Gia tộc của NSƯT Thành Lộc 4 đời ăn cơm Tổ, nổi danh khắp 3 miền

NSƯT Thành Lộc sinh ra trong đại gia tộc với truyền thống nghệ thuật lâu đời. Ông cố của anh là Nguyễn Văn Sĩ, ông nội là Nguyễn Văn Luông, cha là NSND Thành Tôn đều trở thành nghệ sĩ hát bội nổi danh.
Nghệ sĩ Nguyễn Văn Sĩ là thế hệ mở đầu cho truyền thống theo đuổi nghệ thuật hát bội (nghệ thuật tuồng) trong gia tộc họ Nguyễn. Dưới sự dìu dắt của ông, nghệ thuật hát bội được truyền giữa các thế hệ sau.
Nghệ sĩ Nguyễn Văn Luông nối nghiệp cha - nghệ sĩ Nguyễn Văn Sĩ, tiếp tục biểu diễn và phát triển nghệ thuật hát bội.
Tiếp đến là cha của NSƯT Thành Lộc - NSND Thành Tôn, là nghệ sĩ hát bội trứ danh, sau này chuyển hướng hát cải lương.
Nghệ sĩ Thành Tôn bắt đầu học hát năm 13 tuổi tại chính gánh hát Phước Long Ban của ông nội là bầu Luông. Mặc dù là gánh hát của gia đình nhưng ông vẫn phải học hát theo đúng quy trình từ vai quân hầu, quân canh, quân chạy hiệu cho đến năm 17 tuổi mới được đóng kép con.
Thời gian đầu mới bước chân vào nghề hát bội, Thành Tôn phải chịu rất nhiều cực nhọc. Gánh hát Phước Long Ban 1 năm chỉ hát 6 tháng rồi quay về quê quán chia tiền cho anh em trong gánh hát. Họ vừa làm ruộng vừa tập tuồng mới, đợi đến "vụ" lại lên ghe đi hát khắp các vùng sông nước miền Tây Nam Bộ. Chỉ những người yêu nghề lắm mới gắn bó được với nghề hát bội.
Nhưng rồi hát bội rơi vào thời kỳ mất khán giả, đó là vào những năm sau 1930. Trong khi đó, cải lương bắt đầu được yêu thích. Vậy là, những gánh hát bội phải tìm cách đổi mới mình để thu hút người xem, nhiều biến cố cộng lại, nhóm Phước Long Ban tan rã.
Không chịu bỏ nghề, ông đi hát cho gánh Thạnh Hưng Ban của ông bầu Hùng ở huyện Trà Ôn, Cần Thơ. Nhưng không cam làm anh kép hát tỉnh lẻ, Thành Tôn muốn thử sức, thử thời vận ở thành phố nên ông khăn gói tìm đường về Sài Gòn.
Về Sài Gòn, ông hát cho gánh Tấn Thành Ban của bầu Cung ở đình Cầu Muối. Một năm sau, Thành Tôn "đầu quân" về gánh Vĩnh Xuân Ban của bầu Thắng và nhanh chóng trở thành kép chánh ăn khách nhất lúc bấy giờ.
Nghệ sĩ Thành Tôn và nghệ sĩ Huỳnh Mai nên duyên vợ chồng các con của họ đều là những nghệ sĩ nổi danh như Bạch Long, Thành Lộc, Bạch Lê, Bạch Liên, Bạch Lựu, Bạch Lý ở nhiều lĩnh vực nghệ thuật khác nhau.
Cha mẹ của Thành Lộc không chỉ nổi bật trên sân khấu mà còn có tư tưởng sáng tạo. Ông tự tin rằng con không cần ngoại hình, chỉ cần tài - điều này ảnh hưởng mạnh đến sự phát triển của các con ông sau này.
Hầu hết đồng nghiệp của NSƯT Thành Lộc đều có chung nhận định, anh có tài làm cho khán giả khóc - cười, vui nhộn hay buồn thương theo ý mình. Tài năng đó của Thành Lộc không chỉ do bẩm sinh, do gen của một gia đình mấy đời theo nghề hát mà còn do niềm say mê sân khấu, sự học hỏi liên tục và lao động nghệ thuật không ngừng.
Khả năng sáng tạo của NSƯT Thành Lộc được thể hiện qua nhiều vai diễn. Dù cho tâm trạng của nhân vật có phức tạp đến đâu, Thành Lộc vẫn khắc họa trọn vẹn, không thừa không thiếu, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người xem.
"Ba dạy tôi, cạnh tranh lành mạnh là cạnh tranh trên sân khấu. Tổ nghiệp phù hộ con hay không là lúc đứng trên sân khấu. Nếu con đứng trong bóng tối mà khán giả vẫn nhớ tới con thì còn hơn là người đứng ngoài ánh sáng mà ít ai nhớ tới. Như vậy là con thành công rồi", NSƯT Thành Lộc chia sẻ.
Ảnh: Tư liệu