Nhảy đến nội dung

'Đường sắt cao tốc Bắc - Nam là dự án cống hiến'

Đó là khẳng định của bà Đào Thụy Vân - Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đường sắt cao tốc VinSpeed, trong bài trả lời phỏng vấn độc quyền với Thanh Niên xung quanh việc VinSpeed - một tân binh trong lĩnh vực vận tải - đề xuất đầu tư và khai thác dự án Đường sắt cao tốc Bắc - Nam đang gây xôn xao dư luận.

Sẵn sàng chia lửa với các doanh nghiệp cùng chí hướng

Đường sắt cao tốc Bắc - Nam là dự án trọng điểm quốc gia, đòi hỏi nguồn lực cực kỳ lớn cả về quy mô vốn lẫn khả năng triển khai, vận hành. Trên thế giới, đường sắt cao tốc từ trước đến nay đều do nhà nước đứng ra triển khai và chấp nhận bù lỗ cho đa số các tuyến. Vì sao VinSpeed lại muốn lao vào lĩnh vực có độ thách thức cao, khả năng lỗ nặng như vậy?

Bà Đào Thụy Vân: Đúng là dự án này quá khó khăn và đầy thách thức nhưng đây là thời điểm lịch sử để khối doanh nghiệp tư nhân Việt Nam phát huy vai trò, hưởng ứng Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, và đặc biệt là Nghị quyết 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân. Trên tinh thần đó, cộng với mong muốn xây dựng ngành công nghiệp đường sắt cao tốc, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao đời sống nhân dân ở các địa phương, chúng tôi xác định đây là dự án cống hiến chứ không phải dự án vị lợi nhuận. Vì thế, chúng tôi mong sẽ nhận được sự tin tưởng và ủng hộ của Đảng, Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp và người dân cả nước để dự án có thể triển khai và đưa vào khai thác sớm trước tháng 12.2030.

VinSpeed vừa mới thành lập được ít ngày, chưa có gì trong tay, vậy cơ sở nào để công ty tự tin đăng ký đầu tư dự án siêu "khủng" này, thưa bà?

VinSpeed có chung nhà sáng lập với tập đoàn Vingroup là ông Phạm Nhật Vượng. Việc ông Vượng để VinSpeed đứng riêng nhằm tách phần khó khăn ra khỏi Vingroup, đảm bảo không ảnh hưởng tới quyền lợi của cổ đông tập đoàn. Trước đó, Vingroup đã đăng ký đầu tư các tuyến đường sắt cao tốc khác nên không xa lạ gì lĩnh vực này. Hiện tại, chúng tôi đang thỏa thuận với đối tác Trung Quốc, Đức, Nhật để nhận chuyển giao công nghệ, cũng như sản xuất các đầu máy, toa xe cùng hệ thống tín hiệu, điều khiển tại Việt Nam.

Theo đề xuất của VinSpeed, giá vé tàu cao tốc Bắc - Nam sẽ vào khoảng 60 - 70% giá vé máy bay. Có ý kiến cho rằng mức giá cao như vậy thì thà mở thêm các hãng bay nội địa thay vì đầu tư đường sắt cao tốc, bà nghĩ sao về điều này?

Việc định giá vé tàu tối thiểu 60 - 70% giá vé máy bay bình quân các hãng hàng không đang khai thác trên cùng chặng là đề xuất Chính phủ trình Quốc hội và cũng là mức thông dụng quốc tế. Còn về sự cần thiết của đường sắt cao tốc, ngoài việc người dân đi lại thuận lợi hơn rất nhiều, tiết kiệm 30 - 40% chi phí thì còn giúp thắt chặt kết nối vùng và tạo động lực cho phát triển đồng đều ở nhiều địa phương dọc đất nước, chứ không chỉ tập trung 2 đầu Hà Nội và TP.HCM như hiện tại.

Đường sắt cao tốc Bắc - Nam là dự án quy mô và tầm vóc quốc gia, vì sao VinSpeed không "chia lửa" với các đơn vị khác mà nhất định tự ôm một mình, phải chăng vì có "đặc quyền, đặc lợi", thưa bà?

"Chia lợi" thì được chứ "chia lửa" thì ai nhận? Như tôi đã chia sẻ, đây là dự án cống hiến, chúng tôi muốn triển khai vì khát khao đóng góp cho đất nước chứ không phải chỉ để tìm kiếm lợi nhuận. Do đó, nếu có doanh nghiệp cùng chí hướng, chúng tôi rất sẵn sàng hợp tác để cùng nhau phát triển ngành công nghiệp đường sắt cao tốc, góp phần thúc đẩy kinh tế Việt Nam.

Nhà nước chỉ cho vay chứ không phải bỏ vốn

Nhiều ý kiến cho rằng VinSpeed muốn "tay không bắt giặc" khi đưa ra những đề xuất ưu đãi chưa từng có tiền lệ, như vay 80% vốn với lãi suất 0% trong 35 năm. Chỉ tính riêng lãi suất được miễn, dù mức thấp nhất cũng lời hàng tỉ USD, thời hạn khai thác lại tới 99 năm?

Theo đề xuất của VinSpeed, Nhà nước chỉ cho vay chứ không phải bỏ vốn đầu tư. Phương án đã được duyệt tháng 11.2024 cho thấy Nhà nước đầu tư 61,35 tỉ USD, không bao gồm chi phí bồi thường, hỗ trợ di dời, tái định cư để giải phóng mặt bằng, với thời gian hoàn vốn theo các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực này tính toán, có thể lên đến 70 năm. Còn phương án của chúng tôi là Nhà nước cho VinSpeed vay 80%, tương đương 1.249,6 nghìn tỉ đồng (khoảng 49,08 tỉ USD) trong 35 năm không tính lãi, 20% còn lại tương đương khoảng 312,33 nghìn tỉ đồng, khoảng 12,27 tỉ USD, VinSpeed sẽ chủ động đi vay và chịu lãi. Như vậy, VinSpeed chủ động gánh cho Nhà nước 20% tổng vốn phải đầu tư và chịu lãi hoàn toàn cho số đó, đồng thời sẽ hoàn trả Nhà nước toàn bộ vốn vay sau 35 năm. Về cơ bản, Nhà nước không phải bỏ vốn cho dự án này.

Còn về thời gian hoàn vốn, theo tìm hiểu của chúng tôi, 98% tuyến đường sắt cao tốc trên thế giới lỗ, chỉ 2% là có lãi. Đặc biệt, theo các chuyên gia, cứ sau khoảng 30 năm vận hành sẽ phải tái đầu tư hàng chục tỉ USD để bảo trì, nâng cấp. Nếu giao cho VinSpeed, ngân sách nhà nước sẽ không phải chịu những áp lực tài chính này.

Tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam của ta rất dài, lại chạy qua nhiều địa phương có thu nhập chưa cao nên khả năng khai thác kinh doanh để hoàn vốn là vô cùng khó khăn. Đó là lý do thời hạn khai thác phải đủ dài để bù đắp chi phí xây dựng và vận hành.

VinSpeed mới thành lập với vốn tự có 6.000 tỉ đồng (240 triệu USD - NV), cơ sở nào để công ty có thể vay được hơn 12 tỉ USD vốn đối ứng cho dự án trong khi chưa có dự án nào để tạo nguồn thu và làm tài sản đảm bảo?

Chúng tôi tự tin là nếu đề xuất được phê duyệt thì VinSpeed sẽ huy động được khoảng 300.000 tỉ đồng, phần vốn tự có có thể thu xếp khoảng 45.000 tỉ đồng. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ hết sức nỗ lực, quyết liệt sáng tạo để phát triển dự án, linh hoạt kinh doanh để tạo ra được dòng tiền, tương ứng với phần lớn chi phí đầu tư, cũng như hoàn trả các khoản vay. Dự kiến nguồn hoàn trả cho Nhà nước sẽ gồm 3 phần: doanh thu từ kinh doanh vận tải của tuyến (không còn nhiều sau khi trừ các chi phí vận hành, vay 20%, chi phí sửa chữa, bảo dưỡng và thay thế các đoàn tàu, đường ray sau 12 - 15 năm…); nguồn thu từ sự hợp tác với các công ty trong hệ sinh thái Vingroup và nguồn đóng góp thêm của các cổ đông cho phần còn thiếu.

Chứ không phải đề xuất phát triển các khu đô thị xung quanh các nhà ga là căn cứ để VinSpeed tự tin có thể hoàn số vốn vay gần 50 tỉ USD trong vòng 35 năm cho Nhà nước thưa bà? Nhiều ý kiến cho rằng, "gom đất vàng" để phát triển bất động sản mới là động cơ thực sự của việc tham gia dự án này?

Thứ nhất, nếu chỉ vì động cơ gom đất vàng thì không ai chọn dấn thân vào dự án chắc chắn lỗ thế này trong khi hai nơi có giá trị và tiềm năng cao nhất là Hà Nội và TP.HCM đều không còn dư địa để làm dự án bất động sản quanh nhà ga nữa. Các nơi còn lại đều nằm ở vùng ven, xa trung tâm tỉnh thành, hoàn toàn không phải đất vàng, thậm chí là đất ruộng, ít giá trị, giống như đi khai hoang phát triển. Thậm chí, vài năm trước, nhiều địa phương dọc tuyến từng mời gọi Vingroup đầu tư vào trung tâm tỉnh nhưng Vingroup không vào.

Thứ hai, việc VinSpeed đề xuất đầu tư các khu đô thị quanh nhà ga đường sắt cao tốc đơn giản vì đó là giải pháp để có thêm một phần nguồn thu, góp phần trả nợ cho Nhà nước nhưng vẫn phải trả chi phí sử dụng đất đầy đủ và sòng phẳng như mọi nhà đầu tư khác, chứ không có chuyện sử dụng miễn phí.

Còn nghi ngại VinSpeed lợi dụng dự án đường sắt để hợp pháp hóa việc huy động vốn siêu rẻ nhằm giải cứu hay hỗ trợ VinFast, một trong những công ty do ông Phạm Nhật Vượng làm chủ hiện đang thua lỗ, bà giải thích thế nào?

Những ý kiến trên hoàn toàn không chính xác. Thứ nhất, toàn bộ nguồn vốn này chỉ được chi trả cho việc xây dựng dự án đường sắt cao tốc, không thể dùng cho mục đích khác. Thứ hai, doanh thu đến từ việc vận hành sẽ chỉ có sau 6 năm nữa, những năm đầu phải bù thêm vì chi phí vận hành cao, lượng khách thấp. Mà 6 năm nữa theo kế hoạch dự kiến thì VinFast đã có lãi từ lâu rồi.

Như bà vừa nói, dự án này xác định lỗ kéo dài, công ty có tính đến việc cổ đông sẽ quan ngại các công ty trong hệ sinh thái Vingroup sẽ phải tiếp tục thu xếp vốn cho VinSpeed, gây ảnh hưởng đến giá trị cổ phiếu VIC?

Như đã chia sẻ, để không ảnh hưởng đến cổ đông VIC và chuyên tâm triển khai dự án cống hiến này, Chủ tịch Phạm Nhật Vượng đã thành lập VinSpeed độc lập, Vingroup chỉ chiếm 10% trong VinSpeed. Nếu có lỗ thì cổ đông VinSpeed chịu chứ không phải cổ đông VIC hay các công ty trong hệ sinh thái. Trong khi đó, các công ty trong hệ sinh thái Vingroup lại được hưởng lợi từ việc triển khai phát triển các khu đô thị TOD dọc tuyến đường sắt cao tốc.

 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn