Giá cát tăng gấp 2-3 lần, chương trình xóa nhà tạm ở Tây Nguyên gặp khó

Giá cát, đá tăng gấp 2-3 lần, chiếm gần nửa chi phí xây dựng khiến hàng ngàn căn nhà trong chương trình xóa nhà tạm cho hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên có nguy cơ dang dở.
"Cát giờ gần cả triệu đồng một khối, tiền hỗ trợ đâu đủ. Nhà mới xây xong móng với tường thấp, còn lại đành để đó chờ", chị H'Del Knul (thôn 9, xã Đắk Wil, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông) nói, mắt không rời ngôi nhà thuộc chương trình xóa nhà tạm xây dở dang.
Vật liệu tăng quá cao, tiến độ xóa nhà tạm chậm
Gia đình chị H'Del Knul nằm trong diện được hỗ trợ 60 triệu đồng từ chương trình xóa nhà tạm, nhưng giá cát tăng chóng mặt từ 300.000 đồng/m³ lên đến 800.000 - 1 triệu đồng/m³ khiến khoản hỗ trợ đó chưa đủ trả tiền cát, trong khi còn bao nhiêu chi phí cho gạch, đá, xi măng...
Không chỉ ở huyện Cư Jút, nhiều địa phương khác của Đắk Nông như huyện Krông Nô cũng lâm cảnh tương tự. Ông Đỗ Thanh Hùng, chủ tịch UBND xã Quảng Phú (huyện Krông Nô), cho biết riêng tiền mua cát đã chiếm khoảng 1/3 mức hỗ trợ mỗi căn nhà.
"Giá vật liệu biến động quá nhanh, vượt ngoài khả năng dự toán và chi trả. Dân khó, xã cũng kẹt, nên chương trình bị nghẽn", ông Hùng nói.
Theo Chi cục Phát triển nông thôn Đắk Nông, năm 2025 tỉnh cần xây mới và sửa chữa hơn 1.700 căn nhà.
Riêng chương trình do Chính phủ giao có 540 căn, Bộ Công an hỗ trợ khoảng 500 căn, phần còn lại từ các nguồn khác. Tuy nhiên nếu không sớm tháo gỡ vướng mắc về vật liệu, kế hoạch này khó hoàn thành.
Còn tại Đắk Lắk, mục tiêu đến cuối năm 2025 là xây mới 4.285 căn, sửa chữa 1.120 căn.
Dù đã khởi công gần 1.900 căn, nhiều huyện như Ea H'leo, Ea Súp, Krông Bông đang "nghẹt thở" vì giá vật liệu tăng gấp đôi so với dự toán ban đầu. Nhiều nhà thầu phải tạm dừng vì không kham nổi chi phí.
Cùng với đó, tiến độ còn bị ảnh hưởng do thủ tục giải ngân vốn trung ương chậm. Một số nơi chưa thể tạm ứng hoặc thanh toán vì vướng quy trình hành chính.
Chủ động gỡ vướng, kêu gọi chung tay
Trước thực tế trên, các tỉnh Tây Nguyên đã chủ động vào cuộc tháo gỡ khó khăn, quyết tâm hoàn thành chương trình xóa nhà tạm trong năm 2025.
Công an tỉnh Đắk Lắk, đơn vị thường trực đề án, đã tổ chức họp với 42 nhà thầu và 4 doanh nghiệp cung ứng vật liệu để tìm hướng giải quyết. Một số công trình bị lập biên bản vì sử dụng đá táp lô thay đá hộc đã được yêu cầu khắc phục.
Công an tỉnh cũng kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương hỗ trợ người dân đẩy nhanh thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất để được cấp phép xây dựng. Đồng thời làm việc với doanh nghiệp như xi măng, cát và đá… kêu gọi cung cấp vật liệu theo giá thành sản xuất, không tính lãi.
Tại Đắk Nông, chính quyền đã có văn bản báo cáo Chính phủ và các bộ ngành, đề nghị xem xét bổ sung nguồn lực hoặc điều chỉnh đơn giá vật liệu sát với thực tế.
Ông Doãn Gia Lộc, trưởng Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Krông Nô, cho biết mỗi căn nhà tạm cần khoảng 20m³ cát, tương đương khoản chi phí 16 - 20 triệu đồng. "Giá cao như thế với dân nghèo là cả vấn đề", ông Lộc chia sẻ.
Toàn tỉnh Đắk Nông còn khoảng 500 căn nhà cần xây mới, tương đương gần 10.000m³ cát. Hạn chót hoàn thành là cuối tháng 6 năm nay, theo yêu cầu của Thủ tướng.
"Công an tỉnh và chính quyền đã làm việc với doanh nghiệp khai thác, được cam kết cung cấp vật liệu theo giá gốc để đảm bảo tiến độ", ông Lộc nói.