạt động khai thác quy mô lớn trở nên tốn kém và phức tạp về mặt hậu cần.
Hơn nữa, khai thác chỉ là một phần vấn đề. Việc tạo ra các chuỗi cung ứng mới đòi hỏi cả một hệ thống về khả năng tinh chế, chế biến và sản xuất, đặc biệt là với đất hiếm, những hệ thống đó bị chi phối bởi Trung Quốc.
Về phần Canada, bất chấp những căng thẳng, báo cáo từ CSIS cho biết Canada vẫn sẽ là đồng minh khoáng sản quan trọng của Mỹ do các lĩnh vực khai thác và lọc dầu đáng kể hơn và môi trường kinh doanh thuận lợi.
"Trong khi mối lo ngại về một cuộc chiến thương mại đã ảnh hưởng quan hệ Mỹ - Canada, sự hợp tác giữa 2nước vẫn cần thiết để bảo vệ sự thịnh vượng của Bắc Mỹ khi đối mặt với các mối đe dọa ngày càng tăng", báo cáo cho biết.
Sau khi ông Trump áp thuế sâu rộng đối với Canada và Mexico, Thủ hiến Ontario của Canada Doug Ford cho rằng sự phụ thuộc của Mỹ vào niken từ Ontario có thể được khai thác để đối phó với sắc lệnh này, bao gồm cả việc cắt xuất khẩu.
Đảm bảo các nguồn khoáng sản đất hiếm đa dạng, độc lập không chỉ là một nhu cầu kinh tế mà còn là yêu cầu tất yếu với an ninh quốc gia. Bằng cách tăng cường ảnh hưởng tới các khu vực giàu tài nguyên, Mỹ đặt mục tiêu thoát khỏi sự phụ thuộc của Trung Quốc trong khi củng cố sức mạnh công nghệ của mình. Những nỗ lực này sẽ gặp nhiều rào cản, nhưng trong cuộc đua cạnh tranh AI và các công nghệ quan trọng, đây là điều bắt buộc đối với Mỹ.
Theo Foreign Policy