Giá vé máy bay quốc tế là 'nút thắt cổ chai' của du lịch Việt Nam

Giá vé máy bay quốc tế, liệu có phải là rào cản khiến du lịch Việt Nam tụt thấp so với các quốc gia trong khu vực? Một báo cáo mới đây đã hé lộ những con số bất ngờ, đặt ra dấu hỏi lớn về sức cạnh tranh của ngành du lịch Việt Nam.
Theo báo cáo phân tích của Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) về kinh tế vĩ mô tháng 5-2025, trong đó có bức tranh về du lịch Việt Nam.
Báo cáo này đánh giá: "Việt Nam lợi thế về cảnh sắc, văn hóa và mức sống tương đối phải chăng. Nhưng có một trở lực lớn đang dần lộ diện: tổng chi phí cho một chuyến đi, nhất là vé máy bay quốc tế, đang ở mức cao đến mức đáng bận lòng, khiến cho ưu thế của Việt Nam bị lu mờ trước các đối thủ trong khu vực".
Việt Nam đang tụt lại trong phân khúc du lịch cao cấp
Theo phân tích của SHS, thời lượng hành trình được chia ra với hai nhóm du khách. Nhóm thứ nhất, từ phương Tây như Mỹ, châu Âu với kỳ nghỉ dài khoảng 14 ngày. Nhóm thứ hai, từ các nước gần như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, du lịch ngắn ngày, khoảng 7 ngày.
Về giá vé máy bay, báo cáo này cho rằng đây là yếu tố then chốt ảnh hưởng đến quyết định chọn điểm đến.
SHS dựa trên tổng hợp giá vé hai chiều hạng phổ thông từ đầu năm đến nay của những website tổng hợp giá vé 2 chiều như Kayak (công cụ tìm kiếm thông tin du lịch hàng đầu thế giới).
Với nhóm thứ nhất, khách từ Mỹ, Đức, Pháp đến Việt Nam, Thái Lan, Malaysia và Indonesia. Kết quả ra giá vé trung bình (USD) lần lượt 4 địa điểm này, nếu đến Việt Nam mất 1.063 USD, đên Thái Lan chỉ 1.050 USD, Malaysia 1.037, Indonesia là 1.200 USD.
Với nhóm thứ hai, khách từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc đến Việt Nam, Thái Lan, Malaysia và Indonesia; kết quả ra giá vé trung bình lần lượt 4 địa điểm, Việt Nam mất 358 USD, Thái Lan là 433 USD, Malaysia là 426 USD, Indonesia mất 466 USD.
Về chi phí ăn chơi, đi lại, vui chơi tại điểm đến mỗi ngày, SHS dẫn dữ liệu từ BudgetYourTrip (nguồn tổng hợp ngân sách của du khách thực tế), chia theo 3 phân khúc chi tiêu: tiết kiệm, tầm trung, cao cấp.
Trong đó, mức chi phí trung bình mỗi người mỗi ngày ở các nước cho du khách nhóm 1 và nhóm 2, ở cả ba phân khúc tiêu xài, Việt Nam đang tụt lại trong phân khúc cao cấp (chỉ đạt 3.639 USD - thấp nhất nhóm 1), cao nhất là Malaysia gần 5.500 USD.
Trong khi chi phí ăn ở, vui chơi của Việt Nam cạnh tranh tốt (thấp hơn khoảng 30% so với Thái Lan), vé máy bay quốc tế đến Việt Nam cao hơn tương đối, đặc biệt từ các thị trường xa.
"Điều này làm tổng chi phí chuyến đi đến Việt Nam cao ngang hoặc cao hơn so với đi Thái Lan, Malaysia đối với khách Âu - Mỹ, dù tại chỗ rẻ hơn.
Chính tỉ trọng vé máy bay quá lớn trong ngân sách du khách đang làm giảm sức cạnh tranh của du lịch Việt Nam ở phân khúc khách Âu, Mỹ đường dài giá trị cao", báo cáo đánh giá chung.
"Thuốc bổ" dùng lâu sẽ sinh bệnh, ngành hàng không cần về trạng thái tự nhiên
Báo cáo của SHS cũng phân tích những nguyên nhân giá vé máy bay tăng như giá nhiên liệu bay tăng, tỉ giá đồng nội tệ suy yếu so với đô la Mỹ (khoảng 12% tính từ đầu năm 2022 đến hiện tại) khiến chi phí khai thác tăng; thiếu hụt máy bay, nguồn cung vận tải hàng không khan hiếm…
Tuy nhiên, cũng theo báo cáo này, đây chưa phải là gốc, cái gốc nằm ở con người, ở cách điều hành và kiến tạo thị trường.
"Nguyên nhân chính là sự thiếu vắng của cạnh tranh thực sự làm trì trệ và đẩy giá thành lên cao", báo cáo này nhận định.
SHS đưa ra dẫn chứng, hiện nay, phần lớn các chuyến bay quốc tế đến và đi từ Việt Nam vẫn do vài hãng nội địa cùng với một số hãng ngoại đảm trách, thị trường khép kín chưa mở ra cho nhiều bên. Trong khi Thái Lan có Thai Airways, AirAsia, Thai Lion, cùng hàng chục hãng ngoại.
Mặc dù ngành hàng không đã áp dụng một số biện pháp ưu đãi đặc thù, báo cáo này ví các giải pháp như "thuốc bổ" nhưng dùng lâu ngày sẽ sinh bệnh. Vì thế, phải trả ngành hàng không về trạng thái tự nhiên, để cạnh tranh tự điều tiết và thị trường tự điều hòa, đặc biệt khuyến khích các hãng mới tham gia thị trường.
Ngoài ra, cần điều chỉnh trần giá theo mùa, trợ giá các chuyến bay charter quy mô lớn từ châu Âu, Mỹ; mở rộng hợp tác hàng không với các hãng lớn từ Trung Đông hay châu Âu để mở thêm đường bay thẳng….