Ga T3 Tân Sơn Nhất: "Toàn bộ sàn nhà thực sự không ổn về mặt thẩm mỹ"

(Dân trí) - "Công trình nhà ga T3 khi mới bàn giao đã bị dột mái, bây giờ sàn gạch hở. Nhà nước cần kiểm tra chất lượng nguyên vật liệu có đúng chất lượng và kỹ thuật cam kết không", bạn đọc Dân trí bình luận.
Sau phiền toái vì tình trạng dột mái, hành khách trải nghiệm nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất (TPHCM) tiếp tục phàn nàn về chất lượng hoàn thiện của đá lát nền. Một tháng sau lễ khánh thành, hạng mục này vẫn chưa được hoàn tất, với nhiều khe hở hiện rõ trên sàn nhà ga.
Một nữ doanh nhân đến từ Hà Nội, trong lần đầu tiên đặt chân tới nhà ga T3, đã phải thốt lên "đây là một trải nghiệm tồi tệ".
Sự việc xảy ra khi nữ hành khách đang vội vã băng qua sảnh nhà ga vì sắp trễ chuyến bay. Bất ngờ, cô bước hụt, chới với và suýt ngã ngửa. Khi nhìn xuống chân, người phụ nữ mới phát hiện gót giày cao gót của mình đã bị thụt sâu vào một khe hở giữa các phiến đá lát nền chưa được trét mạch hoàn chỉnh.
Không thể để những lỗi sơ đẳng phơi bày, ảnh hưởng trực tiếp đến khách hàng
Gửi bình luận dưới bài phản ánh của báo Dân trí, nhiều độc giả chia sẻ trải nghiệm thất vọng từ vấn đề thi công cho tới thẩm mỹ của đá lát nền nhà ga T3 Tân Sơn Nhất.
Độc giả Thinh Hoang: "Tôi mới đi hôm đầu tuần vừa rồi, công trình mới mà thấy toàn bộ sàn nhà thực sự không ổn về mặt thẩm mỹ, như thợ nghiệp dư ốp lát vậy, xấu kinh khủng. Tôi có thể đếm sơ được 4 loại gạch khác nhau, cùng một loại lại ốp hoa văn ngang dọc nhìn rất ẩu, mới sử dụng nhưng đã trầy xước rất nhiều, đây lại là công trình lớn, phục vụ nhiều triệu lượt khách hàng năm.
Ở sảnh tầng trệt đoạn từ nhà gửi xe máy vào sảnh, có mấy cái cửa cống lớn, nhìn xuống rất là sâu nhưng chỉ chắn nắp cống lại, mình lo nếu ống cống đó bị lệch là người nào đi ngang đạp lên rồi rơi xuống luôn thì không biết làm sao. Thiết nghĩ, bộ phận nào nghiệm thu phải chịu trách nhiệm chứ không thể để như thế này mà đã đưa vào sử dụng được".
"Tôi thực sự ngỡ ngàng và cảm thấy lo lắng cho chất lượng công trình với cách thi công này. Nhiều tấm đá lát nền được sử dụng làm nắp đậy cho các thiết bị kỹ thuật được thi công thiếu tỉ mỉ, dẫn đến tình trạng lồi lõm so với mặt sàn xung quanh. Chưa bao giờ tôi thấy một cái nền nào được lát ẩu như thế này, vân gạch thì xếp lung tung...", độc giả Nguyễn Hiếu.
Bạn đọc Nguyễn Xuân Định hài hước: "Trời không mưa mà mái tàu điện trên cao vẫn dột, làm ướt áo hành khách. Còn nhà ga hàng không thì hoành tráng thật, nhưng giày cao gót của phụ nữ lại "bịn rịn" với nền sàn...".
Ông Định cho rằng tất cả những sự cố đó phản ánh khâu kiểm tra và nghiệm thu chưa nghiêm túc.
Trực tiếp trải nghiệm, bạn đọc Nguyễn Mạnh Hùng băn khoăn, sàn nhà ga có vẻ được lát bằng gạch chứ không phải đá như ở nhà ga T1.
"Việc thi công lát gạch rất cẩu thả, không đảm bảo tiêu chuẩn để nghiệm thu. Cụ thể, các đường ron ghép mạch không đồng đều, chỗ thì to, chỗ thì nhỏ, mặt sàn không bằng phẳng, không đạt yêu cầu tối thiểu của một công trình công cộng", bạn đọc phân tích.
Ông Hùng cho rằng, kiểu vân gạch hiện tại chỉ phù hợp làm điểm nhấn cho một khu vực sàn nhỏ hoặc mang tính cá nhân hóa, còn áp dụng cho toàn bộ mặt sàn rộng lớn thì trở nên rối mắt, thiếu thẩm mỹ và không phù hợp với không gian công cộng. Đặc biệt, mặt sàn bị mấp mô, ghép gạch không chuẩn khiến việc kéo vali hay đi giày cao gót đều dễ bị vấp.
"Không hiểu sao một công trình lớn như nhà ga T3 lại để xảy ra những lỗi cơ bản như khe hở đá lát nền. Đây là vấn đề an toàn, cần được xử lý ngay lập tức!", bạn đọc Phan Anh Tuấn.
Bạn đọc Thái Bình cho rằng có ba vấn đề đáng lưu ý.
Thứ nhất, tiến độ thi công quá nhanh, dẫn đến chất lượng kém. Những hạng mục chưa hoàn thiện thì được che chắn tạm bợ để tiếp tục làm sau, gây cảm giác nhếch nhác. Công tác điều hành cũng còn lộn xộn do nhà ga T3 thực tế chưa hoàn thành toàn bộ các hạng mục.
Thứ hai, chất lượng hoàn thiện chưa tốt do tay nghề của nhà thầu còn hạn chế. Việc giám sát thi công thiếu chặt chẽ, dẫn đến nhiều lỗi kỹ thuật và mất thẩm mỹ.
Thứ ba, việc áp dụng công nghệ mới tại nhà ga đòi hỏi phải có đội ngũ nhân viên tiếp cận hành khách và hướng dẫn cụ thể, tránh gây bối rối cho người sử dụng.
"Tình trạng này không chỉ xảy ra ở TPHCM. Tại Hà Nội, một số công trình quy mô nhỏ cũng rơi vào tình trạng tương tự nên ít được chú ý.
Ví dụ, Công viên Phùng Khoang sau gần chục năm đình trệ đã được "hoàn thành" để kịp đưa vào sử dụng trước Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn khoảng một phần ba diện tích bị quây tôn, chưa thi công, và vài tháng qua gần như không có động tĩnh gì", bạn đọc Thái Bình dẫn chứng.
Ở góc nhìn khác, nhiều ý kiến cho rằng có thể thông cảm bởi việc vừa khai thác, vừa hoàn thiện ở các công trình lớn không phải là chuyện hiếm gặp.
"Thực ra việc vừa khai thác vừa hoàn thiện cũng không phải hiếm ở các công trình lớn. Tôi nghĩ cần thêm thời gian để đánh giá toàn diện về chất lượng nhà ga T3", bạn đọc Nguyễn Tiến Hải nêu quan điểm.
Đồng tình với quan điểm trên, bạn đọc Phạm Văn Tuyên cho hay, để đảm bảo hoàn thành công trình theo đúng tiến độ quy định, có thể chỉ những hạng mục chính được hoàn thành, còn các công trình phụ trợ sẽ hoàn thiện sau.
"Đây là chuyện thường gặp và mọi người cũng có thể thông cảm được", anh Tuyên nói.