Nhảy đến nội dung
 

Gành Son - xứ Duồng, văn hóa, lịch sử và sức sống kinh tế biển

Gành Son, một bãi biển đẹp thuộc xứ Duồng của xã Phan Rí Cửa, tỉnh Lâm Đồng (xã Chí Công, H.Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận cũ). Nơi đây có nhiều di tích văn hóa, lịch sử và là vùng kinh tế biển nổi trội.

Xã Phan Rí Cửa vốn là một thị trấn của Bình Thuận (cũ) với dáng dấp đô thị cấp 4, nằm sát ven biển. Trong quá trình phát triển của Phan Rí Cửa, không thể không nhắc đến xứ Duồng hay bãi biển Gành Son (thuộc xã Chí Công, nằm sát với TT.Phan Rí Cửa cũ).

Trong hàng thập kỷ qua, vùng biển Gành Son không chỉ có nhiều đóng góp vào phát triển kinh tế thủy sản, mà còn có nhiều yếu tố lịch sử, di tích văn hóa phong phú tương đồng nhau, hỗ trợ nhau.

Gành Son, nơi phát triển mạnh về kinh tế biển

Với người dân vùng biển Chí Công, ai cũng biết đến Gành Son. Đây không chỉ một địa danh, mà còn là biểu tượng của nền văn hóa ngư dân lâu đời, một dấu mốc lịch sử quan trọng và nơi đóng góp bền bỉ cho kinh tế biển tỉnh Bình Thuận trong những năm qua.

Xứ Duồng là vùng đất ven biển khô hạn, nắng gió quanh năm, ít mưa. Nhưng bù lại, được biển cả ưu đãi về nguồn lực khai thác hải sản và vị trí chiến lược giao thương. Những đóng góp về kinh tế biển của vùng biển Gành Son hay người dân xứ Duồng cho Bình Thuận (cũ) là rất lớn, không thể phủ nhận.

Trong khi xứ biển Phan Thiết ngày càng phát triển mạnh về du lịch, Mũi Né đang dần trở thành thương hiệu quốc tế nghỉ dưỡng, thì xứ Duồng vẫn bền bỉ "ôm lấy biển" Gành Son, giữ gìn những giá trị văn hóa, tín ngưỡng và truyền thống ngư nghiệp có lịch sử hàng trăm năm.

Người dân xứ Duồng hầu hết làm nghề đi biển hoặc chế biến, xuất khẩu thủy hải sản, nhưng nay một bộ phận chuyển đổi sang buôn bán, làm dịch vụ.

Hình ảnh những thuyền thúng câu mực lặng lẽ giữa biển đêm với ánh đèn vàng lập lòe như sao sa trên mặt nước, chính là biểu tượng cho sức lao động miệt mài, khả năng thích nghi sáng tạo của ngư dân nơi đây. Hải sản xứ Duồng ngon nổi tiếng, có thể kể đến như con mực ống, ốc hương, cá liệt dầu, cá đuối, hay cá nục sồ…

Bên cạnh đó, nghề làm muối (nay đã giảm dần tỷ trọng) với những cánh đồng trắng trải dài là minh chứng cho sự cần cù, bền bỉ trong điều kiện tự nhiên khắc nghiệt.

Các ngành nghề đều góp phần đáng kể vào phát triển kinh tế, xã hội, đóng góp cho sự ấm no của bà con nói riêng và tỉnh Bình Thuận (cũ) nói chung.

Yếu tố truyền thống văn hóa, lịch sử của xứ Duồng

Không chỉ yếu tố cộng đồng làng chài ven biển, nói đến xứ Duồng - Chí Công, còn phải nhắc đến yếu tố lịch sử vô cùng đặc biệt của mảnh đất ven biển này. Nơi đây chính là địa chỉ ghi dấu một mốc son trong lịch sử dân tộc.

Khoảng tháng 8.1910, người thanh niên Nguyễn Tất Thành - Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc còn trẻ, đã dừng chân trước khi vào Trường Dục Thanh (Phan Thiết) dạy học.

Theo ghi chép lịch sử của Đảng bộ xã Chí Công thì ngôi chùa Phước An, nơi Bác Hồ ở lại trong thời gian ngắn, với sự giúp đỡ của cụ Trương Gia Mô trên hành trình vào bến cảng Nhà Rồng.

Đây là yếu tố lịch sử quan trọng, chứng tích sống động cho mối liên kết giữa xứ Duồng và hành trình cách mạng của Người trước khi bôn ba cứu nước.

Trong chùa Phước An còn ghi dấu tích năm xưa là cây khế cổ thụ phía sau chùa, nơi Bác từng nghỉ, hiện vẫn được người dân thắp hương, trân trọng giữ gìn như một biểu tượng thiêng liêng của ký ức dân tộc gắn liền với đời sống người dân nơi đây.

Ngoài ra, xứ Duồng, cũng giống như Phan Rí Cửa, hình thành nhiều vạn chài theo đơn vị ngư dân cùng nghề, có người đứng đầu làm trùm vạn, với quy định, các nguyên tắc chia sẻ ngư trường, hỗ trợ nhau khi gặp nạn, tổ chức lễ tế, cầu an...

Tín ngưỡng biển xứ Duồng - Phan Rí Cửa chiếm vị trí đặc biệt trong đời sống tinh thần ngư dân nơi đây. Lễ hội cầu ngư, rước Ông Nam Hải, hát chèo bả trạo, hò lờ, lý ngư…. là nghi lễ tâm linh, không gian kết nối cộng đồng, truyền dạy đạo lý sống hòa thuận của con người, chan hòa với thiên nhiên, biển cả.

Các nhà nghiên cứu văn hóa của Bình Thuận (cũ) cho rằng cần tôn vinh, gìn giữ và phát triển dòng hóa biển xứ Duồng - Phan Rí Cửa đầy ý nghĩa như một "đô thị văn hóa biển"; nơi mà các dòng văn hóa của ngư dân có thể trở thành các sản phẩm quảng bá cho ngành du lịch tỉnh Lâm Đồng. Chẳng hạn các tour du lịch kết nối xứ biển và hoa có thể đến chùa Phước An thăm lại chứng tích năm xưa, khi Người dừng chân trước khi vào Nam đi tìm đường cứu nước…

 
 
 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn