Giá vàng thế giới rơi tự do, chứng khoán liên tục nhảy múa

TPO - Giá vàng giảm hơn 2%, hướng đến tuần tồi tệ nhất kể từ tháng 11/2024. Phố Wall tăng tuần thứ năm liên tiếp nhờ thỏa thuận hoãn áp thuế Mỹ - Trung. Diễn biến trái chiều cho thấy khẩu vị rủi ro trở lại, gây áp lực lên kim loại quý.
Giá vàng hướng đến tuần tồi tệ nhất
Trong phiên giao dịch cuối tuần, vàng giao ngay giảm 1,6%, còn 3.188,25 USD/ounce, ghi nhận mức giảm 4,1% trong tuần. Trước đó một tháng, giá vàng đạt mức kỷ lục 3.500,05 USD/ounce trong bối cảnh căng thẳng thương mại gia tăng.
Hợp đồng vàng tương lai của Mỹ giảm 1,2%, xuống còn 3.187,20 USD/ounce.
Bối cảnh thị trường thay đổi rõ rệt sau khi Mỹ và Trung Quốc công bố lệnh tạm hoãn áp thuế trong vòng 90 ngày nhằm tiếp tục đàm phán. Mỹ tuyên bố cắt giảm “phí tối thiểu” đối với các lô hàng nhỏ nhập khẩu từ Trung Quốc. Thông tin này làm tăng tâm lý lạc quan trên thị trường tài chính.
“Sự tan băng của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung làm hồi sinh khẩu vị rủi ro trên toàn thị trường. Điều này thúc đẩy hoạt động chốt lời của các nhà giao dịch tương lai, đặc biệt là trên thị trường vàng, gây ra làn sóng thanh lý kéo dài một tuần”, ông Jim Wycoff - nhà phân tích cấp cao tại Kitco Metals - nhận định.
![]() |
Giá vàng tiếp tục trượt dốc. |
Trên thị trường chứng khoán, ba chỉ số chính của Phố Wall gồm S&P 500, Nasdaq và Dow Jones tăng mạnh phản ánh sự dịch chuyển dòng tiền từ tài sản trú ẩn sang tài sản rủi ro hơn như cổ phiếu.
Vàng vốn được coi là kênh phòng hộ truyền thống trước bất ổn kinh tế và địa chính trị, có xu hướng phát triển trong môi trường lãi suất thấp. Lực bán kỹ thuật và tâm lý chuộng rủi ro đang chi phối thị trường kim loại quý.
Dữ liệu công bố gần đây cho thấy lạm phát tại Mỹ hạ nhiệt, kết hợp với các chỉ báo kinh tế yếu hơn dự kiến, làm gia tăng kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất nhiều hơn trong năm nay. Thị trường hiện kỳ vọng hai đợt cắt giảm lãi suất, bắt đầu từ tháng 9.
Giá bạc giao ngay giảm 1,4% xuống còn 32,22 USD/ounce và giảm hơn 1% trong tuần. Bạch kim giảm 0,6% xuống còn 984,10 USD, palladium giảm 1,2% xuống 956,72 USD. Cả hai kim loại này đang hướng đến mức giảm hàng tuần.
Chứng khoán khởi sắc
Thị trường chứng khoán Mỹ kết thúc tuần giao dịch bằng phiên tăng điểm thứ năm liên tiếp vào thứ Sáu. Giá cổ phiếu được thúc đẩy bởi tâm lý lạc quan sau thỏa thuận đình chiến thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc. Diễn biến tích cực này vẫn tiếp tục ngay cả khi dữ liệu mới cho thấy kỳ vọng lạm phát của dân Mỹ tăng mạnh, niềm tin tiêu dùng suy giảm.
Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 331,99 điểm, tương đương 0,78%, lên mức 42.654,74. S&P 500 tăng 41,45 điểm, tương đương 0,70%, chốt phiên ở mức 5.958,38 điểm. Nasdaq Composite ghi nhận mức tăng 98,78 điểm, tương ứng 0,52%, lên 19.211,10 điểm.
Tính chung cả tuần, S&P 500 tăng 5,3%, Nasdaq tăng 7,2% và Dow Jones tăng 3,4%.
Xét theo nhóm ngành, lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tăng mạnh nhất trong ngày với mức tăng 1,96%, dẫn đầu bởi cổ phiếu UnitedHealth Group Inc (UNH.N) tăng 6,4%, kết thúc chuỗi tám phiên giảm liên tiếp. Cổ phiếu này tăng sau thông tin công ty đang bị Bộ Tư pháp Mỹ điều tra hình sự. Nhà đầu tư kỳ vọng các điều chỉnh chiến lược nội bộ từ công ty.
Ngành năng lượng là nhóm duy nhất giảm điểm, mất 0,18%. Một số biến động đáng chú ý ở cổ phiếu đơn lẻ gồm Applied Materials (AMAT.O) giảm 5,3% sau khi không đạt kỳ vọng doanh thu quý II.
Charter Communications (CHTR.O) tăng 1,8% sau khi thông báo mua lại Cox Communications với giá 21,9 tỷ USD. Verizon Communications (VZ.N) tăng 1,7% sau khi Ủy ban Truyền thông Liên bang chấp thuận cho mua lại Frontier Communications (FYBR.O) trị giá 20 tỷ USD, trong bối cảnh Verizon đồng ý chấm dứt các chương trình liên quan đến đa dạng và hòa nhập.
Tại sàn NYSE, số cổ phiếu tăng giá áp đảo số giảm với tỷ lệ 2,72:1, ghi nhận 207 mức cao mới và 34 mức thấp mới. Trên sàn Nasdaq, tỷ lệ này là 1,74:1 với 2.792 mã tăng và 1.607 mã giảm. Nasdaq ghi nhận 62 mức cao mới và 73 mức thấp mới, trong khi S&P 500 có 28 mức cao mới và không có mức thấp mới nào trong 52 tuần.
![]() |
Phố Wall tăng điểm nhưng nhà đầu tư vẫn lo lắng. |
Khối lượng giao dịch toàn thị trường đạt 17,61 tỷ cổ phiếu, cao hơn mức trung bình 20 phiên gần nhất là 17,04 tỷ cổ phiếu.
Đà tăng diễn ra sau khi chính quyền Washington và Bắc Kinh đồng ý tạm ngưng leo thang cuộc chiến thương mại trong vòng 90 ngày. Trước đó, một thỏa thuận thương mại song phương hạn chế giữa Mỹ và Anh cũng được thông qua.
Theo bà Lindsey Bell - chiến lược gia thị trường trưởng tại Clearnomics, New York - sự tăng trưởng này là diễn biến tiếp theo sau sự hạ nhiệt trong xung đột thương mại. “Nhưng tôi không nghĩ thị trường thoát khỏi tình trạng khó khăn. Chúng ta sẽ phải giải quyết từng ngày, từng tuần”, bà nhấn mạnh.
Báo cáo từ Đại học Michigan cho thấy chỉ số tâm lý người tiêu dùng tiếp tục giảm trong tháng 5. Kỳ vọng lạm phát một năm tăng mạnh từ 6,5% lên 7,3%. Các số liệu này không đủ để ngăn thị trường tiếp tục tăng điểm.
Ông Paul Christopher - Giám đốc chiến lược đầu tư toàn cầu tại Viện đầu tư Wells Fargo - cho biết thị trường đang “lạc quan một cách thận trọng” với triển vọng chính sách thương mại mềm mỏng hơn, nhưng cảnh báo rằng các tác động thực tế từ thuế quan vẫn chưa xuất hiện.
“Chúng ta thậm chí còn chưa thấy điều gì sẽ xảy ra khi thuế quan thực sự có hiệu lực. Các công ty phải tăng giá đối với người tiêu dùng và người tiêu dùng thấy ít hàng hóa hơn và ít sự đa dạng hơn trên kệ hàng”, ông nói.
Tâm lý nhà đầu tư vẫn bị chi phối bởi những bất ổn chính sách. Nỗ lực thông qua dự luật cải cách thuế của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump thất bại trước sự phản đối từ nhóm nghị sĩ Cộng hòa - những người yêu cầu cắt giảm chi tiêu mạnh hơn.