Nhảy đến nội dung

Dừng đèn đỏ quá vạch phạt đến 20 triệu: Dân mạng phản ứng, luật sư nói gì?

Nhiều cư dân mạng cho rằng, việc CSGT xử phạt lỗi dừng xe chờ đèn đỏ nhưng cán hoặc quá vạch kẻ đường với mức phạt cao nhất lên đến 20 triệu đồng (tương tự lỗi vượt đèn đỏ) là không có cơ sở, không đúng luật. Liên quan đến vấn đề này, ý kiến các luật sư ra sao?

Thông tin về việc xe máy, ô tô dừng đèn đỏ cán hoặc quá vạch kẻ đường sẽ bị CSGT xử phạt lỗi vượt đèn đỏ (tức mức phạt cao nhất lên đến 20 triệu đồng) đang trở thành đề tài bàn tán sôi nổi trên các diễn đàn, hội nhóm mạng xã hội tại Việt Nam trong những ngày qua.

Lý do là bởi, rất nhiều người cho rằng, hành vi dừng xe cán hoặc quá vạch kẻ đường đã được quy định rõ trong Luật Trật tự, An toàn giao thông đường bộ 2024 và cả Nghị định 168/2024/NĐ-CP. Hành vi này ngay từ câu từ đã khác hoàn toàn so với hành vi vượt đèn đỏ (không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông). Vì vậy, việc áp dụng xử phạt lỗi "không tuân thủ vạch kẻ đường", hoặc lỗi "dừng, đỗ xe trên phần đường dành cho người đi bộ" sẽ hợp lý hơn.

Luật sư nói gì?

Liên quan đến tranh cãi nói trên, trao đổi với Thanh Niên, luật sư Nguyễn Hùng Quân (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết, việc CSGT xử phạt lỗi dừng xe chờ đèn đỏ nhưng cán hoặc quá vạch kẻ đường tương tự lỗi vượt đèn đỏ là hoàn toàn có cơ sở.

Cụ thể, luật sư này phân tích, Khoản 4, Điều 11 Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ năm 2024 có quy định: "Người tham gia giao thông đường bộ phải chấp hành báo hiệu đường bộ theo thứ tự ưu tiên trước là hiệu lệnh của người điều khiển giao thông, tín hiệu đèn giao thông rồi mới đến biển báo hiệu đường bộ, vạch kẻ đường và các dấu hiệu khác trên mặt đường, cọc tiêu/tường bảo vệ/rào chắn/đinh phản quang/tiêu phản quang/cột Km/cọc H, thiết bị âm thanh báo hiệu đường bộ".

Trên cơ sở đó, theo luật sư Quân, trong trường hợp người điều khiển xe đi qua giao lộ, khi không có hiệu lệnh của người điều khiển giao thông thì thứ tự ưu tiên phải là "tín hiệu đèn giao thông" với 3 màu sắc xanh, vàng và đỏ.

Người điều khiển các phương tiện lưu thông phải hiểu một cách rõ ràng là đèn xanh được đi bình thường. Đèn vàng (lưu ý không phải đèn vàng nhấp nháy), các phương tiện phải dừng lại trước vạch. Trừ trường hợp xe đang lưu thông đèn xanh, nhưng lúc đã đi trên vạch hoặc qua vạch kẻ đèn lại chuyển qua đèn vàng thì vẫn được đi tiếp (lúc này được hiểu là xe đã đi vào giao lộ). Còn đèn đỏ là cấm đi.

Luật sư Nguyễn Hùng Quân khẳng định, việc CSGT thực hiện phạt xe dừng chờ đèn đỏ cán vạch với lỗi vượt đèn đỏ dành cho xe ô tô (với mức phạt tiền từ 18 - 20 triệu đồng, trừ 4 điểm GPLX) và xe máy (phạt tiền từ 4 - 6 triệu đồng, trừ 2 điểm GPLX) là đúng theo Nghị định 168/2024/NĐ-CP.

Đồng quan điểm, luật sư Trần Thị Như Mai - Công ty Luật TNHH Trọng Êm và Cộng sự (Đoàn Luật sư TP.HCM) cũng cho rằng, trong Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 đã quy định rõ rằng khi đèn vàng, phương tiện phải dừng lại trước vạch dừng. Trường hợp phương tiện đang đi trên vạch dừng hoặc đã đi qua vạch mà tín hiệu đèn màu vàng thì được đi tiếp. Đèn đỏ thì cấm đi. Như vậy, việc lực lượng CSGT xử phạt các trường hợp người điều khiển xe máy, ô tô dừng đèn đỏ cán hoặc quá vạch kẻ đường tương tự lỗi vượt đèn đỏ là đúng luật.

Nên có sự linh hoạt khi xử lý vi phạm

Dù khẳng định phía CSGT xử lý đúng luật, tuy nhiên các luật sư cũng thống nhất quan điểm rằng nên có sự linh hoạt khi xử lý vi phạm đối với hành vi dừng xe chờ đèn đỏ cán hoặc quá vạch kẻ đường.

Theo luật sư Mai, vấn đề nằm ở chỗ luật và nghị định không hướng dẫn và giải thích chi tiết về trường hợp dừng đèn đỏ nhưng cán vạch thì trong trường hợp nào được xem là "không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của biển báo hiệu, vạch kẻ đường" và trường hợp nào được xem là "không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông". Trong khi mức phạt của hai hành vi này khác nhau.

Đặc biệt là tình trạng đèn tín hiệu giao thông ở Việt Nam cũng không đồng nhất. Một số nơi có thể hiện số giây, một số nơi lại không thể hiện số giây. Vậy nên khi đèn xanh bất ngờ chuyển sang vàng, người tham gia giao thông rất khó để dừng lại kịp. Do đó, nên có sự linh hoạt khi xử lý vi phạm.

Luật sư này đề xuất, trường hợp đèn tín hiệu giao thông có thể hiện số giây, khi đèn chuyển sang màu vàng mà người tham gia giao thông không giảm tốc để dừng trước vạch, cố tình đi tiếp dẫn đến khi đèn tín hiệu chuyển sang màu đỏ mà phương tiện cán vạch/vượt quá vạch dừng (cho dù chưa di chuyển qua khu vực giao cắt) thì vẫn bị xử lý về hành vi "không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông".

Còn với trường hợp đèn tín hiệu giao thông không thể hiện số giây nên khi đèn tín hiệu chuyển sang màu vàng người điều khiển phương tiện cán vạch dẫn đến khi đèn tín hiệu chuyển sang màu đỏ thì phương tiện vượt quá vạch dừng nhưng chưa di chuyển qua khu vực giao cắt thì chỉ nên xử lý về hành vi "không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của biển báo hiệu, vạch kẻ đường".

Tương tự, luật sư Nguyễn Hùng Quân bày tỏ quan điểm: "Tôi nghĩ nên xem xét lại vấn đề này một cách thấu đáo, đa chiều trên góc nhìn của người dân tham gia giao thông. Nhất là ở các đô thị lớn (như Hà Nội, TP.HCM), nơi có nhiều phương tiện lưu thông để có hướng xử lý phù hợp với thực tiễn, tránh tình trạng như người điều khiển phương tiện có tâm lý "đàng nào cũng bị phạt thì vượt luôn đèn đỏ". Lúc đó, hậu quả tai nạn giao thông có thể xảy ra trên nhiều tuyến giao lộ.

Theo vị này: "Nếu đơn thuần xét về câu từ, việc dừng xe quá vạch có thể hiểu là vi phạm do không tuân thủ về biển báo, vạch kẻ đường. Còn vượt đèn đỏ là không tuân thủ hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông. Nhưng xét về hành vi, hai thao tác lái xe này khác nhau: một bên là dừng xe quá vạch (không chủ đích mang tính bị động), còn lại thì hoàn toàn chủ động cho phép bản thân vượt đèn đỏ.

Và thực tế vạch kẻ ngang đường được kẻ trước trụ cột báo hiệu đèn một khoảng cách địa lý nhất định nên việc xe dừng trên vạch hoặc quá vạch một chút (bị lố vạch) thì cũng chưa vượt qua trụ báo đèn tín hiệu giao thông.

Việc xét vài góc độ như trên nhằm mục đích đánh giá về mức độ gây nguy hiểm của hai hành vi là khác nhau. Tôi cho rằng, nên cần thiết phải áp dụng mức chế tài khác nhau là thấp hơn cho phù hợp với thực tế và tính công bằng".

 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn