Gia tộc Shinawatra đứng giữa ngã rẽ định mệnh

TPO - Khi bà Paetongtarn Shinawatra lướt qua các phóng viên với nét mặt buồn bã, trước khi Tòa án Hiến pháp ra phán quyết đình chỉ chức vụ thủ tướng của bà, ông Thaksin Shinawatra cũng giữ thái độ khiêm tốn khi đến phiên tòa xét xử ông với cáo buộc xúc phạm hoàng gia.
Những thách thức pháp lý đồng thời mà bà Paetongtarn và cha của bà đối mặt có thể không chỉ là dấu hiệu về bước ngoặt của Chính phủ Thái Lan trong tương lai gần, mà còn báo hiệu vận mệnh của gia tộc chính trị nổi tiếng nhất vương quốc và đảng Pheu Thai.
Nhà phân tích chính trị Ken Lohatepanont cho biết: "Nhiều người đang tự hỏi liệu việc đình chỉ này có phải khởi đầu cho việc kết thúc sự thống trị chính trị của gia tộc Shinawatra hay không. Cả hệ thống pháp luật và dư luận đều đang đặt Pheu Thai vào vị thế cực kỳ bấp bênh".
![]() |
Bà Paetongtarn Shinawatra sau cuộc họp nội các ngày 1/7. (Ảnh: Reuters) |
Ngày 1/7, Tòa án Hiến pháp Thái Lan ra quyết định đình chỉ chức vụ thủ tướng của bà Paetongtarn cho đến khi có quyết định về đơn kiến nghị do 36 thượng nghị sĩ đệ trình. Đây là quyết định mới nhất sau 2 tuần đầy sóng gió đối với nhà lãnh đạo 38 tuổi, xuất phát từ vụ bê bối lộ bản ghi âm cuộc trò chuyện qua điện thoại với lãnh đạo Campuchia.
Bà Paetongtarn vốn đã phải chật vật điều hành nền kinh tế trì trệ của Thái Lan.
“Tôi chỉ nghĩ đến việc phải làm gì để tránh rắc rối, phải làm gì để tránh xung đột vũ trang, để binh lính không phải chịu tổn thất nào”, bà Paetongtarn phát biểu sau khi Tòa án Hiến pháp ra quyết định.
Dù bà Paetongtarn đã vượt qua được thử thách ban đầu để giữ được chính phủ liên minh cầm quyền, nhưng sức ép vẫn không ngừng gia tăng.
Cuối tuần qua, khoảng 30.000 người tập trung ở Bangkok để biểu tình đòi thủ tướng từ chức. Một cuộc thăm dò ý kiến vừa được công bố cho thấy tỷ lệ ủng hộ bà Paetongtarn giảm xuống chỉ còn 9,2%, từ mức 30,9% hồi tháng 3.
"Hiện tại, nền kinh tế rất tồi tệ. Mọi thứ đều đắt đỏ và chúng tôi, những người thu nhập thấp, phải chịu đựng nhiều nhất", bà Phangam Phiralak, 62 tuổi, chia sẻ khi đang tham gia cuộc biểu tình.
Người phụ nữ làm nghề bán hàng cho biết đã đi hơn 2 giờ đường bộ từ tỉnh Suphan Buri ở miền trung Thái Lan để tham gia các cuộc biểu tình.
"Thay vì phát triển kinh tế và đảm bảo người dân có cuộc sống thoải mái, thủ tướng (bà Paetongtarn) lại làm lợi cho nước khác”, bà Phangam nói thêm.
Bà Paetongtarn trở thành thủ tướng vào tháng 8/2024, sau khi người tiền nhiệm và đồng minh của gia đình Shinawatra là ông Srettha Thavisin bị Tòa án Hiến pháp cách chức thủ tướng.
Bị Tòa án Hiến pháp đình chỉ không hẳn là dấu chấm hết đối với bà Paetongtarn, vì trước đây cựu Thủ tướng Prayut Chan-o-cha được phục chức sau 1 tháng bị đình chỉ, vào năm 2022.
Một cuộc cải tổ nội các vào phút chót dẫn đến việc bà Paetongtarn tự bổ nhiệm mình làm bộ trưởng văn hóa, nghĩa là bà vẫn có tiếng nói trong nội các trong thời gian bị đình chỉ chức thủ tướng.
Gia tộc tỷ phú Shinawatra vẫn được coi là động lực chính phía sau Chính phủ Thái Lan hiện tại. Cuộc đối đầu giữa gia tộc này với phe bảo thủ ủng hộ chế độ quân chủ và quân đội Thái Lan đã định hình nên bối cảnh chính trị của vương quốc này trong 2 thập kỷ qua.
Sau khi vượt qua các cuộc đảo chính quân sự và phán quyết của tòa án, gia tộc Shinawatra dường như đã trở lại vị trí dẫn đầu, dẫn đến việc ông Thaksin tự tin trở về Thái Lan năm 2023, sau 15 năm sống lưu vong.
Tuy nhiên, sự lao dốc nhanh chóng của con gái ông cũng cho thấy tình trạng suy giảm ủng hộ dành cho Pheu Thai và ảnh hưởng chính trị mà ông nắm giữ. Đây có thể là một yếu tố chính khiến vụ bê bối lộ ghi âm cuộc gọi vừa qua trở nên nghiêm trọng như vậy.
Ông Thaksin đang phải đối mặt với hai vụ án riêng biệt trong tháng này. Tội khi quân liên quan đến những phát biểu của ông trong cuộc phỏng vấn truyền thông Hàn Quốc năm 2015. Vụ án thứ hai liên quan đến việc ông không chấp hành án tù vì lý do sức khỏe.
Giữa những ồn ào vì vụ lộ đoạn ghi âm, ông Thaksin đã im lặng một cách bất thường. Đến Tòa án Hình sự Bangkok trên chiếc Mercedes-Benz ngày 1/7, ông Thaksin đi qua lối phụ để tránh báo chí.
"Pheu Thai từng rơi vào những khoảnh khắc đầy thách thức trước đây, nhưng tôi tự hỏi liệu tình hình hiện nay có phải thách thức mà họ không thể vượt qua hay không”, ông Lohatepanont cho biết.